Hiện tượng sương mù não thường xảy ra cùng với các triệu chứng COVID kéo dài khác như mệt mỏi, hụt hơi, khó thở, chất lượng giấc ngủ kém.
Một số nghiên cứu cho thấy có tới 60-80% bệnh nhân gặp phải các vấn đề giảm trí nhớ và suy nghĩ chậm chạp sau mắc COVID. Thực tế, những bất thường do sương mù não có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, kỹ năng thị giác và không gian, chức năng điều hành và khả năng xử lý.
TS.BS. Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Phổi Thừa Thiên - Huế hướng dẫn 8 biện pháp khắc phục hội chứng này.
Thực hành các bài tập thở
Đơn giản, bạn cần thực hành sớm tập thở hàng ngày:
Ngồi thẳng lưng, một tay đặt lên bụng và tay kia đặt trên ngực;
Hít vào từ từ và sâu qua mũi và cảm nhận bụng bạn phình ra;
Rồi từ từ thở ra bằng miệng;
Lặp lại 5-6 lần trong ngày, mỗi lần làm trong 10-15 phút.
Kiên trì tập thở giúp khắc phục chứng sương mù não.
Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc hậu COVID
Tình trạng thiếu ngủ tái diễn có thể khiến tình trạng sương mù não, giảm trí nhớ của bạn trở nên tồi tệ hơn. Nghỉ ngơi đầy đủ và cố gắng ngủ đủ giấc 7-8 giờ mỗi đêm là cách giúp giảm nhanh, hiệu quả chứng chứng sương mù não và giảm trí nhớ
Áp dụng một chế độ ăn uống tốt cho não
Chế độ ăn giàu đường, chất béo bão hòa hoặc nhiều calo có hại cho chức năng thần kinh, do làm tăng mức độ căng thẳng oxy hóa và cản trở các chức năng nhận thức. Một số loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng thực sự có thể giúp não của bạn hoạt động trơn tru hơn.
Bạn nên ăn các thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3 có trong cá, đậu và các loại hạt; đồng thời tránh caffeine, rượu và thực phẩm chế biến sẵn.
Cung cấp đủ nước, chất lỏng cho cơ thể
Uống trung bình 8 ly (ly uống nước chứa 200ml) cho mỗi ngày. Tăng lượng chất lỏng cho cơ thể như nước ép trái cây, các loại súp, canh… hàng ngày. Giữ đủ nước là một trong những chìa khóa quan trọng giúp phục hồi các triệu chứng COVID kéo dài.
Tăng cường vận động, đi bộ kèm hít thở sâu hàng ngày
Bạn còn có các triệu chứng khác đi kèm như hụt hơi, khó thở, mệt mỏi… có thể sẽ gây khó khăn cho công việc hàng ngày của bạn.
Nếu bạn không thể chạy, thì hãy đi bộ, nhưng hãy cố gắng vận động thường xuyên. Đi bộ 30 phút mỗi ngày, đi bộ kèm hít thở sâu đều giúp tăng cường lưu lượng máu và cung cấp oxy cho não.
Sắp xếp thứ tự các công việc và chia nhỏ các công việc trong một ngày
Nếu đang có nhiều công việc, hãy cố gắng sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những công việc quan trọng trong ngày vào lúc bạn cảm thấy thoải mái và tràn đầy năng lượng nhất. Cách chia nhỏ công việc có thể khiến bạn cảm thấy kiểm soát được, không cạn kiệt năng lượng.
Kết nối với bạn bè và gia đình của bạn
Kết nối với những người khác có thể làm cho bạn cảm thấy phấn chấn hơn và giữ cho bộ não của bạn hoạt động tốt hơn.
Gặp chuyên gia sức khỏe tâm trí
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng tâm trạng nghiêm trọng nào, bạn nên gặp chuyên gia trị liệu hành vi nhận thức để được tư vấn và hướng dẫn thêm.
(Nguồn: Phụ nữ mới)