Sau 3 ngày xét xử phúc thẩm, chiều 5.7, HĐXX tạm nghỉ đến ngày 8.7 mới tiếp tục phiên tòa. Những người tham gia giám định lô gỗ cùng điều tra viên bị tố “ép cung” vẫn vắng mặt dù được triệu tập khẩn cấp.
Ngày 5.7, phiên tòa phúc thẩm kỳ án gỗ trắc kéo dài 9 năm tiếp tục phần xét hỏi. Bị cáo Trương Huy Liệu (Phó Giám đốc Cty Ngọc Hưng) khẳng định trước Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, rằng trong 22 container chứa gỗ nhập khẩu bị thu giữ không có gỗ giáng hương. Và việc HĐXX cấp sơ thẩm xác định Cty Ngọc Hưng không khai báo hải quan 21,506m3 gỗ giáng hương khi làm thủ tục nhập và xuất khẩu, cũng như không ghi trong hợp đồng mua bán số là không có cơ sở.
Cơ sở nào xác định gỗ giáng hương trong lô gỗ trắc nhập khẩu?
Tại phiên sơ thẩm, HĐXX xác định bị cáo Liệu và vợ là Trần Thị Dung (Giám đốc Cty Ngọc Hưng) không khai báo hải quan 21,506m3 gỗ giáng hương khi làm thủ tục nhập khẩu và xuất khẩu, cũng như không ghi trong hợp đồng mua bán. Theo ông Liệu, khi xuất cũng như nhập khẩu, Cty Ngọc Hưng đã khai báo trên 2 tờ khai hải quan “lô gỗ của Cty Ngọc Hưng có khối lượng là 535,800m3 gỗ trắc”.
Tuy nhiên, khi lô gỗ bị bắt giữ tại Đà Nẵng, tổ khám xét liên ngành Hải quan, Kiểm lâm cũng như Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện khoa học Việt Nam) chỉ đo và giám định được 453,104m3 (trong đó gỗ trắc 431,598m3, gỗ “nghi không phải gỗ Trắc” hay “gỗ giáng hương” 21,506m3), còn thiếu so với khai báo 82,696m3. “Nếu có hơn 21m3 gỗ nghi không phải gỗ trắc hoặc gỗ giáng hương, thì chúng tôi là người thiệt thòi, vì đã nộp thừa thuế cho Nhà nước (do gỗ trắc có giá trị tính thuế cao hơn gỗ giáng hương)” - ông Liệu, nói.
Bên cạnh đó, Cty Ngọc Hưng cho rằng, kết luận giám định gỗ số 783 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật không có giá trị pháp lý. Bởi đơn vị này không có chuyên môn về xác định khối lượng, không phải là cơ quan tiến hành tố tụng, không có tư cách pháp nhân… Ông Liệu đơn cử, cơ quan chức năng lấy 85 mẫu gồm 25 loại được niêm phong thành 16 gói gửi giám định. Trong 16 gói có 9 gói thuộc loài gỗ giáng hương, 7 mẫu thuộc loài gỗ trắc. Chỉ căn cứ vào 9 gói mẫu gỗ nghi không phải gỗ trắc để giám định, rồi sau đó ra quyết định có 19.622 thanh, hộp gỗ nghi không phải gỗ trắc là gỗ giáng hương là không hợp lý, phản khoa học. “Hiện toàn bộ số gỗ nhập khẩu của Cty Ngọc Hưng liên quan đến vụ án đã bị bán trái quy định, qua cách làm việc trái pháp luật, tôi khẳng định không có gỗ giáng hương trong lô gỗ trắc. Bởi vì nếu có, chắc chắn lô gỗ tang vật đã không bị bán vội vàng như vậy” - ông Liệu cho biết.
Nộp thuế hợp pháp, nhưng hàng hóa không hợp pháp?
Sau 3 ngày xét xử phúc thẩm, chiều 5.7, HĐXX tạm nghỉ đến ngày 8.7 mới tiếp tục phiên tòa. Những người tham gia giám định lô gỗ cùng điều tra viên bị tố “ép cung” vẫn vắng mặt dù được triệu tập khẩn cấp.
Tại tòa, ông Nguyễn Văn Lịch - Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan - cho biết, thời điểm Cty Ngọc Hưng nhập khẩu lô gỗ từ Lào và làm thủ tục xuất sang Hong Kong, gỗ là mặt hàng không cấm xuất nhập khẩu. Khi nhập, doanh nghiệp chỉ đóng thuế giá trị gia tăng và khi xuất được hoàn lại, không phải đóng thuế xuất nhập khẩu. Trước câu hỏi của luật sư, người đại diện của Tổng cục Hải quan khẳng định Cty Ngọc Hưng đã nộp thuế đúng quy định, là hợp pháp, nhưng hàng hóa (lô gỗ nhập khẩu) là không hợp pháp? Luật sư đặt câu hỏi với người đại diện của Hải quan Quảng Trị, và đơn vị này nêu quan điểm việc nộp thuế đối với lô hàng nhập khẩu của Cty Ngọc Hưng là đúng pháp luật. “Vậy việc nộp thuế thì hợp pháp, nhưng hàng đã được nộp thuế lại không hợp pháp?” - luật sư bào chữa cho bị cáo Liệu, nói tại phiên tòa.
Trước câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát về lô gỗ bị cáo buộc là “buôn lậu”, bị cáo Liệu trả lời rằng, kể cả trong lô gỗ nhập khẩu có là gỗ giáng hương thì cũng chỉ xử phạt vi phạm hành chính việc khai báo không đúng về số lượng chủng loại gỗ so với thực tế. Hành vi này được điều chỉnh theo quy định của Nghị định 97/2007/NĐ-CP ngày 7.6.2007 của Chính phủ về việc xử lý vi phạm hành chính và việc cưỡng chế quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Hành vi khai sai không phải là hành vi buôn lậu, không phải là tội phạm.
Sẽ xử lý hình sự những người không đến tòa theo lệnh triệu tập
Nhiều cơ quan, đương sự có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án không có mặt tại tòa theo yêu cầu của HĐXX. Bên cạnh đó, một số đương sự có mặt lại không nắm chắc vấn đề. HĐXX nói rằng, sẽ tiếp tục triệu tập những người liên quan đến dự phiên tòa, nếu không chấp hành sẽ xử lý hình sự.
(Nguồn: Lao Động)