Các bác sĩ Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ vừa can thiệp, cứu sống bé trai 4 tuổi bị đột quỵ do huyết khối tĩnh mạch não, độ tuổi mà trước đây gần như chưa từng được ghi nhận.
Cháu V.T.L (sinh năm 2018, quê Đồng Tháp) bị sốt, nôn, tiêu chảy nên được gia đình đưa đến bệnh viện nhi điều trị vào cuối tháng 7/2022. Tuy nhiên, tình trạng của cháu L ngày một diễn tiến nặng nên được chuyển qua Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ trong tình trạng nguy kịch.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị huyết khối tĩnh mạch não cực nặng, nguy cơ tử vong rất cao vì cơ thể cháu còn nhỏ, khả năng điều trị thuốc chống đông và can thiệp gặp rất nhiều khó khăn. Khai thác tiền sử từ gia đình, bệnh nhi đã từng bị mắc COVID-19 trong tháng 1/2022.
Ngay lập tức, các bác sĩ hội chẩn khẩn cấp và quyết định can thiệp nội mạch lấy huyết khối vào ngày 8/8. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhi hiện phục hồi tốt, gần như không để lại di chứng về nói, yếu liệt.
Bác sĩ Nguyễn Đào Nhật Huy, Trưởng ê-kíp can thiệp cho biết: Huyết khối tĩnh mạch nội sọ trước đây rất hiếm gặp, thường gặp ở nữ giới do liên quan đến thời kỳ mang thai, hậu sản, sử dụng thuốc ngừa thai, viêm nhiễm hệ thần kinh, hay nhiễm trùng nặng vùng đầu mặt cổ.
Phương pháp điều trị thông thường nhất là dùng thuốc kháng đông, thở máy, chống động kinh…Tuy nhiên, nếu không có phương pháp can thiệp lấy huyết khối và phẫu thuật thì đa số bệnh nhân tử vong.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ, hơn 15 năm điều trị bệnh lý mạch máu não, trung bình mỗi năm ông chỉ gặp từ 1-2 trường hợp huyết khối tĩnh mạch não nặng.
Những năm sau đại dịch COVID-19, theo y văn thế giới cũng như ghi nhận tại Việt Nam có sự gia tăng đáng kể số bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch nội sọ, không kể độ tuổi, giới tính.
Lý giải điều này, y văn đã kết luận bệnh nhân sau mắc COVID-19 có sự kích hoạt quá mức hệ thống miễn dịch; tăng phản ứng viêm; gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong cơ thể. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng huyết khối tĩnh mạch nội sọ trong cộng đồng cũng như các mạch máu khác trong cơ thể như phổi, tim…
Do đó, qua trường hợp cụ thể này, các bác sĩ khuyến cáo người nhà khi bệnh nhân (kể cả bệnh nhi) có dấu hiệu mờ mắt, buồn nôn và nôn, đau nhức đầu dữ dội, rối loạn ngôn ngữ như nói ngọng, liệt nửa người, suy kiệt cơ thể, yếu người và không còn tỉnh táo, co giật, ngất xỉu, hôn mê… thì cần nghĩ đến khả năng đột quỵ. Bệnh nhân cần được chuyển đến cơ sở y tế có chuyên môn cao trong thời gian sớm nhất để có thể được can thiệp sớm trong "thời gian vàng", giúp gia tăng cơ hội sống sót cũng như giảm thiểu di chứng.
(Nguồn: Ngày Nay)