Có khi, mạ ngồi nhớ nét thanh xuân của mình trên những bức ảnh ngày xưa. Ở đó có mái tóc xanh, chân mày cong, đôi mắt sáng, làn da trắng và đôi má ửng hồng. Đôi môi màu cánh sen cùng nụ cười tươi như hoa, để có dạo cha ngang qua rồi mắc lại ở nụ cười này, rồi hai người nhóm lửa thổi cơm chung, ở cùng nhà, đẻ con đàn cháu đống.
Có khi, mạ nhìn bức tranh, thấy thanh xuân mình. Trong đó, cô gái ôm bó hoa, giữa cánh đồng mùa xuân, với nắng vàng rực rỡ, với chiếc áo dài màu đỏ thướt tha. Phía bên kia là dòng sông, có cánh cò bay ngang, mặt nước buổi chiều như thảm hoa dưới ánh nắng mặt trời, lúng liếng trôi nghiêng như ánh mắt thiếu nữ, chỉ cần ngó sơ đã thấy xốn xang kì lạ. Tựa như lòng mình không giữ được nên có người đi tìm, tìm thanh xuân của mình ở một người khác.
Có khi, mạ nhìn dòng Hiếu Giang, nhớ tóc dài thướt tha, nhớ màu mắt trong, nhớ tiếng reo của lòng, tựa như nước sông xao xuyến. Mỗi lần nước sông chảy, như tuổi xuân trôi đi, nhưng không mất. Tất cả dồn về biển Đông, ở đấy sức sống mãnh liệt, mênh mông, người ta ví nghĩa mẹ như nước nguồn, tình mẹ như biển Đông, công cha như núi… đó chính là tượng đài của thanh xuân, của tuổi trẻ, giá trị của cuộc sống được hội tụ về đây như minh chứng cho tình yêu loài người, chân lý loài người.
Bởi như thế, mạ chẳng sợ già đi. Mạ chỉ lo không đủ tuổi để nuôi nấng đàn con nên người, lo ngày tháng qua nhanh vì có vô số việc chưa làm xong và còn nhiều điều ấp ủ. Nên ăn phải đủ, ngủ cho đầy để di dưỡng tuổi xuân, đem hiến dâng cho gia đình của mình, mong con cái lớn lên thành người có ích.
Mạ như một người trái ngược với thời gian, khi người ta mỗi ngày một già yếu, xuống sắc thì mạ càng già càng đẹp. Từ làn da trắng hồng tới mái tóc bạch kim, nụ cười tươi như hoa tỏa sáng bởi hàm răng trắng bóng. Người phụ nữ của thời xa xưa có trong mình tố chất của phụ nữ hiện đại, với âm nhạc, cà phê, điện thoại thông minh… nhưng lại giữ gìn “công dung ngôn hạnh” của mình. Nên cha mãi nhìn ngẩn ngơ, mạ như bông hoa nở giữa cuộc đời. Đẹp mà dung dị, thanh hương chỉ dành để cho một người.
Khi ngoài tám mươi, da có nhăn, tóc có bạc thì thanh xuân của mạ vẫn còn đó. Mạ nói, tuổi xuân của mạ gửi hết vào con. Bởi nhìn đứa con nào lớn lên cũng bụ bẫm, trưởng thành đầy nhựa sống, ra đường ai cũng kêu con ông này bà nọ, coi cái mặt giống y đúc mẹ, dễ thương. Rồi khi có việc làm hay hành động giúp đỡ người khác, mọi người bảo, cha nào con nấy, phúc đức quá trời. Những khi gặp mạ, gặp cha, người ta khen lấy khen để, mạ mừng cuống quýt, cha cười tươi. Tính nết của con người là mùa xuân bất tử, nó có khi còn trẻ, đến khi già, cả khi người đó không còn thì cái tính của người vẫn được lưu truyền để giáo dục những thế hệ kế tiếp.
Nên mạ nhắc con đừng sống hoài, sống phí, nhất là tuổi xuân của mình. Nó như một tấm lụa, vừa để cho người ta thấy đẹp mắt, vừa bao bọc cho mình. Con người đẹp từ trong ra ngoài mới là đẹp, không phải cứ mặc áo quần đẹp vô là trở thành người tử tế. Người tử tế được thể hiện ở lời ăn, tiếng nói, việc làm và lẽ dĩ nhiên người đẹp phải là người tử tế, không dửng dưng các cuộc thi sắc đẹp, dù đàn ông hay đàn bà thì ban giám khảo vẫn soi từng kiểu đứng, dáng đi, từng lời ăn tiếng nói. Nên mới có phần thi ứng xử, những người mặt mày thanh tú, ăn mặc hết chê nhưng cũng bị đánh trượt vì không đạt tiêu chuẩn về kiến thức. Nên trí tuệ của người đẹp còn được xem là “gấm vóc” của tấm lòng. Đẹp người phải đẹp nết.
Từ thuở xa xưa ông cha ta đã chú ý giáo dục con cháu điều này. Không dửng dưng mà ông cha bảo “học ăn, học nói, học gói, học mở” để chỉ bảo con người từ khi sinh ra tới lúc trưởng thành, thậm chí khi đã về già thì tri thức được xem là “kho báu” vì trong “lời nói gói vàng”. Con người ta trân quý, nể trọng nhau cũng bởi cách ứng xử.
Mạ thường dạy các con trong lễ nghĩa ứng xử, trong ăn mặc… sao cho phù hợp và đúng chuẩn mực của mình. Kể cả cách uống nước, cách nằm ngủ… tất cả mọi thứ không phải quá quy chuẩn, khuôn phép nhưng phải đảm bảo những quy tắc xử sự chung, nếu không con người sẽ không tiến bộ được. Lẽ phải cũng được xem là thanh xuân, là gấm vóc của con người. Bởi nó đẹp và sang trọng, bởi nó là chuẩn mực để con người học theo, hơn thế, nó là di sản của loài người, không gì đẹp bằng lẽ phải.
Cũng bởi thế không hẳn là dịp Tết, những ngày thường mạ vẫn ăn mặc đẹp, ngày Tết thì có đẹp hơn, mạ mặc những bộ áo quần lụa, nhất là áo dài trong những dịp lễ Tết trong làng, để so mình với gấm vóc. Để tấm áo lụa xứng đáng với lòng người và ngược lại. Nếu ăn mặc đẹp mà nói năng lỗ mãng, hành động xấu xa thì chẳng đáng với gấm vóc lụa là. Nên chi bằng trước tiên làm đẹp lòng mình khi vận lên người những bộ đồ sang trọng, để thanh xuân cùng hội tụ, mới là cái đẹp của con người. Và dù đi qua mấy mùa xuân cành mai vàng vẫn rực rỡ, người người thường đua nhau cuốc đất trồng hoa, người ra chợ hoa “rinh” sắc xuân về trong ngày Tết. Rồi quần áo xúng xính, ăn mặc đẹp mắt, đi chúc tụng nhau những gì may mắn nhất để một năm thắng lợi an bình. Người cũng không quên lời mẹ cha, làm những việc tốt cho mình và cho mọi người, đó là mùa xuân của lòng người. Tết chỉ là dịp nhắc lại, con người phải biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, phải thiện lương để tạo nên gấm vóc của đời mình.
Chúng ta may mắn vì có mẹ, có cha, những bông hoa đầu tiên dẫn dắt chúng ta vào mùa xuân của cuộc đời. Bởi thế, khi Tết đến xuân về, khi bánh chưng xanh thơm nức, khi hoa nở ngoài sân, người còn mẹ cha thì kề vai sát cánh bên nhau đón xuân về, người không còn mẹ cha thì ngồi coi lại những bức ảnh cũ, đón Tết trong những kí ức đẹp để vươn lên. Ví cho cùng ngọn cỏ đến mùa xuân vẫn cứ nở những bông hoa cỏ thì con người cứ mở cửa cho thanh xuân của mình ùa đi.