Cẩn thận với thực phẩm “nhà làm”

Tú Linh |

Những ngày gần Tết Quý Mão, nhiều người bán hàng sử dụng các trang mạng xã hội để tăng cường rao bán thực phẩm “nhà làm” với tên rất kêu bằng tiếng Anh “handmade”. Nhiều người vẫn thường đặt niềm tin vào chất lượng thực phẩm “nhà làm”, nhưng theo cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của các loại hàng hóa này.


Từ đầu tháng Chạp năm Nhâm Dần, trên các chợ online hoặc các trang mạng xã hội, nhiều cá nhân nhộn nhịp chào bán, mời đặt hàng các loại thực phẩm, các sản phẩm Tết như: mứt gừng, mứt dừa giá 90.000 - 120.000 đồng/kg; khô gà, khô bò giá từ 450.000 - 650.000 đồng/ kg; cá thu, cá lóc nướng giá từ 320.000 - 480.000 đồng/ kg; bánh chưng từ 80.000 - 120.000 đồng/cặp; chả bò, chả heo giá từ 180.000 - 250.000 đồng/kg…

Ngoài ra, còn nhiều loại thực phẩm vùng miền như lạp xưởng Bến Tre giá từ 450.000 - 480.000 đồng/kg, trâu khô Cao Bằng 800.000 đồng/kg…khiến không ít người nội trợ bị cuốn hút theo việc sắm sửa hàng Tết cho gia đình.

Bánh chưng nhà làm được rao trên trang cá nhân của một người bán hàng online -Ảnh: TÚ LINH
Bánh chưng nhà làm được rao trên trang cá nhân của một người bán hàng online -Ảnh: TÚ LINH

Chị Lê Thị Th., ở Phường 3, TP. Đông Hà, một người chuyên kinh doanh online thực phẩm “nhà làm” cho biết, chị chuyên bán thực phẩm với các loại chế biến sẵn. Dịp Tết này chị nhận thêm các đặc sản vùng miền nhưng được chọn lựa rất kỹ.

Việc kinh doanh của chị khá thuận lợi vì các sản phẩm chị bán là đều làm thủ công hoặc lấy mối quen uy tín; nguyên liệu tươi ngon, không chất bảo quản, không phẩm màu độc hại nên được các bà nội trợ tin dùng. Tuy nhiên, đa số sản phẩm đều “4 không”: không có nhãn mác, không đăng ký chất lượng, không địa chỉ liên hệ, không hạn sử dụng…

Theo nhiều khách hàng thì việc tiêu thụ thực phẩm “nhà làm” online chủ yếu bằng sự tin tưởng, qua lời giới thiệu của bạn bè, người thân, chứ chưa thực sự quan tâm tới sản phẩm được kiểm định về ATVSTP hay chưa.

Vì vậy, không ít khách hàng tỏ ra thất vọng khi mua phải hàng không như quảng cáo. Do tin vào thực phẩm “nhà làm” nên chị Đỗ Kim Yến ở thị xã Quảng Trị đã gặp phải tình huống khó xử khi mua hàng kiểu này. Đó là khi đọc quảng cáo của một cửa hàng online bán quả hồng treo gió Đà Lạt, một đặc sản trái cây được hong khô tự nhiên: “Sản phẩm hồng treo gió “nhà làm” đặc biệt, được làm theo bí quyết của gia đình nhiều năm nay. Mỗi mùa Tết chỉ dành cho mối quen với số lượng rất hạn chế, chất lượng hảo hạng, nên giá có cao hơn so với hàng bình thường…”.

Nhận hàng về, chị Yến vô cùng thất vọng cho biết không tìm thấy nhãn mác, địa chỉ của cơ sở sản xuất. Quả hồng thì quá khô, dai và hơi chát, giá lại đắt.

Hôm 20 tháng Chạp, gia đình chị Trần Thị Thùy ở thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh mua thử 2 cặp bánh chưng “nhà làm” về dùng thử, dự định nếu bánh ngon sẽ đặt 10 cặp cúng Tết và biếu nội ngoại. Nhìn chiếc bánh chưng được gói rất đẹp bằng lá dong ai cũng tin tưởng, muốn sử dụng ngay.

Tuy nhiên, khi mở bánh ra thì gạo nếp còn rời rạc, nhân thịt heo chưa hòa quyện, còn lá dong thì lốm đốm vết sâu ăn. Gia đình chị không dùng được 2 cặp bánh và ngừng luôn dự định đặt bánh mà cùng các gia đình trong xóm gói bánh chưng để nấu cho đảm bảo hơn.

Trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị Lê Thị Ngọc Diệp cho biết, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nhất là thực phẩm tăng cao vào dịp Tết.

Bên cạnh các cơ sở sản xuất quy mô lớn hoặc các doanh nghiệp chế biến thực phẩm chấp hành nghiêm ngặt các quy định ATVSTP nên sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, thì đáng lo ngại nhất hiện nay là thực phẩm có tính chất thời vụ được làm sẵn, chế biến ở gia đình gắn mác “nhà làm” để bán trên mạng xã hội.

Thông thường, những người sản xuất sản phẩm “nhà làm” không được tập huấn về kiến thức ATVSTP. Đáng nói, có người còn lợi dụng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao dịp Tết, lấy sản phẩm không rõ nguồn gốc về dán nhãn “nhà làm” để bán vì mục đích lợi nhuận. Những cơ sở sản xuất kiểu này thường không khai báo, không đăng ký về đảm bảo an toàn và chất lượng của thực phẩm tự chế biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe của người tiêu dùng.

Trước tình hình này, chi cục tăng cường các biện pháp tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong sản xuất, kinh doanh nhằm giảm thiểu các nguy cơ mất ATVSTP. Phối hợp các đơn vị, địa phương ở cơ sở hướng dẫn, vận động những hộ kinh doanh kiểu này thực hiện đăng ký kinh doanh để vừa làm tròn nghĩa vụ thuế, vừa giúp cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ đảm bảo ATVSTP, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Đối với người tiêu dùng, nếu mua hàng qua mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, nên chọn mua thực phẩm đã đăng ký chất lượng, có thương hiệu uy tín. Quan sát kỹ thông tin trên bao bì thực phẩm như nơi sản xuất, ngày sản xuất, ngày hết hạn, thành phần, cách bảo quản sản phẩm…

Tuyệt đối không mua thực phẩm ở những trang mạng xã hội mà người bán không ghi đầy đủ thông tin, tên tuổi, địa chỉ rõ ràng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

5 loại thực phẩm nên bổ sung vào thực đơn để giảm căng thẳng

Thanh Mai |

Đừng bỏ qua việc áp dụng một chế độ ăn uống giúp cơ thể bạn kiểm soát căng thẳng.

Gan sợ nhất 7 thực phẩm này, càng ăn càng dễ mắc bệnh nghiêm trọng

PV |

Những thực phẩm dưới đây dễ gây béo phì thừa cân ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, tim mạch, gan thận của bạn.

Giá thực phẩm, hàng Tết bắt đầu tăng

Thanh Mai |

Nhiều tiểu thương không dám nhập hàng Tết nhiều vì lo sức mua kém, ngoài ra công nhân ở một số nhà máy, sinh viên nhiều trường đã nghỉ Tết.

4 loại thực phẩm gây gánh nặng cho gan thận của bạn, nhất là loại thứ 3

PV |

Những thực phẩm dưới đây nếu dùng nhiều có thể dẫn tới các bệnh gan thận ảnh hưởng sức khỏe.