Dưới đây là một số nguyên tắc cơ bản khi đưa trẻ đi bơi để đảm bảo an toàn cho trẻ, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Bơi lội là môn thể thao đặc biệt tốt với sự phát triển của các cơ và xương khớp với trẻ nhỏ, giúp hỗ trợ tích cực trong việc tăng trưởng chiều cao cho trẻ. Ngày hè, không ít phụ huynh thường xuyên đưa con đi bơi để rèn luyện thể chất.
Tuy nhiên, việc đi bơi cũng tiềm ẩn rất nhiều tai nạn, vấn đề an toàn. Vừa qua sự việc một trẻ trai người Nhật Bản tử vong ở một resort Phan Thiết do bị hút vào tấm kim loại ở bể bơi đã gây xôn xao dư luận. Theo chia sẻ của mẹ bé, độ sâu của hồ bơi khoảng 1m, còn bé có chiều cao 1,4 m. Nhưng do lực hút quá mạnh, lưng và tay của bé đã bị dính chặt vào tấm kim loại, trong khi đầu bị chìm dưới nước.
Sự việc đau lòng này chính là lời cảnh tỉnh dành cho các bậc phụ huynh khi đưa con đi bơi, dù là bể bơi hay khu vực bơi công cộng. Đặc biệt, bố mẹ cần nắm chắc một số lưu ý quan trọng dưới đây trước khi muốn đưa con đi bơi, bảo đảm trẻ có được những trải nghiệm dưới nước trong ngày hè thật khỏe mạnh và vui vẻ.
Tránh xa tấm kim loại ở bể bơi
Thực tế là nhiều trẻ còn nhỏ chưa thể biết được các khu vực cảnh báo nguy hiểm ở bể bơi. Vì vậy cha mẹ cần quan sát kỹ, không cho trẻ lại gần các điểm có tấm lưới kim loại dưới lòng hồ bơi.
Không quên những đồ dùng thiết yếu
Trước khi đi bơi, bố mẹ cần kiểm tra và chuẩn bị đầy đủ các loại vật dụng cần thiết cho trẻ như: Mũ bơi, kính bơi, khăn bông, quần áo bơi, phao bơi (với trẻ chưa biết bơi) và đặc biệt không quên kem chống nắng.
Phải cho trẻ khởi động trước khi xuống bể bơi
Trước khi xuống bơi, cần cho trẻ khởi động các động tác đơn giản để trẻ tránh gặp các rủi ro như bị chuột rút hoặc đuối sức trong khi bơi. Ngoài ra, thời gian sáng sớm nếu nước còn quá lạnh, trẻ cần phải khởi động đầy đủ, tập thể dục để làm nóng cơ thể. Đặc biệt, không nên cho trẻ đi bơi khi vừa ăn no hoặc khi đang đói vì có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Chọn bể bơi an toàn và sạch sẽ
Bạn nên cho bé đi bơi ở những hồ bơi hợp lứa tuổi, chiều cao của bé, đảm bảo nước không quá sâu. Bạn cũng nên cho trẻ tiếp xúc từ từ, để bé có thể dần làm quen với môi trường tốt. Hãy tìm hiểu kỹ về bể bơi – nơi bạn có ý định cho bé yêu tập bơi tại đây.
Bạn nên chọn những bể bơi có công tác khử trùng tốt, nước trong xanh, có lượng người tham gia bơi vừa phải, nước không quá nặng mùi khử trùng. Ngày nắng nóng đỉnh điểm, nên chọn địa điểm có mái che hoặc không bị quá hắt nắng sẽ giúp trẻ tránh bị cảm nắng.
Dặn trẻ không uống nước hồ bơi
Bạn hãy nhắc nhở trẻ thường xuyên về việc không được nuốt nước hồ bơi dù là hồ bơi công cộng hay hồ bơi gia đình đi nữa. Trong nước hồ bơi, có rất nhiều hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.
Luôn chú ý và để mắt đến con
Nếu trẻ còn rất nhỏ hoặc đang trong độ tuổi tập đi, bạn cần xuống nước ở cạnh bé và đảm bảo bé luôn trong tầm với tay của mình lúc cần thiết. Đối với trẻ lớn hơn, bạn nên để mắt đến con thường xuyên, tránh để những việc như nói chuyện điện thoại, trò chuyện, làm việc nhà hoặc uống rượu làm bạn phân tâm và quên để mắt đến bé. Phụ huynh cũng cần hết sức lưu ý là người giám sát trẻ phải biết bơi.
Lập hàng rào cho hồ bơi
Để ngăn không cho trẻ nhỏ đi vào khu vực bể bơi một mình, bạn nên đặt một hàng rào bao quanh bể bơi. Kết hợp với việc quan sát, hàng rào sẽ là cách tốt nhất để bảo vệ bé của bạn và cả những trẻ khác sống gần nhà.
Hàng rào hồ bơi nên có chiều cao phù hợp để trẻ không leo trèo được và không để bất cứ vật dụng gì bên cạnh mà bé sử dụng để leo qua rào. Khoảng cách giữa các thanh chắn không lớn hơn 10 cm. Hàng rào lưới rất dễ leo trèo nên bạn tránh chọn loại này để làm hàng rào hồ bơi. Hàng rào nên có cổng hoạt động tốt và có khả năng tự động đóng, chốt. Đối với hồ bơi phao, để bé tránh xa các bậc tam cấp hoặc thang leo. Khi không sử dụng hồ bơi, khóa hoặc tháo thang để tránh trẻ leo lên.
Một số nguyên tắc an toàn khác
- Không bơi ở những nơi không có chỉ dẫn, những nơi
- Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi và cứu đuối đi kèm.
- Không bơi khi trời đã tối, có sấm, chớp, mưa.
- Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
- Không ăn, uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
- Không dùng các phao bơi bơm hơi, không an toàn khi sử dụng.
- Không bơi khi vừa đi ngoài nắng về.
- Trẻ em vùng lũ không được tự ý đi lại, nghịch nước, bơi và bắt cá... khi nước lũ đang lên cao.
- Đối với trẻ lớn, cần dạy trẻ biết xử lý trong một số trường hợp như khi có đuối nước xảy ra (kêu cứu, kỹ thuật tự cứu và cứu đuối).
(Nguồn: Phụ nữ mới)