Thương người sợ Tết

Diệu Ái |

Khi người ta bắt đầu sử dụng lịch âm, nhẩm tính ngày tàn tháng tận bằng những thở dài, bạn giật mình ngó quanh, hóa ra ngày càng nhiều người sợ Tết, giống mình vậy.

Đông tàn tạ rời đi thì xuân khấp khởi trở về, ấy là quy luật bất biến của tạo hóa. Dẫu cho thật nhiều trắc trở, thật nhiều cơ cực hay an vui, dịch bệnh hay gì chăng nữa, xuân vẫn đến Tết vẫn về, tuyệt nhiên không một trì hoãn, cản ngăn. Vậy mà, cảm giác sợ Tết ngày càng hiện rõ trong mắt người trẻ, người già. Nghĩ thoáng qua, có lẽ người trẻ sợ Tết bởi những thăm hỏi, những áp lực. Người già sợ Tết phải chăng vì biết quãng thời gian đời mình đang rút ngắn. Sự già nua ẩn tàng trong tuổi trẻ, cái tàn lụi nằm đâu đó trong sự sống. Tết về, hóa ra bao ưu tư xen kẽ, bao lo lắng chất chồng.

Ảnh Nông Văn Dân
Ảnh Nông Văn Dân


Bạn sợ Tết như một lẽ hiển nhiên khi qua ba mươi đã vài năm nhưng chưa gặp nhân duyên của đời mình, chưa lấy chồng như người khác. Bạn dị ứng với câu hỏi sao chưa thấy dẫn anh nào về, chẳng lẽ tính ở vậy à, lựa chọn cho lắm khéo đụng phải thứ không ra gì, đâu hoàn hảo chi mà đợi người hoàn hảo…Vài ba câu nói khó chịu đó bạn nghe nhiều trong năm, nhưng nghe nhiều nhất là mỗi khi Tết đến.

Chị bảo, chị cũng ớn Tết lắm. Lấy chồng hơn ba năm, vợ chồng thấp thỏm đợi chờ vẫn chưa thấy tin vui. Tết năm đầu tiên mới cưới, đi đâu cũng nghe hỏi thăm có gì chưa. Chưa kịp trả lời đã nghe người ta buông lời so sánh, chỉ dạy phải thế này thế kia.Năm thứ hai, người không quen thân còn đến sờ bụng, nói mấy lời độc miệng. Hỏi thăm của người đời nghĩ cho cùng là thừa thãi, vì bản thân người trong cuộc luôn ngóng trông hy vọng nhiều hơn ai hết.

Em làm ăn xa, bảo Tết về cũng sợ nhất mấy khoản thăm hỏi ở quê nhà. Thường thì họ hỏi về lương, về thưởng. Làm công ty nước ngoài chắc lương cao lắm, bao giờ xây nhà lầu cho ba mẹ, bao giờ mua ô tô, có được mấy miếng đất ở thành phố rồi… Hỏi xong thì so sánh, đặt lên bàn cân so đo với con nhà người khác. Những xét nét làm người ta ngộp thở, đâu cần phải lấy tiêu chí chuẩn mực người này để khoác lên vai người khác khi mỗi người sinh ra đã là một bản thể khác nhau.

Những sự quan tâm phiền hà rắc rối lắm khi xuất phát từ tò mò và thói quen hơn là từ tình cảm thật lòng. Với những người chưa trọn vẹn, thậm chí đã trọn vẹn đủ đầy, người ta cũng sẽ đào sâu tìm kỹ ra can cớ để gợi chuyện. Trong đó, xét cho cùng, chuyện con cái và hôn nhân là dễ bị để ý săm soi, hỏi thăm nhiều nhất. Giá mà những dịp vui vầy gặp mặt như vậy, chuyện cá nhân chỉ nên hỏi công việc vất vả không, cuộc sống vui vẻ không, chứ không phải xoáy sâu tò mò những vấn đề mà đối phương không chủ động chia sẻ. Lời thăm hỏi – khi gặp người, khiến Tết trở nên đáng sợ là vì vậy.

Tết còn là nỗi sợ hãi của nhiều người phụ nữ nói chung. Những người đàn bà bị trói buộc trong một gia đình gia phong, phải lo dọn dẹp chợ búa từ a đến z, lo cúng quảy lễ này lễ khác từ những ngày cuối chạp đến ra giêng. Những cô con dâu trong gia đình nhiều thế hệ, những nàng dâu trưởng, những nàng dâu mới về nhà chồng, Tết đôi khi là sự ám ảnh và mệt mỏi khi chỉ quanh quẩn trong căn bếp, lo nấu ăn rửa chén hết ngày. Chưa kể về kinh tế, với nhiều người, để gánh gồng một cái Tết vẹn toàn, họ đã phải cật lực làm việc trong một năm dài dẳng.

Thế nên bạn nói, xét về mặt tích cực nào đó, nói phải tội chứ Tết này còn con virus lởn vởn ngoài kia kể ra cũng có ít tác dụng. Bằng cách đó, người ta dè chừng nhau, bớt đi những cuộc gặp không cần thiết, bớt đi những mối quan hệ rời rạc. Tết đến chỉ cần sum vầy với gia đình, nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, bù đắp quãng thời gian quanh năm bận rộn. Vậy là đã đủ. Tết này, an toàn cho mình và gia đình, hướng vào bên trong hơn là ngó quanh bên ngoài. Mỗi người sẽ gạn lọc được những mối quan hệ thực sự cần thiết, không cần xã giao, khách sáo. Những món quà cất bớt, không cần màu mè, phô trương. Dịch bệnh mà, đòi hòi gì cho một năm đã quá nhiều mất mát.

Dầu sao, năm nay, thật buồn vì hẳn sẽ có nhiều người sợ Tết hơn trước. Đó là những gia đình có người thân mất trong cơn đại dịch, những ngôi nhà thiếu hụt vĩnh viễn thành viên bởi một lý do tang thương nào đó. Giao thừa, giữa thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, thật khó khăn khi hiện diện bên nhau chẳng còn đủ mặt. Tổn thất cơn đại dịch gây ra quá lớn, về kinh tế còn đong đếm được chứ về tinh thần thì chẳng thể nào bù đắp hay vực dậy. Trong những quy luật của cuộc đời, có lẽ, luật chấp nhận là bài học khó khăn hơn cả. Lắm người ngụp lặn trong nghịch cảnh mất mát, cố lắm cũng chẳng thoát ra được bao thương nhớ nghĩ suy khi mất đi người thân quý.

Thật thương những người đang mang nỗi sợ Tết vì một lý do riêng chung nào đó. Nhưng bạn biết không, Tết không có lỗi, người ta vẫn cần Tết vì bao la những điều tốt đẹp khác. Giá trị lớn lao mà những ngày Tết mang lại có lẽ chính là sự sum vầy, sự cảm thông, độ lượng mà người với người đối đãi cho nhau. Khi người ta bị cuốn đi bởi những nông sâu hụp lặn của dòng đời tất bật, Tết là dịp để lắng lại, nhắc chúng ta cần gần mẹ gần cha, cần ngồi ăn bữa cơm bên gia đình. Cứ thử hỏi mỗi người mẹ khi Tết về, điều họ mong mỏi nhất là gì. Chắc rằng, đó là ước mong bầy con mình về ăn Tết đủ đầy, vui vẻ.

Tết mà, chuyện nhỏ chuyện to gì cũng bỏ qua được hết. Tết mà, mình nói chuyện vui vẻ thôi. Bao lời chúc tụng nhẹ nhàng được trao gửi chân thành, những u uất phiền muộn được gói ghém cất đi, chỉ mang tươi vui, khấn nguyện tốt lành, mong ông bà tổ tiên chở che, gửi gắm yêu thương bất tận cho mỗi người quen biết. Quãng Tết đặc biệt của năm này, hẳn rằng mỗi người đều có những khái niệm khác về hạnh phúc, về bình an trong năm mới. Thế nên, bạn ơi, hãy cố gác lại nỗi sợ mơ hồ về Tết, để tận hưởng yên vui khi mùa mới sang.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Quảng Trị được hỗ trợ 1.064,73 tấn gạo dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần

B.A |

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 133/QĐ-TTg giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 7.820,76 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Bình Định, Hà Giang, Đắk Nông, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Bình Phước, Quảng Trị, Kon Tum, Lạng Sơn, Lai Châu để hỗ trợ cho nhân dân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022.

Cần lưu ý những gì khi bị nhiễm COVID-19 trong những ngày Tết?

Thanh Mai |

Vô số những điều cần lưu ý trong các ngày Tết mà người dân cần thận trọng, để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hội báo xuân tết Nhâm Dần tại Quảng Trị

PV-Danh |

Ngày 27/1/2022, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND thành phố Đông Hà tổ chức khai mạc Hội báo xuân Tết Nhâm Dần.

Mưu sinh ở chợ hoa tết

Nhơn Bốn |

Những ngày cận kề tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, ở khắp các chợ hoa tết trên địa bàn tỉnh càng trở nên nhộn nhịp, hối hả, tấp nập người bán, người mua. Ở đó có những tiểu thương trong và ngoài tỉnh đến bán hoa, cây cảnh và cả những người dân làm công việc bốc vác, trông giữ cây và chở hoa thuê theo thời vụ. Nhiều người trong số đó phải thức trắng đêm để trông giữ hoa với tất cả sự tất bật, miệt mài, vất vả mưu sinh vì mong muốn có một cái tết đủ đầy hơn cho gia đình...