Ta viết lịch sử bằng mồ hôi và máu

Yên Mã Sơn |

Mồ hôi của lao động xây dựng quê hương, đất nước. Máu để bảo vệ Tổ quốc, non sông... "Như mẹ gánh muối, gánh mồ hôi từ biển/ Như cha vung chài sau khi bỏ gươm dao."

Xanh EWEC xin giới thiệu bài thơ Ta viết lịch sử bằng mồ hôi và máu của Yên Mã Sơn.

 


Ta lớn lên bằng củ khoai dưới đất, hạt lúa trên cành

Bằng mùi lửa rơm của khói chiều nhem nhóm

Con cá dưới biển mặn mòi thôn xóm

Mỗi hạt phù sa từ núi chắt về ngàn

Ta lớn lên bằng đôi chân trần chạy trên cát

Buổi giêng hai nghe gió rát mặt người

Sáng sương giăng, chiều mưa nặng hạt

Tiếng sóng biển như mẹ ru à ơi

Em lớn lên từ mái chèo của mẹ, mắt lưới của cha,

Hạt muối từ biển, trái ớt đỏ trong vườn

Bằng tôm tép trong mỗi phiên chợ sáng

Gánh buồn vui đi dưới vạt nắng hường

Làng chài nhỏ mà biển thì thênh thang

Buổi hẹn hò ta gặp nhau gềnh đá

Sóng trắng xóa bây giờ em mới biết

Như lần hẹn đầu rồi ta mãi đi xa

Em lên rừng làm cô giáo vùng sâu

Anh ra đảo thành chàng trai lính biển

Đêm trở mình mơ về ngôi làng nhỏ

Chạm dấu chân trong lần hẹn đầu tiên

Nơi núi cao có bao giờ em gửi lá

Theo sông sâu chảy về biển tâm tình

Ngoài xa khơi đôi lần anh ước nguyện

Cánh buồm nâu đi hết biển quê mình…

Những đảo chìm, đảo nổi, đảo xa, đảo gần

Ta viết lịch sử bằng mồ hôi và máu

Như mẹ gánh muối, gánh mồ hôi từ biển

Như cha vung chài sau khi bỏ gươm dao.

 

                                                               (2011)

Mẹ Vĩnh Linh trong hành trình xây “lũy thép"

Trần Thanh Hải |

Tôi luôn đau đáu với ý tưởng lớn lao, là làm sao để giải mã trọn vẹn, đầy đủ và thuyết phục nhất về thuật ngữ quen thuộc: Vĩnh Linh lũy thép. Ý niệm đó càng rộ lên, khi “mảnh đất huyền thoại của tâm hồn tôi” chuẩn bị bước vào ngày lễ trọng đại: Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống (25/8/1954 - 25/8/2024). Một đêm thao thức, trăn trở chuẩn bị cho bản tham luận hội thảo khoa học về hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh, tôi chợt nhớ hình ảnh “người mẹ đào hầm” trong câu thơ Dương Hương Ly, về bài hát “Huyền thoại mẹ” của Trịnh Công Sơn, rồi lan đến áng văn mượt mà, xúc động của Hoàng Phủ Ngọc Tường khi viết về con đò tuyến le te của mẹ Duyến nơi thôn nghèo Huỳnh Hạ nửa thế kỷ trước. Trong ngút trời lửa đạn chia cắt đau thương, bà mẹ Duyến bình dị ấy coi đạn bom không ra gì, ngày ngày chèo con thuyền nan neo chính giữa dòng Bến Hải, quyết xóa đi ranh giới phân cách vô hình, bởi “dòng sông không thể có một bờ”… Những người Mẹ, ừ, phải chăng, với “chiến dịch giải mã” khó khăn này, tôi sẽ bắt đầu từ hình ảnh người Mẹ - những người .mẹ thân thương gần gũi, những người mẹ Vĩnh Linh bình dị, lặng lẽ mà vĩ đại…

Gìn giữ cho mai sau

Sỹ Hoàng |

Lâu nay, người dân ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) quen với hình ảnh người đàn ông dân tộc Vân Kiều lặng lẽ xuống nhiều bản, làng để sưu tầm hàng trăm hiện vật gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô từ thuở lập bản, lập làng... Đó là anh Hồ A Chõ (sinh năm 1978) ở bản Thuận 4, xã Thuận, huyện Hướng Hóa. Người đàn ông này tự bỏ tiền túi xây dựng một “bảo tàng nhỏ” bên dòng sông Sê Pôn với ước mơ cháy bỏng là mai sau con cháu ghé thăm, có thể chạm vào từng hiện vật mà tìm về quá khứ nguồn cội dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

Vĩnh Linh – những thước phim tài liệu

Trần Đăng Mậu |

Từ sau ngày hòa bình được lập lại, những địa danh Bến Hải, Cửa Tùng, Hiền Lương bỗng dồn dập xuất hiện trên trang nhất các tờ báo, có tiếng vang trong các bản tin thời sự, đi vào thơ ca, âm nhạc, phim ảnh, nung nấu thêm ý chí mãnh liệt để quân và dân Vĩnh Linh (Quảng Trị) đấu tranh thống nhất nước nhà. Cùng song hành với cuộc đấu tranh cam go, trung dũng kiên cường nơi tuyến lửa, những nhà viết sử bằng hình ảnh đã để lại cho mai sau những thước phim tài liệu quý giá.

“Phế liệu chiến tranh” hóa thanh âm núi rừng

Sỹ Hoàng |

Vẫn còn trong ánh hồi quang soi chiếu từ quá khứ chưa xa của nhiều già làng người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô là bao lần băng rừng, lội suối gùi cõng đạn dược, lương thực cho bộ đội dưới tán rừng già thâm u được soi chiếu bằng pháo sáng; băng qua cánh rừng bị thiêu rụi bởi bom napan của Mỹ ngụy. Xác máy bay hay pháo sáng cùng nhiều loại bom, đạn của Mỹ ngụy dội xuống những cánh rừng Trường Sơn năm xưa, đến bây giờ được các nghệ nhân người Vân Kiều, Pa Kô tỉ mẩn chế tác thành đàn Ta lư, Xar (có tên gọi khác là xập xõa)... để hòa âm cùng các làn điệu dân ca.