Thay đổi này có thể khuyến khích người lao động đóng BHXH đủ thời gian hưởng lương hưu, thay vì rút BHXH một lần.
Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, trong đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi trình Chính phủ.
Theo Bộ LĐTB&XH, hết năm 2021 cả nước có hơn 28,8 triệu người chưa tham gia BHXH (chiếm hơn 64% lực lượng lao động trong độ tuổi). Tuy nhiên, việc mở rộng người tham gia BHXH gặp không ít khó khăn. Hiện, cả nước chỉ có 4 triệu trên tổng số 13 triệu lao động có lương hưu, trợ cấp hàng tháng.
Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO) với chính sách đóng hưởng chế độ BHXH hiện hành, đến năm 2030 Việt Nam có 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp hàng tháng. Nếu không có chính sách phù hợp, đây sẽ là gánh nặng lớn cho cuộc sống của người lao động và gây áp lực không nhỏ lên hệ thống an sinh cũng như ngân sách nhà nước.
Bộ LĐTB&XH đề xuất sửa Luật BHXH theo hướng, giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu từ 20 năm mới được hưởng lương hưu như như hiện nay xuống còn 15 năm và hướng tới tiếp tục giảm xuống 10 năm.
Thay đổi này có thể khuyến khích người lao động đóng BHXH đủ thời gian hưởng lương hưu thay vì rút BHXH một lần. Nếu Luật BHXH sửa đổi được thông qua theo hướng này, ước tính mỗi năm sẽ tăng từ 10-40 ngàn lao động có lương hưu.
Về đề xuất hưởng BHXH một lần, Bộ LĐ-TBXH đề xuất 2 phương án. Một là, tiếp tục cho phép người lao động rút BHXH một lần như hiện hành, hoặc chỉ cho phép rút BHXH một lần với phần tiền người lao động đóng góp, không được rút phần doanh nghiệp và nhà nước cùng đóng.
(Nguồn: Phụ nữ mới)