Ông bạn tôi làm văn hóa ở một huyện vùng cao. Ông am hiểu, biết nhiều chuyện về cuộc sống của dân tộc thiểu số.
Bạn tôi kể những ông bố, bà mẹ vùng ấy khi về già không đủ sức leo lên, tụt xuống bậc thang nhà sàn nữa thì thường ngồi nhìn ra cửa sổ trông theo mấy rặng mây trời.
Họ ngồi bên bếp lửa lúc đỏ rực, lúc tàn tro để đợi đám con kiếm sống cắt rừng trở về mỗi chiều tối. Ngày ngày như thế, họ lấy chiếc khèn dắt trên mái nhà - tín vật của tình yêu mấy chục năm về trước - ra thổi cho nhau nghe.
Trải qua bao lần thay mái tranh hoặc dựng lại nhà mà chiếc khèn ấy vẫn thế, như thời xuân xanh. Tiếng khèn gợi lại tình yêu tuổi trẻ và thắp lên ngọn lửa của tình già. Ông thổi chán rồi nhường cho bà, ngồi châm thuốc hút. Bà thổi chán chê lại nhường ông để vào bếp nhóm thêm củi. Tiếng khèn và tình yêu thương tuổi già đã làm họ quên đi ngày tháng đang trôi, sự trống trải buồn bã giữa núi rừng hoang vắng.
Hình ảnh hai người già trong căn nhà vắng vẻ gợi trong tôi một chút bối rối. Mình có nhiều thứ tiện nghi để giải trí, nhưng không biết khi đến cái tuổi gần đất xa trời ấy, biết lấy gì để thắp lại ngọn lửa tình yêu con người, tình yêu cuộc sống như hai cụ già kia?
Bẵng đi một thời gian, vừa rồi gặp lại người bạn cũ. Ông kể tiếp, sau nhiều năm thổi khèn cho nhau nghe, cụ ông khuất núi, cụ bà không buồn thổi nữa. Cho đến một hôm bà với tay lên mái rút ra cây khèn. Bà thổi, những âm thanh buồn, như tắc nghẹn.
Đó là lần cuối cùng dân bản được nghe bà thổi khèn.