Nếu chú ý tới một số thay đổi bất thường về ngoại hình, bạn có thể sớm phát hiện nhiều bệnh lý về gan.
Bà Lý (Sơn Đông, Trung Quốc) không ngờ mình phát hiện bệnh xơ gan nặng nhờ một bất thường ngay trên mặt. Bà từng được chẩn đoán viêm gan B nhiều năm trước nhưng lúc đó còn trẻ lại quá bận rộn mưu sinh nên không để tâm. Ở tuổi 42, bà khổ sở vì quầng thâm mắt của mình rất đậm, mắt cũng vàng hơn người khác.
Lúc đầu, bà Lý cho rằng mình vất vả, thức khuya nhưng khi dùng mỹ phẩm, đi ngủ sớm mà vẫn không thay đổi thì bắt đầu lo lắng. Trong một lần đi khám sức khỏe miễn phí tại địa phương, bà quyết định hỏi bác sĩ về dấu hiệu này và được khuyên đi khám gan. Cuối cùng, bà phát hiện xơ gan mức độ ba và thậm chí có các tổn thương tiền ung thư. Bà hối hận vô cùng, vừa điều trị bệnh vừa cố gắng thay đổi lối sống và gặp ai cũng khuyên họ khám sức khỏe thường xuyên.
6 thay đổi về ngoại hình cảnh báo bệnh gan
Theo các chuyên gia sức khỏe, bệnh gan khó phát hiện sớm do đây là cơ quan không có cảm giác đau tại chỗ và khả năng dự trữ mạnh. Do đó, việc để ý đến các thay đổi bất thường của cơ thể, bao gồm cả ngoại hình là rất quan trọng trong việc phát hiện vấn đề sức khỏe ở gan.
Nếu bạn nhận ra mình có 6 thay đổi này về ngoại hình, chứng tỏ gan đã quá tải và sắp phải “chịu thua” bệnh tật, cần đi khám ngay:
1. Vàng da và/hoặc vàng mắt
Đây là dấu hiệu phổ biến nhất khi gan gặp vấn đề. Nó xảy ra khi cơ thể không chuyển hoá và đào thải được bilirubin, dẫn đến việc tăng bilirubin trong máu. Trong khi đó, gan có nhiệm vụ chuyển hóa bilirubin. Nếu gan suy yếu hoặc mắc bệnh thì quá trình này bị rối loạn hoặc không thể thực hiện được, dẫn tới một sắc tố màu vàng hình thành từ sự phân hủy của hồng cầu. Khi bilirubin tích tụ, da và mắt có thể chuyển sang màu vàng.
2. Mẩn đỏ, sao mạch ở một số nơi
Bệnh gan dễ gây mẩn đỏ, sao mạch - nốt ruồi hình nhện màu đỏ ở lòng bàn tay hoặc một số vị trí khác trên cơ thể như vai, ngực. Hiện tượng này do chức năng gan suy giảm dần, khả năng vô hiệu hóa estrogen cũng giảm khiến các mao mạch bị vỡ và chảy máu. Chức năng gan kém còn khiến những mạch máu dễ tổn thương, ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của các mạch máu.
3. Da dễ bầm tím
Gan chịu trách nhiệm sản xuất các protein cần thiết cho quá trình đông máu, như fibrinogen và prothrombin. Khi gan bị tổn thương, khả năng sản xuất các protein này giảm, làm tăng nguy cơ chảy máu và bầm tím. Ngoài ra, gan yếu đi cũng làm tích tụ độc tố, giảm tiểu cầu nên dễ bị tổn thương mạch máu và bầm tím. Bệnh gan, phổ biến nhất là xơ gan còn làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa dẫn đến hiện tượng giãn mạch và làm cho các mạch máu dễ bị vỡ hơn.
4. Phù nề ở chân và mắt cá chân
Lý do là khi gan bị tổn thương, sản xuất albumin giảm dẫn đến giảm áp lực trong mạch máu. Điều này khiến chất lỏng dễ dàng thoát ra khỏi mạch máu và tích tụ trong các mô, gây phù. Bệnh gan cũng có thể làm suy giảm khả năng lọc và loại bỏ chất lỏng thừa khỏi cơ thể, rối loạn các hormone điều chỉnh cân bằng nước và muối. Từ đó dẫn đến sự tích tụ chất lỏng trong cơ thể, đặc biệt là ở chân và mắt cá chân, gây ra hiện tượng phù nề.
5. Bụng phình to bất thường
Nguyên nhân chính bệnh về gan gây bụng phình to là cổ trướng - hiện tượng tích tụ dịch trong khoang bụng. Bởi vì khi gan bị tổn thương, khả năng lọc và loại bỏ chất lỏng của gan giảm, đồng thời giảm albumin và dẫn đến sự tích tụ dịch trong bụng. bên cạnh đó, bệnh gan còn làm tăng giãn nở mạch máu do tăng áp lực tĩnh mạch cửa, rối loạn hormone, rối loạn tiêu hóa, phù gan, khối u… nên làm bụng to bất thường.
6. Chảy máu nướu răng
Ngoài bệnh răng miệng, chảy máu nướu răng cũng có thể là dấu hiệu gan suy yếu. Bởi lúc này gan sẽ giảm khả năng sản xuất protein đông máu, giảm số lượng tiểu cầu và tăng nguy cơ chảy máu. Gan không loại bỏ được độc tố cũng ảnh hưởng đến mạch máu và mô nướu. Bệnh về gan còn làm thay đổi vi khuẩn trong miệng có thể gây viêm nướu và làm tăng nguy cơ chảy máu.
Tóm lại, những thay đổi về ngoại hình này không nhất thiết là cảnh báo bệnh gan, có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, không được chủ quan mà hãy nhanh chóng tìm gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời!
(Nguồn: Sohu, Family Doctor)