Theo chuyên gia, việc ngủ gật tưởng chừng rất bình thường nhưng đôi khi lại là dấu hiệu của sức khỏe không tốt.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, một thí sinh ở Cà Mau đã ngủ quên trong giờ thi. Đến khi hết giờ, giám thị thu bài, thí sinh H.N.T chưa viết đáp án nên kết quả là 0 điểm môn thi tiếng Anh.
Những cuộc tranh cãi nổ ra trên các diễn đàn về trách nhiệm của các bên. Tuy nhiên có một vấn đề có lẽ cũng cần được lưu tâm không kém, là vì sao một học sinh có lực học tốt, lại ngủ gục trong kỳ thi quan trọng đến nhu vậy? Phải chăng vấn đề sức khỏe học đường và thi cử cũng nên được quan tâm một cách sát sao hơn đối với cả phụ huynh, nhà trường, và cả bản thân các em học sinh?
Theo TS.BS Đàm Văn Việt, Bệnh Viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội chia sẻ với Infonet, cần phải chú ý khi học sinh trong lớp học bình thường hay thí sinh trong bất kì một cuộc thi nào gục xuống bàn ngủ hay mất ý thức... Có thể các em bị các bệnh lý nào đó như đột quỵ, tim mạch. Mỗi bệnh lý sẽ có khoảng thời gian vàng để cứu bệnh nhân. Các em đã trải qua áp lực của kỳ thi, áp lực ôn tập và sức khoẻ cũng bị ảnh hưởng theo.
"Việc em là một học sinh giỏi trượt tốt nghiệp thì cũng buồn, nhưng hậu quả chỉ là em sẽ thi lại vào năm sau và còn cơ hội để sửa chữa sai lầm. Tuy vậy, nếu là tình trạng bất thường về sức khoẻ thì có thể cơ hội sống của học sinh đã bị bỏ qua và đó sẽ là một sai lầm trầm trọng không có cơ hội sửa chữa" - TS Việt nói.
TS Việt hi vọng BGD&DT có sự nhìn nhận đa chiều, sâu sắc, trách nhiệm hơn, có thể đưa vào chương trình sức khoẻ học đường của ngành giáo dục.
Thực tế, một nghiên cứu khoa học đáng giật mình nữa mà không phải ai cũng biết là ngủ gật tiềm ẩn trong nó nguy cơ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Các nhà khoa học Hoa Kỳ đã kết luận sau khi khảo sát ở 2000 người “ Những ai thường xuyên ngủ gật vào ban ngày có dấu hiệu đột quỵ gấp 2 - 4 lần so với những người còn lại”.
Cụ thể, những người thỉnh thoảng ngủ gật thì nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2,6 lần so với những người không ngủ gật. Riêng những ai hay ngủ gật thì nguy cơ kể trên cao gấp 4,5 lần. Ngoài ra, cuộc khảo sát cũng cho thấy nguy cơ bị đau tim hoặc tử vong do các bệnh về tim mạch ở những người ít ngủ gật là cao hơn người không ngủ gật là 1,6% và những người ngủ gật nhiều sẽ cao hơn 2,6%. Chưa hết, ngủ gật là nguyên nhân của thiếu ngủ mà thiếu ngủ thường xuyên sẽ gây nguy cơ bị rối loạn tâm thần, bao gồm chứng buồn chán và rối loạn lo âu, tiểu đường, hoặc nhẹ hơn là rối loạn giấc ngủ, khủng hoảng giấc ngủ.
Khủng hoảng giấc ngủ, hay còn được gọi là ngủ không đủ giấc, hoặc chất lượng giấc ngủ kém có thể gây ra một số hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, bao gồm tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, suy giảm trí nhớ và tăng cân. Nếu bạn đã ngủ đủ giấc nhưng vẫn cảm thấy buồn ngủ suốt cả ngày thì khả năng cao bạn đã mắc phải một vấn đề về rối loạn giấc ngủ. Tình trạng này có thể làm gián đoạn khả năng đi vào giấc ngủ hoặc ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn, thậm chí dẫn đến những hành vi kỳ quặc trong khi ngủ, điển hình như mộng du. Hơn nữa, một số rối loạn giấc ngủ cũng có thể thúc đẩy cơn buồn ngủ không kiểm soát được trong suốt một ngày.
Một số người có thể cảm thấy mệt mỏi vì không ngủ đủ giấc, trong khi một số người khác mắc phải các vấn đề rối loạn về giấc ngủ, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên hoặc chứng ngủ rũ (Narcolepsy). Đáng tiếc là tại Việt Nam, nhiều trường học và các thầy cô gần như không lưu tâm vẫn đề này, mà hầu như chỉ coi việc ngủ gật trong lớp là một tội lỗi hoặc sự lười biếng cần phải trách phạt.
Theo một khảo sát về "Vấn đề thiếu ngủ của học sinh THPT ở TP.HCM", cứ 5 học sinh thì có 4 em gặp khó khăn trong việc tập trung trên lớp do ảnh hưởng trực tiếp từ giấc ngủ. Có 44,1% học sinh không ngủ trưa, hơn 50% học sinh đi ngủ sau 23h và thức dậy trước 5h30 sáng. Việc thiếu ngủ trầm trọng dẫn tới nguy cơ trầm cảm, rối loạn cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Thực tế không ít học sinh đang bị “đánh cắp” giấc ngủ trầm trọng bởi việc học, thi cử, công nghệ thông minh, nhiều bạn cùng trường ngủ gật, mắt không thể mở ngay tiết đầu tiên trên lớp...,
Giải pháp cần được ưu tiên hàng đầu là học sinh, sinh viên cần phải sắp xếp thời gian hợp lý, cân đối giữa việc học và nghỉ ngơi, đừng để khối lượng bài vở “dồn ứ” dẫn tới “quá tải” khiến bạn phải “ăn gian” thời gian đáng lẽ để ngủ. Luôn đảm bảo ngủ mỗi ngay 7-8 h và nhớ đi ngủ trước 11h đêm, như vậy mới giữ được tinh thần tỉnh táo, thoải mái để tiếp thu bài giảng hoặc làm bài thi cho tốt. Ngoài ra nhà trường cũng nên kết hợp giữa các bài giảng cần có các hoạt động vận động hoặc sự giải lao, kể chuyện cười, tương tác, để học sinh, sinh viên không bị rơi vào tình trạng buồn bã, mệt mỏi và ngủ gục. Đặc biệt là các bậc phụ huynh cũng nên quan sát và theo dõi để cân đối thời gian học tập cũng như sinh hoạt, nghỉ ngơi, để các con được đảm bảo sức khỏe, để học tập và thi cử đạt hiệu quả cao nhất.
(Nguồn: Tổng hợp)