Tỷ lệ mắc bệnh do vi khuẩn Borrelia burgdorferi, nguyên nhân gây bệnh Lyme, đã tăng gấp đôi trong 12 năm qua do mùa Hè kéo dài hơn, biến đổi khí hậu và con người tiếp xúc thường xuyên với vật nuôi.
Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí BMJ Global Health cho thấy hơn 14% dân số thế giới mắc bệnh Lyme, một dạng nhiễm khuẩn do bị bọ chét cắn.
Vi khuẩn Borrelia burgdorferi (Bb), nguyên nhân gây bệnh Lyme, được tìm thấy trong máu của 14,5% trong tổng số gần 160.000 người tham gia nghiên cứu.
Bệnh hiếm khi gây tử vong nhưng những người bị bọ chét nhiễm bệnh cắn thường phát ban và có các triệu chứng giống như cúm, gồm đau cơ và khớp, đau đầu, buồn nôn và nôn.
Theo kết quả tổng hợp từ 89 nghiên cứu về căn bệnh này trên toàn thế giới, tỷ lệ nhiễm tại các nước Trung Âu cao nhất với 20%, tiếp đến là tỷ lệ kháng nguyên tại khu vực Đông Á là 15,9%, Tây Âu là 13,5% và Đông Âu là 10,4% và vùng Caribe có tỷ lệ thấp nhất chỉ với 2%.
Nam giới trên 50 tuổi sống ở các vùng nông thôn và những người thường xuyên tiếp xúc với các động vật chủ như chó, cừu nơi bọ chét ký sinh, có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy tỷ lệ mắc các bệnh do vi khuẩn Borrelia burgdorferi gây ra đã tăng gấp đôi trong 12 năm qua.
Lý do là mùa Hè kéo dài hơn, khô hơn và do biến đổi khí hậu, động vật di cư, mất môi trường sống và con người tiếp xúc thường xuyên với vật nuôi.
Tác giả nghiên cứu cũng lưu ý rằng dữ liệu trên có thể chênh lệch giữa các khu vực, bởi tại những nơi bệnh Lyme được coi là bệnh đặc hữu thì nhân viên y tế có nhiều điều kiện để thực hiện các xét nghiệm kháng nguyên hơn các khu vực bệnh ít phổ biến.
(Nguồn: TTXVN)