Nếu họ thực sự quan tâm đến số phận người dân thì vụ án này sẽ là một bằng chứng quan trọng cải cách cách tư pháp, vãn hồi lòng tin của người dân vào tố tụng.
Theo kế hoạch của tòa án cấp cao Đà Nẵng phiên phúc thẩm sẽ tuyên án kỳ án gỗ trắc Quảng Trị- Đà Nẵng vào ngày 26.7. Một vụ án đã tốn quá nhiều thời gian và giấy mực, một vụ án mà nhìn vào đâu cũng thấy đúng là... kỳ án.
Tòa sơ thẩm Đà Nẵng đã tuyên bị cáo Dung - Liệu phạm tôi buôn lậu và phạt tù ông Trương Huy Liệu 1 năm 16 ngày, đúng bằng thời gian tạm giam ông. Nhiều người đã kêu lên sao tuyên án khéo thế: tội trạng đúng bằng thời gian tạm giam, cứ như mọi chuyện đã sắp đặt sẵn, hay là "đẽo chân cho vừa giày"? Một bản án có vẻ "huề cả làng" 50-50 nhưng kỳ thực chỉ làm hài lòng cho ai đó còn các bị cáo vẫn chịu thiệt thòi to lớn và vẫn kêu oan không dứt?
Tòa phúc thẩm kéo dài chưa tuyên khiến kỳ án càng thêm... ly kỳ án. Các bị cáo và nhân chứng cũng như luật sư có vẻ mệt mỏi, thậm chí bức xúc. Nhưng nên nhìn sự việc theo chiều hướng tích cực. Việc HĐXX cho thêm thời gian tranh tụng cho ra môn ra khoai cũng là một cơ hội để những ai liên quan, kể cả HĐXX nhận thức vấn đề sâu hơn, toàn diện hơn. Tòa cũng muốn qua tranh tụng, phía công tố và phía bị cáo, nếu có "bảo bối" pháp lý gì cứ tung ra hết. Như vậy lại hay, truyền thông càng có dịp mổ xẻ vụ án, công luận có cơ hội hiểu hơn. Có vẻ như tòa muốn thật cân nhắc có một bản án gần với sự thật khách quan.
Lợi thế của các bị cáo là vụ án với nhiều sự thật khách quan hiển nhiên. Không cần biết gỗ xuất xứ thế nào, chỉ nhập vào Việt Nam không trái pháp luật và xuất đi cũng vậy thì không phải là hàng lậu và đương nhiên kèm theo đó không có hành vi buôn lậu, cho dù phía buộc tội có muốn "bới lông tìm vết". Còn những chuyện khác liên quan đến lô gỗ trắc thì cũng đã rõ, không có chuyện độn gỗ giáng hương vì chẳng để làm gì, lý do rất vu vơ, chưa kể tang vật đã bị bán mất rồi. Hơn nữa vụ án lại thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận, ĐBQH theo dõi và giám sát, đã động đến "thiên đình".
Nhiều nhân vật tai to mặt lớn liên quan vẫn đang hiện diện, có người giữ trọng trách trong tam công, quản việc triều chính, có kẻ hàm thượng thư, tổng đốc... Nếu họ thực sự quan tâm đến số phận người dân thì vụ án này sẽ là một bằng chứng quan trọng cải cách cách tư pháp, vãn hồi lòng tin của người dân vào tố tụng.
(Nguồn: FB Phạm Xuân Dũng)