Về nhà là Tết

Phạm Mỹ Hạnh |

Dì lấy chồng xóm Khe, gần nhà có bàu cá nên Tết nào nhà mình cũng có cá ngon để ăn. Mỗi khi dượng cho mớ cá đô, hay còn gọi là cá lóc, mẹ thường làm sạch, khía thân rồi khoanh tròn nướng than.

Cá nướng vừa săn thớ thịt, mẹ cho vào nồi có lá gừng, lá nghệ, lá chanh cùng nước mắm biển và gia vị kho riu riu lửa một hồi, sau đó lấy ra, nướng tiếp trên than hồng. Cá mẹ nướng rất thơm. Mùi lá gừng non quyện trong khói cùi bắp tạo nên hương vị riêng biệt của mẹ. Nướng cá xong, mẹ thường bỏ vào rổ tre rồi gác trên giàn bếp, đến sáng mai thì bỏ vào thùng gạo cất.

Ảnh: Nông Văn Dân
Ảnh: Nông Văn Dân


Chiều 30 Tết, mẹ làm mâm cơm cúng tất niên. Năm nào cũng có món cá lóc khoanh nướng kho rục. Mình không nhớ công thức kho cá của mẹ, nhưng biết có nước mắm biển Huỳnh Kế rất mùi, có nước chè xanh rất đậm và mùi gừng đặc trưng khi kho cá đồng. Khi khoanh cá được bày ra dĩa, mẹ thường rưới lên một chút nước kho có màu cánh gián sền sệt làm cho khoanh cá sánh màu vàng ươm. Cá lóc khoanh kho rục nhưng vẫn dậy mùi của vị cá nướng thơm nồng. Cá lóc khoanh kho ăn ngon nhất với cơm nóng dẻo và cải cay muối xào vội. Vậy nên, trước Tết vài ngày, mẹ thường ra vườn nhổ cải bốn lá về muối. Cải tầm này muối vội không bị nát, ăn đủ độ giòn nhưng không bị dai hay quá cứng như cải già. Cải rửa sạch để ráo nước, mẹ pha nước muối vừa đủ ấm tưới lên. Để một lúc rồi vắt khô nước muối, trộn với hành tím và pha nước muối đường vừa đủ độ ngâm chua. Đến bữa, mẹ lấy ít mỡ heo cùng tóp mỡ phi hành, bỏ cải muối vào xào vội là có món dưa cải tuyệt đỉnh.

Tết, mẹ cũng hay làm bánh tày không nhân, để ăn với món cá kho thần thánh ấy. Và mẹ cũng làm rất nhiều món bánh mình thích. Nhưng trong các món tuyệt ngon mẹ làm, món cá lóc khoanh kho rục để lại dư vị quá sâu đậm và dễ nghiền. Bởi ngoài công thức nướng cá chung, mỗi bà mẹ quê đều có một thứ gia vị riêng. Gia vị nhà mình có tên “yêu thương” được mẹ cho vào nồi cá lóc khoanh kho rục rất nhiều, nên nó trở thành món ăn không thể thiếu trong mỗi dịp Tết. Bà con xa quê về chơi, thích về nhà mẹ ăn cơm vì có món cá lóc khoanh kho ăn với dưa cải quá đỗi thân thương, ai cũng xúc động khi tìm được hương vị ngày xưa. Bởi vậy, mẹ dặn dì dượng, hễ bắt được cá lóc đồng thì mang tới cho mẹ. Mẹ nướng cá, để dành cho người ở xa.

Cá lóc khoanh mẹ nướng đã trở thành đặc sản. Sản vật từ Vĩnh Linh đất lửa được gói ghém cùng hương vị yêu thương đã tạo nên Tết đoàn viên nồng ấm.

 Xuân đang về, những người mẹ quê đang chắt chiu yêu thương chờ đón người thân trở về. Những món ăn dân dã nhưng được vun vén bởi yêu thương tần tảo đã tạo nên thứ đặc sản trong lòng mỗi người con xa xứ. Và chỉ khi tìm về nguồn cội mỗi dịp Tết đến mới có thể cảm nhận hết hương vị đặc biệt ấy của quê hương.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Tết đầu tiên trên những ngôi nhà chống lũ

Nguyễn Trang |

Ở khu vực miền núi phía Tây huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), khi những bông lau rừng nở trắng khắp các sườn đồi cũng là thời điểm báo hiệu một mùa Xuân nữa sắp về trên những bản, làng giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ. 

Dựng cây nêu đón Tết

Phú Hải |

Dựng cây nêu đón Tết là một phong tục truyền thống của người Việt đã tồn tại từ bao đời nay. Ngày nay, không còn nhiều nơi trong nước dựng cây nêu đón Tết mà thay vào đó là các trào lưu chơi hoa đào, hoa mai, cây cảnh. Thế nhưng một vài nơi ở Quảng Trị, phong tục ấy vẫn được lưu giữ đến tận bây giờ...

Nao nao ngồi nhớ Tết xưa…

Phạm Minh Quốc |

Nói là Tết xưa nhưng thật ra cũng chưa phải là xa xưa gì lắm; cũng chỉ là những cái Tết cách đây chừng ba mươi năm; thời đất nước còn bộn bề khó khăn, chật vật trong cơ chế bao cấp, thời mà tôi còn là một cậu bé thơ ngây chộn rộn háo hức chờ mong từng ngày Tết đến, hẫng hụt thẫn thờ khi Tết đi qua, để giờ đây quay quắt nhớ về những cái Tết ấm áp một thời chưa xa.

Mưu sinh ở chợ hoa tết

Nhơn Bốn |

Những ngày cận kề tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, ở khắp các chợ hoa tết trên địa bàn tỉnh càng trở nên nhộn nhịp, hối hả, tấp nập người bán, người mua. Ở đó có những tiểu thương trong và ngoài tỉnh đến bán hoa, cây cảnh và cả những người dân làm công việc bốc vác, trông giữ cây và chở hoa thuê theo thời vụ. Nhiều người trong số đó phải thức trắng đêm để trông giữ hoa với tất cả sự tất bật, miệt mài, vất vả mưu sinh vì mong muốn có một cái tết đủ đầy hơn cho gia đình...