Đăk Lăk ghi nhận bệnh nhân đầu tiên nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người'

Thanh Mai |

Đây tuy là bệnh ít gặp nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ cao.

Sáng 8.6, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk thông tin, vừa ghi nhận một trường hợp mắc bệnh Whitmore - thường được gọi là bệnh "vi khuẩn ăn thịt người" tại địa phương. Bệnh nhân là một bé gái, bé liên tục sốt 39 độ C, khối áp xe tuyến mang tai đã được rạch, đi tiêu lỏng 5 lần một ngày. 

Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đăk Lăk cho biết ngành y tế đang điều tra dịch tễ ca Whitmore này. Hiện chưa rõ em bé tiếp xúc nguồn lây nhiễm vi khuẩn từ đâu. Theo chia sẻ của gia đình, bé bắt đầu phát các triệu chứng từ 10 ngày trước khi vào viện hôm 4/6.

Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt là bùn đất, lây sang người qua vết trầy xước trên da hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất hay giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa. 

Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp. 
Đăk Lăk ghi nhận bệnh nhân đầu tiên nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người'
Đăk Lăk ghi nhận bệnh nhân đầu tiên nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người'
 

Bệnh Whitmore gặp ở tất cả độ tuổi, cả nam và nữ, phần đông là người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước. Người có các bệnh mạn tính như đái tháo đường, thận, phổi, suy giảm miễn dịch... dễ mắc vi khuẩn này.

Dấu hiệu bệnh là nhiễm trùng hình thành khoang mủ, sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, khó thở, đau ngực và đau nhức cơ. Thời gian ủ bệnh từ một đến 21 ngày, trung bình 9 ngày. Các triệu chứng thường xuất hiện hai đến bốn tuần sau khi tiếp xúc vi khuẩn.

Whitmore không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng và dấu hiệu dễ nhầm sang các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu... 

Điều trị bệnh Whitmore hết sức khó khăn. Bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh tấn công liều cao tĩnh mạch kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2-4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng. Tỷ lệ tử vong trên 40%. 

Tại hội nghị bệnh Whitmore toàn cầu lần thứ 8 tổ chức tại Philippines năm 2019, tiến sĩ Direk Limmathurotsakul đã sử dụng các thuật toán khoa học để dự báo về sự phân bố của vi khuẩn Whitmore ở các lục địa và dự đoán số lượng người nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Theo đó, bệnh Whitmore có mặt ở 80 quốc gia. Hàng năm có khoảng 165.000 người nhiễm bệnh và bệnh cướp đi sinh mạng của 89.000 người.

Whitmore là bệnh vùng, phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á và phía Bắc Australia, trong đó vùng Đông Bắc Thái Lan (gần với miền Trung Việt Nam) được coi là tâm điểm của dịch bệnh trên thế giới. Tuy là đất nước có tỷ lệ người dân ít mắc bệnh nhất Đông Nam Á, song  Singapore - một đất nước không làm nông nghiệp, cho biết hàng năm số người mắc Whitmore là 1,3 người/100.000 dân (tức 13 người/ 1 triệu dân). 

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Mai Huyền, Phó Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới khuyến cáo: bệnh nhân không được chủ quan với bệnh Whitmore ở tất cả các bệnh nhân có tổn thương đa ổ áp xe, có vết thương nhiễm bẩn. Đặc biệt ở các khu đầm lầy, đồng ruộng, trên các đối tượng nguy cơ như người làm nông nghiệp, trồng rừng, người bệnh đái tháo đường…

Các bác sĩ khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh gồm mang giày, ủng và găng tay bảo hộ khi làm việc ở môi trường nước. Người mắc bệnh tiểu đường, viêm thận mạn tính, có vết xước hay vết thương hở trên da nên tránh tiếp xúc với những nơi có nguồn nước, đất bị ô nhiễm. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.

Bệnh rất hiếm khi lây truyền từ người sang người, hoặc từ động vật sang người qua đường không khí. Vì thế, bệnh thường không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch.

TS. Trịnh Thành Trung - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viện Vi Sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc ĐHQGHN khuyến cáo nếu người dân làm việc và tiếp xúc nhiều với đất (đa số nông dân), có tiền sử bệnh tiểu đường hoặc các bệnh mãn tính về thận và phổi, có những triệu chứng sốt kèm theo viêm phổi thì nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám, xét nghiệm và điều trị bệnh kịp thời.

Đối với các bác sĩ, khi nghi ngờ bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore thì nên cho chỉ định cấy máu, mủ, đờm và nước tiểu ngay. Để biết thêm nhiều thông tin về bệnh, xin vui lòng tham gia Hội facebook kín “Hội nghiên cứu bệnh melioidosis tại Việt Nam” để nhận được những chỉ dẫn, giúp đỡ từ những người có kinh nghiệm về Whitmore tại Việt Nam.

(Nguồn: Báo Phụ nữ mới)

TAGS

Nghiên cứu về râu và vi khuẩn trong kẹo cao su giành giải Ig Nobel

PV |

Giải Ig Nobel Hòa bình được trao cho một nghiên cứu đặc biệt về râu đăng trên tạp chí khoa học Integrative Organismal Biology.

Phát hiện loại vi khuẩn giúp con người thọ 100 tuổi

Mai Nguyễn |

Theo tiến sĩ Kenya Honda, trưởng nhóm nghiên cứu, tuy chưa có nhiều bằng chứng để khẳng định những vi khuẩn này khiến con người sống lâu hơn.