Từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp và các chợ dân sinh, bếp ăn tập thể, anh Nguyễn Đăng Vương, hội viên Hội Nông dân thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã nghiên cứu, sản xuất thành công hơn 300 tấn thức ăn hỗn hợp vi sinh, hơn 50 tấn phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ chăn nuôi và trồng trọt. Đây là sản phẩm mà anh Vương dày công thực hiện từ đề tài “Giải pháp biến rác thải thành “tài nguyên”, biến phế phụ phẩm nông nghiệp thành thức ăn và phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất”. Đề tài này vừa đoạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ X do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 10/2024.
Theo anh Vương, qua tìm hiểu anh nhận thấy, hàng năm, lượng rác thải sau khi thu hoạch các loại cây trồng; phân, nước thải từ chăn nuôi hay chất thải từ hoạt động buôn bán hải sản, hoa quả... của tiểu thương ở chợ thải ra môi trường khá lớn.
Lượng rác này nếu được tái chế và tái sử dụng hiệu quả trong nông nghiệp thì có thể giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, việc nông dân chủ yếu sử dụng phân bón hóa học và thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi, trồng trọt cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên và sức khỏe người tiêu dùng.
Từ trăn trở đó cùng với kiến thức được học tại Nhật Bản trong 2 năm về công nghệ sinh học, anh Vương quyết định cùng với một số thành viên của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch Tây Sơn (do anh Vương làm giám đốc) nghiên cứu áp dụng công nghệ vi sinh vật EM (Effective Microorganismas), còn được gọi là vi sinh vật hữu ích để ủ các phụ phẩm, phế phẩm trên nhằm tạo ra nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho vật nuôi và phân bón hữu cơ vi sinh cho cây trồng.
Chia sẻ về giải pháp, anh Vương cho biết, anh đã ứng dụng công nghệ vi sinh vật EM vào hoạt động sản xuất với 3 mục đích chính: Một là chế biến thức ăn hỗn hợp vi sinh sử dụng cho gia cầm, gia súc từ việc ủ chín gạo, thóc, ngô, đỗ tương, cám, cá, tép, cua, ốc, bã bia, bã rượu, bã đậu nành, rau khoai, bèo, thân cây ngô, cây lạc, rơm rạ... giúp tăng khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tốt hơn cho vật nuôi.
Hai là ủ phân bón hữu cơ cho cây trồng từ thân cây ngô, khoai, lạc, rơm rạ... giúp cải tạo đất, tăng độ tơi xốp, phì nhiêu cho đất.
Ba là nuôi ruồi lính đen và xử lý môi trường với chế phẩm vi sinh vật có lợi, giúp tiêu hủy và phân giải phân của gia súc, gia cầm làm thức ăn cho ruồi lính đen; phân thải của ruồi lính đen còn làm giảm triệt để mùi hôi ở khu vực chăn nuôi, hạn chế ô nhiêm môi trường.
Một điểm mới của giải pháp đó là anh còn thu mua các loại phế phẩm từ hoạt động kinh doanh tại chợ Đông Hà như nội tạng động vật thải loại, đầu cá, ruột cá... Sau đó xử lý theo 2 hướng: Nếu sản phẩm còn tươi, không bị nấm mốc sẽ sử dụng vi sinh vật EM để ủ, tạo ra nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng là đạm cá cho gia súc, gia cầm.
Nếu sản phẩm đã bị ươn, thối, nấm mốc thì phối trộn với cơm thừa, canh cặn lấy từ các nhà hàng, bếp ăn tập thể, khách sạn tại TP. Đông Hà để dùng nuôi ruồi lính đen và ủ với men vi sinh để tạo ra đạm ruồi lính đen.
Theo anh Vương, mục tiêu của giải pháp là xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn khép kín. Đó là tái sử dụng chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi để quay trở lại phục vụ sản xuất nông nghiệp thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Từ đó giảm lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, nhất là giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người, vừa tạo ra nguồn thức ăn giá rẻ nhưng giàu dinh dưỡng cho vật nuôi.
Anh Vương thông tin, sản phẩm thức ăn hỗn hợp vi sinh Tây Sơn được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 kiểm nghiệm đạt chất lượng vào tháng 10/2023. Sản phẩm này được anh sử dụng để nuôi 1.000 con gà ri lai vàng rơm, 1.000 con gà sao và 1.000 con vịt Grimaud theo hình thức nuôi bán chăn thả.
Ngoài ra, anh còn cung ứng sản phẩm thức ăn chăn nuôi và phân bón vi sinh cho một số hộ dân có nhu cầu trên địa bàn. Qua đó mang lại doanh thu hơn 3,7 tỉ đồng mỗi năm, trừ chi phí cho lợi nhuận hơn 280 triệu đồng.
Anh Vương khẳng định, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt sạch bằng men ủ vi sinh mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh. Nhằm tạo đầu ra lâu dài và bền vững cho sản phẩm, anh Vương còn sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook và kênh Youtube để quảng bá và bán hàng.
Thông qua các kênh này, anh đã đăng tải hàng trăm video chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà, lợn, vịt... theo hướng hữu cơ cũng như quảng bá sản phẩm của mình tới người tiêu dùng. Các quy trình sản xuất thức ăn, chăn nuôi, chế biến, đóng gói sản phẩm được anh quay trực tiếp để tạo ra sự tin cậy cho người tiêu dùng.
Trước khi đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ X, giải pháp “Thức ăn hỗn hợp vi sinh Tây Sơn” của anh Vương đoạt giải A cấp huyện về Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; được công nhận là sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Trị lần thứ VII năm 2024. Anh Vương cũng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2021 - 2023.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)