Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần, đây là thời điểm nhu cầu sử dụng sản phẩm của người dân tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Do vậy, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang được cơ quan chức năng và các địa phương thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ.
Thời điểm này, các hộ làm nghề nem chả ở thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong đang tất bật chuẩn bị nguyên phụ liệu, tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trao đổi với chúng tôi khi đang tất bật xay thịt, luộc chả, ông Lê Thanh Tuấn, chủ cơ sở sản xuất nem, chả Tuấn Sáu cho biết, nem, chả là món ăn được ưa thích trong ngày Tết nên nếu như ngày thường cơ sở của ông chỉ chế biến khoảng 30 - 40 kg thịt thì dịp Tết cơ sở của ông phải tăng công suất lên gấp 3 - 5 lần mới đủ hàng cung ứng cho thị trường.
Tuy nhu cầu tiêu thụ nem, chả tăng cao nhưng các cơ sở sản xuất nem chả gia truyền ở xã Triệu Thành không vì lợi nhuận mà đánh mất bản sắc sản phẩm truyền thống của mình. Luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) mà cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn.
“Không chỉ gia đình tôi mà tất cả các hộ tham gia sản xuất nem, chả đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất truyền thống của gia đình. Cam kết không sử dụng các loại phụ gia, hóa chất cấm trong chế biến và bảo quản sản phẩm. Hằng năm, nhất là vào dịp Tết, các cơ quan chuyên môn như Chi cục An toàn thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cũng thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu test nhanh các chất cấm và phổ biến, hướng dẫn chúng tôi các quy định đảm bảo ATVSTP, vệ sinh môi trường”, ông Tuấn cho hay.
Còn tại làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, Hải Lăng, thời điểm này, các hộ sản xuất mứt gừng cũng đang tất bật sản xuất để phục vụ nhu cầu tết Nguyên đán. Tại cơ sở sản xuất mứt gừng Tuấn Tâm, hơn 30 công nhân đang tất bật làm việc. Người gọt vỏ gừng, người rửa gừng, người bào gừng ra từng lát mỏng, người luộc gừng, ngào gừng với đường, người đóng gói sản phẩm. Tất cả phối hợp nhịp nhàng để cho ra những lát mứt gừng vừa thơm ngon, vừa đảm bảo ATVSTP.
Trao đổi với chúng tôi, chị Võ Thị Tâm, chủ cơ sở cho biết, mứt gừng của cơ sở được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống, hoàn toàn không sử dụng hóa chất. Năm nay, bên cạnh việc đảm bảo ATVSTP thì công tác phòng, chống COVID-19 cũng được cơ sở hết sức chú trọng. Công nhân trong quá trình làm việc phải tuân thủ nghiêm các quy định như đeo bao tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách… “Các mẫu mứt gừng của cơ sở trước khi đưa ra thị trường đều được cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra và đều đạt các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm”, chị Tâm chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh cho biết, nghề làm mứt gừng ở làng Mỹ Chánh là nghề truyền thống với tuổi đời hàng trăm năm. Do làm theo phương pháp thủ công nên mứt gừng Mỹ Chánh có vị thơm, cay nồng đặc trưng, màu gừng tự nhiên không tẩy trắng. Năm nay, mặc dù gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng hiện tại làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh vẫn có khoảng 35 hộ duy trì sản xuất. Trong đó, có khoảng 10 hộ sản xuất với quy mô từ 1 - 3,5 tạ/ngày.
Dự kiến dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần này, làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 50 - 70 tấn mứt gừng. Với giá bán từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, ước tính tổng thu nhập của cả làng nghề đạt khoảng 3,5 tỉ đồng.
“Để giữ được thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh, bên cạnh hương ước của làng nghề, trước khi bước vào vụ sản xuất UBND xã đều tổ chức họp các hộ làm mứt gừng, ký cam kết không sử dụng hóa chất trong chế biến. Tất cả các công đoạn sản xuất đều được thực hiện theo phương pháp thủ công truyền thống, đảm bảo các tiêu chuẩn ATVSTP; vệ sinh môi trường. Đồng thời, yêu cầu các hộ thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống COVID-19 như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách…”, ông Sinh cho biết thêm.
Hiện nay, tết Nguyên đán đang cận kề, nhu cầu hàng hóa về thực phẩm tăng cao, cơ quan chức năng và các địa phương đang chủ động triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc đảm bảo ATVSTP.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS) Phan Hữu Thặng thông tin, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATVSTP, những kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến, và tiêu dùng thực phẩm nông, lâm, thủy sản đến người tiêu dùng. Chi cục QLCLNLS&TS đang phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan gồm Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng Cảnh sát môi trường… tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý. Tập trung vào các cơ sở có sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết Nguyên đán.
Trong đó, ưu tiên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản phục vụ tết Nguyên đán như thịt, giò chả, rau củ quả, thủy sản các loại; các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Kiểm soát các đầu mối sản xuất, nhập khẩu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh số lượng lớn. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tập trung kiểm tra điều kiện đảm bảo ATVSTP, việc sử dụng phụ gia trong thực phẩm.
Đồng thời, lấy mẫu kiểm tra tồn dư vi sinh vật, hóa chất cấm trong thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Test nhanh để phát hiện chất tạo nạc trong thịt; hàn the, phẩm màu, vi sinh trong giò chả các loại; thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy trắng sunfit trong rau, củ, quả; formol, ure, hàn the trong thịt, thủy sản. “Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng và các địa phương thì mỗi người dân hãy trở thành người tiêu dùng thông thái khi chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, bảo quản tốt sản phẩm”, ông Thặng lưu ý thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)