Văn chương với thời cuộc

Hoàng Hải Lâm |

Nhân đọc truyện ngắn “Con mèo vừa sống vừa chết” của nhà văn Hoàng Công Danh in trên Quảng Trị cuối tuần số 6177 ngày 06/6/2020.

Đọc văn Hoàng Công Danh, chúng ta thấy hai mảng đề tài chính Đạo và Đời. Sớm thành danh trên văn đàn với thơ, nhưng sau này Hoàng Công Danh được người đọc biết đến với thể loại truyện ngắn. Còn thơ anh, bay đi tìm mây trời lưng lẻo!

Danh thuộc tác giả trẻ “chắc tay” với thể loại truyện ngắn. Đặc biệt là những truyện ngắn viết về Phật giáo khiến anh thuộc hàng “đầu tàu” trong mảng đề tài này. Cuốn “Cõng nhau trong một cõi người” được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành và tái bản ngay sau đó là một tín hiệu vui đối với ngành xuất bản, hơn thế nó thúc giục nhà văn sáng tác, bạn văn anh cũng vui lây. Tính tới thời điểm này, Hoàng Công Danh đã có 3 đầu sách in ở Nhà xuất bản Trẻ.
 
 Nhà văn Hoàng Công Danh.

Nhưng nói đến truyện ngắn Hoàng Công Danh phải nói đến chuyện “Đời”, những câu chuyện mà tôi cho là ghê gớm! Có người sẽ nói rằng phải chăng nhà văn bỏ “Đạo”. Chẳng phải đâu, hiểu theo nghĩa rộng, trong “Đạo” có “Đời”. Tức là có đấu tranh, với chính bản thân mình, với người khác... Và cuộc sống luôn vươn tới những điều thanh sạch, muốn thế mọi người phải chiến đấu để chống lại cái xấu, cái ác. “Đạo” và “Đời” luôn luôn song hành nhau, muốn đẹp “Đạo” ắt phải tốt “Đời”.

Hồi mới đọc “Chuyến tàu vé ngắn” của Hoàng Công Danh, tôi xuýt xoa, Danh hay ho quá. Chẳng biết làm sao trong chuyện gối chăn, nhưng rõ ràng với truyện ngắn này lão đã “đưa tay vén váy” thật ngoạn mục. Một hành khách trốn vé tàu trao đổi với nhân viên kiểm soát vé bằng một cuộc làm tình. Mà tôi cam đoan nếu đọc truyện này của Danh phần đa vẫn muốn đi một chuyến tàu, được trốn vé. Chủ thể truyện ngắn này là “con tàu”, là nhân viên đường sắt, là mọi thứ trên trời dưới đất, đáng đọc và đáng đau.

Truyện ngắn “Thủ đô không có người nghèo” ra đời. Tôi vừa đọc vừa cười tủm tỉm, có khi với truyện ngắn này Hoàng Công Danh sẽ thôi những êm ái với đời. Vì truyện này nó có tầm vóc của cả một hệ thống! Sự sụp đổ của XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, những thân phận dật dờ, đói rách. Nhưng, có vẻ, hiếm người đọc nhận ra, hơi thở thời cuộc của nhà văn trong truyện ngắn ấy. Hoặc giả dụ, có nhận thấy cũng lặng im bước qua. Thời cuộc không thể tránh khỏi, đó là hiện thực cuộc sống đã phơi bày.

“Thủ đô không có người nghèo” là truyện rất đáng đọc nhất trong số truyện ngắn của Hoàng Công Danh. Nó không thuộc dạng văn chương thuần túy. Nó hiện thực của cả chế độ mà với cái tài của Hoàng Công Danh, truyện ngắn này nhuần nhuyễn, sâu kín và lẽ dĩ nhiên, không thiếu những mỉa mai, cay đắng của nhân vật, của chính người viết nên câu chuyện này.

Cũng hơi thở đó “Con mèo vừa sống vừa chết” của Hoàng Công Danh vừa là tiếng kêu đứt quảng, vừa là sự ngao ngán, là nỗi đau của nhà văn với thời cuộc, rất dễ nhận thấy, nhưng lẽ rằng, nó “khó tin” như lời nhà văn “nghe cái tên truyện bạn đọc hẳn sẽ có chút băn khoăn. Làm gì có chuyện vô lý như vậy. Sống dở chết dở thì đã quen quá rồi. Thành ngữ Việt hay chơi chữ, kiểu sống mòn tức là chết dần. Còn chuyện con mèo vừa sống vừa chết thì cụ thể quá. Khó tin quá”.

Câu chuyện không quá xuất sắc, tình tiết truyện cũng rất đỗi bình thường. Một chuyên viên nghiên cứu tại phòng khoa học của trường cao đẳng nhưng rất rảnh rang, một giáo viên dạy hợp đồng mỗi tháng góp đủ 5 triệu đồng “chuồn tay” cho thầy hiệu trưởng để giữ chân hợp đồng chờ ngày biên chế: “Cô tốt nghiệp ngành sư phạm ngữ văn đã ba năm vẫn chưa xin được việc gì ổn định. Trước có đi hợp đồng dạy văn, lương mỗi tháng hai triệu đồng. Cứ ba tháng cô lại cầm một phong bì đựng năm triệu đồng đưa cho thầy hiệu trưởng để giữ chân hợp đồng. Chầu chực mong mỏi cơ hội có ngày vào được biên chế. Xong một năm học, trò nghỉ hè, cô nghỉ dạy. Chấm dứt nghỉ việc. Anh bảo kể ra như thế là dạy không công à. Cô kể thêm có những buổi trưa ở lại trường, cô chỉ ăn qua quýt một ổ bánh mì để chiều dạy tiếp. Tiết kiệm là quốc sách mà anh. Tiết kiệm từng đồng để đến kỳ có tiền mà đưa cho ông hiệu trưởng chứ. Anh há hốc mồm. Thế là nhịn miệng đãi khách à”.
 
 Nhà văn Hoàng Công Danh (trái).

Bình thường với thời đại ngày nay không? Rất bình thường! Thậm chí chẳng có gì để nói, vì nó phổ biến. Cán bộ, công nhân viên chức nhà nước nhàn rỗi đợi tháng lĩnh lương, nạn lo lót, đút túi để được vào biên chế, sự thờ ơ của người dân đối với tiếng kêu (của mèo) vì quá mỏi mệt, vì… có kêu gì cũng thế thôi. Tất cả nó, tôi cho là rất nhiều người trong số chúng ta sẽ cho là bình thường. Và chính điều đó nó bất bình thường, đó chính là điều trăn trở đối với nhà văn, là sự báo động về đạo đức xã hội, mà ở đây cốt lõi là đạo đức công vụ.

Con mèo (vừa sống vừa chết) cùng với tiếng kêu của nó bao trùm suốt truyện ngắn này. Có khi, con vật lại kêu giúp con người trong tình cảnh khốn khổ nếu không muốn nói là khốn nạn. Và câu chuyện của cô gái, của chàng trai rớt vò hoàn cảnh sống dở, chết dở “Một tuần sau tờ báo cô thường cộng tác từ chối in truyện ngắn con mèo. Biên tập viên bảo rằng mèo đâu mà mèo, cô đang viết truyện người đấy chứ, ám chỉ cả một thế hệ như thế là in không được đâu.

Cũng ngày hôm đó tạp chí khoa học không chấp nhận nổi những đôi co của anh với nhà vật lý tiền bối đã mất. Họ bảo ông ấy đã làm cho giới khoa học đau đầu vì câu chuyện này lắm rồi, đọc thêm bài của anh chúng tôi chả hiểu gì cả. Vô thưởng vô phạt”.

Truyện cũng là hơi thở (có khi cuối cùng) của những người dân lao động. Trong mệt mỏi, quẫn bách thì tiếng mèo kêu, họ mặc nhiên nghe rồi… bỏ quên. Lật trở tất cả những nỗi thở than trong truyện ngắn này, mà đặc biệt là tiếng mèo, chúng ta thấy đó là sự cảnh tỉnh của người viết trước thời cuộc.
 
 Truyện ngắn Con mèo vừa sống vừa chết đăng trên Báo Quảng Trị.

Tôi vẫn thích Hoàng Công Danh thỉnh thoảng rời “Đạo” để đến với “Đời”. Nhà văn có tài, bút sắc chỉ cần nhấc mình đến những nơi được cho là “kiêng khem” mới chừng lí thú. Báo chí ngày một mạnh dạn hơn, đó là tín hiệu đáng mừng, đối với bạn đọc, đối với nhà văn, nó là động lực lớn để nhà văn dấn thân vào thời cuộc.

Khép những trang văn, nhưng tiếng mèo vẫn kêu, đó là thành công của Hoàng Công Danh ở câu chuyện này “tiếng mèo có thể gây mất ngủ. Quá bình thường! Tiếng mèo làm cho một nhà khoa học và một nhà văn phải đi tìm và cùng hẹn nhau sáng tạo trong lĩnh vực của họ - đến đây thì mọi chuyện đã trở nên khác thường. Cùng với giọng điệu giễu nhại, nghề nghiệp của cô gái và chàng trai - vốn đều được mặc định là nghiêm túc – bắt đầu “có vấn đề”, sự nghiêm túc bị lung lay. Điều đáng nói ở đây là cô gái và chàng trai đều nghiêm túc, và hoàn cảnh mới “có vấn đề”.

TAGS

Thương những mùa trăng

Diệu Ái |

Khi ánh trăng chưa tròn, tiếng trống lân đã vang lên khắp xóm. Đám trẻ con bắt đầu háo hức nôn nao đợi trung thu về.

Tiếng gọi phía đại dương

Phạm Xuân Dũng |

Không kể hai cửa biển đã bị bồi lấp, trong đó có cửa Thần Phù từng nổi tiếng ở Ninh Bình một thời xa xưa ám ảnh: “Lênh đênh qua cửa Thần Phủ/Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”, cả thảy nước Việt có 56 cửa biển (với nhiều tên gọi khác nhau) hiện tàu vẫn vào ra đều đặn. Nhưng duy có một cửa biển ở Quảng Trị lại đặc biệt có tên là Cửa Việt. 

Cách sơ cứu và phòng tránh say nắng

Thạc sĩ, bác sĩ Lương Quốc Chính |

Nếu gặp một người bị say nắng, hãy đưa họ vào nơi râm mát hoặc có điều hòa, phủ khăn ẩm hay vẩy nước mát lên người họ.

Bị ung thư vì làm việc quá nhiều, ăn mì tôm thay cơm

Thanh Mai |

Thói quen làm việc điên cuồng, ăn uống thất thường trong thời gian dài là nguyên nhân khiến cô gái này gặp vấn đề về sức khỏe.