Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ được tổ chức hàng năm từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 8 tại hơn 170 quốc gia nhằm khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ và nâng cao sức khỏe trẻ em trên toàn thế giới.
Nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất để cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho trẻ sơ sinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn bắt đầu trong vòng 1 giờ sau sinh cho đến khi trẻ được 6 tháng tuổi. Sau đó, trẻ cần được ăn dặm và tiếp tục bú sữa mẹ cho tới 2 tuổi hoặc hơn.
Hiện tại toàn thế giới đang đối mặt với đại dịch Covid-19, chủ đề của năm 2021 là “Bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ: chia sẻ trách nhiệm chung” nhằm nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của toàn xã hội và cộng đồng trong việc bảo vệ, hỗ trợ, khuyến khích bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
1. CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH KHI MẸ NHIỄM COVID – 19
Nguy cơ trẻ sơ sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trong vài giờ hoặc vài ngày sau khi sinh, ở người mẹ đang nhiễm COVID-19, được ghi nhận từ nghiên cứu hàng loạt trường hợp. Dữ liệu hiện tại từ Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật Hoa Kỳ, khoảng 2% trẻ sinh ra từ những phụ nữ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 gần thời điểm sinh, có kết quả dương tính trong 24-96 giờ đầu tiên sau khi sinh. Một số nghiên cứu từ nhiều trung tâm khác nhau cho thấy tỷ lệ sơ sinh nhiễm dao động từ 0 – 12%.
Các bằng chứng hiện tại cho thấy nguy cơ lây nhiễm cao nhất cho trẻ sơ sinh xảy ra khi người mẹ khởi phát COVID-19 gần thời điểm sinh. Một báo cáo giám sát của CDC, bao gồm 923 trẻ sơ sinh được sinh ra từ những phụ nữ mắc COVID-19; 2,6% có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau khi sinh. Tuy nhiên, trong số 328 trẻ sinh ra từ những phụ nữ được ghi nhận là khởi phát nhiễm trong vòng 14 ngày trước khi sinh, 4,3% trẻ sơ sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, không rõ nguy cơ giữa nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng hoặc không có triệu chứng ở mẹ; thay vào đó, thời điểm bắt đầu lây nhiễm từ mẹ (và khả năng lây truyền vi rút) chỉ có thể chắc chắn khi có các triệu chứng khởi phát. Nhiều báo cáo đã được công bố cho thấy tử vong ở trẻ.
Hầu hết trẻ sơ sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng và hồi phục. Tuy nhiên, vẫn có một vài báo cáo về trẻ sơ sinh bị bệnh COVID-19 nghiêm trọng.
* Cách chăm sóc trẻ sơ sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại bệnh viện:
Các bằng chứng hiện tại cho thấy nguy cơ trẻ sơ sinh bị nhiễm COVID-19 sau sinh, đặc biệt khi bà mẹ thực hiện các bước (như đeo khẩu trang và rửa tay) để ngăn ngừa lây lan trước và trong khi chăm sóc trẻ.
Bà mẹ và trẻ sơ sinh khỏe nên được chăm sóc tại các trung tâm sản khoa thông thường, ngay cả chăm sóc mẹ gần con.
Người mẹ bị bệnh nặng với COVID-19 có thể không thể chăm sóc con mình một cách an toàn, có thể tạm thời tách mẹ, và trẻ sơ sinh được chăm sóc bởi những người chăm sóc không bị nhiễm bệnh.
Cách ly mẹ con cũng được khuyến cáo nếu trẻ sinh bệnh nặng hoặc trẻ sinh non cần chăm sóc tích cực. Cách ly mẹ con không cần thiết nếu cả mẹ và trẻ điều xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính.
* Những biện pháp phòng ngừa khi trẻ nằm chung phòng với mẹ trong bệnh viện:
Nếu mẹ đang bị cách ly vì COVID-19 và đang ở chung phòng với trẻ sơ sinh, hãy thực hiện các bước sau để giảm nguy cơ lây lan vi-rút sang trẻ:
- Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước ít nhất 20 giây trước khi bế hoặc chăm sóc trẻ sơ sinh, hoặc nếu không có sẵn nguồn nước, sử dụng chất sát khuẩn tay nhanh có ít nhất 60% cồn
-Đeo khẩu trang khi ở gần trẻ trong vòng 2 mét, nên đeo khẩu trang thường xuyên nếu trong không gian phòng kín
-Tốt nhất để trẻ sơ sinh nằm cách xa mẹ hơn 2 mét
- Có thể đặt tấm chắn nhựa, ngăn cách mẹ và con
Sau thời gian cách ly, bà mẹ vẫn nên rửa tay trước khi chăm sóc trẻ, và không cần các biện pháp phòng ngừa khác, thời gian cách ly kết thúc là khi:
- Ít nhất sau 10 ngày kể từ khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện hoặc ít nhất sau 10 ngày tính từ khi xét nghiệm sàng lọc dương tính (với mẹ không triệu chứng), và kéo dài 20 ngày đối với mẹ có triệu chứng nặng hoặc suy giảm miễn dịch và
-24 giờ không sốt, không dùng thuốc hạ sốt và
- Các triệu chứng khác của COVID – 19 đã hồi phục
* Chăm sóc trẻ sơ sinh tại nhà nếu mẹ được chẩn đoán hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19:
Nếu mẹ đang bị cách ly vì COVID-19 hãy thực hiện các bước sau:
- Ở nhà và cách ly với người xung quanh
- Cách ly với các thành viên không bị nhiễm khác trong gia đình, mang khẩu trang khi tiếp xúc hoặc đến một không gian chung
Thu xếp một người trong gia đình, khỏe mạnh, không có bệnh nền, hỗ trợ bà mẹ khi chăm sóc trẻ nếu cần. Người hỗ trợ chăm trẻ, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước ít nhất 20 giây trước khi bế hoặc chăm sóc trẻ sơ sinh, hoặc nếu không có sẵn nguồn nước, sử dụng chất sát khuẩn tay nhanh có ít nhất 60% cồn. Người hỗ trợ đeo khẩu trang khi ở gần trẻ trong vòng 2 mét, trong suốt khoảng thời gian mẹ con bị cách ly và thêm khoảng thời gian bản thân người hỗ trợ chăm sóc bị cách ly.
Nếu không có người hỗ trợ, bà mẹ có thể tự chăm sóc con nếu đủ sức khỏe
Những người khác trong gia đình, có hay không nhiễm COVID - 19 nên hạn chế tối đa tiếp xúc gần với trẻ sơ sinh.
2. BÀ MẸ NHIỄM HOẶC NGHI NHIỄM COVID – 19 CÓ NÊN CHO CON BÚ MẸ
Các bằng chứng hiện tại cho thấy sữa mẹ không có khả năng lây lan vi-rút sang trẻ sơ sinh. Tổ chức Y Tế Thế Giới và Hiệp Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ việc nuôi con bằng sữa mẹ, và đó là chọn lựa tốt nhất. Một số nghiên cứu phát hiện có mảnh nucleic acid của SARS-CoV-2 trong sữa mẹ, nhưng không cho thấy có sự lây nhiễm vi rút tồn tại trong sữa mẹ.
Các nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng các phương pháp thanh trùng (phương pháp được sử dụng để chuẩn bị sữa cho người hiến tặng) vô hiệu hóa SARS-CoV-2.
Một số nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra kháng thể trong sữa mẹ đối với các kháng nguyên SARS-CoV-2, cả hai kháng thể IgA và IgG đã được phát hiện trong sữa mẹ ở bà mẹ từng bị nhiễm và mẹ được tiêm vắc xin phòng bệnh SARS-CoV-2, với những phát hiện này, việc nuôi con bằng sữa mẹ càng được củng cố.
- Mẹ vệ sinh tay và mang khẩu trang khi cho con bú
- Nếu bà mẹ không cho con bú trực tiếp, có thể vắt sữa mẹ và giao cho người chăm sóc cho trẻ bú, vệ sinh tay và mang khẩu trang khi vắt sữa.
3. PHƯƠNG PHÁP CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH AN TOÀN
Không nên mang khẩu trang cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi, nhất là những lúc bé đang ngủ, vì tăng nguy cơ đột tử ở trẻ.
Hạn chế người đến thăm, tiếp xúc với trẻ
Các dấu hiệu và triệu chứng COVID – 19 ở trẻ sơ sinh:
- Hầu hết trẻ sơ sinh nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ
- Một số rất hiếm trẻ sơ sinh có ghi nhận triệu chứng nặng, trẻ sinh non hoặc có bệnh nền, dễ nguy cơ nhiễm COVID – 19 nặng hơn.
Những triệu chứng trong giai đoạn sơ sinh thường do bệnh khác hơn là do nhiễm COVID – 19. Các triệu chứng ở trẻ sơ sinh do COVID – 19 có thể: lừ đừ, ngủ nhiều, sốt , chảy mũi, ho, bú kém, tiêu chảy, nôn ói.
Nếu trẻ sơ sinh nhiễm COVID – 19 có triệu chứng, ba mẹ nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn thêm. Nên cho trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ sốt hơn 38 độ, bú kém hoặc bỏ bú, thở nhanh trên 60 lần/phút hoặc khó thở, thở rên thở gắng sức
Trẻ cần thăm khám và đánh giá bởi bác sĩ Nhi sơ sinh, để chắc chắn các vấn đề khác trong giai đoạn sơ sinh ổn định và được hướng dẫn chăm sóc an toàn: vàng da sơ sinh, chăm sóc da mắt và rốn, trẻ bú và tăng trưởng tốt, các sàng lọc sơ sinh đã được thực hiện, các vấn đề chăm sóc trẻ sinh non nhẹ cân được hướng dẫn và thực hiện tốt