Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của hộ gia đình, cá nhân phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Như vậy, từ đầu năm 2025, việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ chuyển từ khuyến khích sang bắt buộc tối thiểu theo 3 loại. Người gây ô nhiễm phải trả tiền theo khối lượng rác phát sinh (điều này sẽ làm tăng dần mức phí dịch vụ người dân phải nộp và giảm hỗ trợ từ ngân sách). Nếu hộ gia đình, cá nhân nào không thực hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Hội An là thành phố đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm mô hình “cân rác trả tiền” theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Việc triển khai mô hình này được nhiều người dân ủng hộ, bởi ngoài việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường còn tạo ra sự công bằng về mức phí phải trả cho dịch vụ thu gom rác. Theo đó, gia đình, cá nhân nào có lượng rác thải ra nhiều thì sẽ chịu phí dịch vụ cao (khác với hình thức thu cào bằng như trước đây).
Tại Quảng Trị, sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 ban hành, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai các mô hình phân loại CTRSH tại nguồn ở một số địa phương như: xã Hải An (huyện Hải Lăng) với quy mô 200 hộ; xã Hải Khê (huyện Hải Lăng), xã Triệu Thuận (huyện Triệu Phong) quy mô 400 hộ; TP. Đông Hà quy mô 120 hộ; xã Gio Hải (huyện Gio Linh) quy mô 600 hộ. Nhờ đó, tỉ lệ phân loại CTRSH trên địa bàn tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2021, tỉ lệ phân loại chỉ đạt khoảng 11,4% thì năm 2022, tỉ lệ này gần 29%, riêng TP. Đông Hà đạt tỉ lệ phân loại CTRSH tại nguồn khoảng 30%.
Tuy có tăng lên, nhưng tỉ lệ phân loại CTRSH trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp, trung bình toàn tỉnh năm 2021 chỉ đạt 11,4%, năm 2023 đạt hơn 30%. Trong khi đó, theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2023, khối lượng chất thải rắn phát sinh toàn tỉnh khoảng 127 ngàn tấn, trong đó CTRSH đô thị chiếm 47,4%, nông thôn chiếm trên 52%.
Hiện nay, lượng rác thải trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xử lý bằng công nghệ chôn lấp (chiếm 92%) và một phần nhỏ được xử lý theo phương pháp đốt. Theo đánh giá khả năng phân loại CTRSH tại nguồn ở Quảng Trị, chất thải rắn có thể tái sử dụng, tái chế chiếm khoảng 16,8%; chất thải thực phẩm chiếm khoảng 60,4%; chất thải rắn khác chiếm khoảng 22,8%. Vì vậy, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn có ý nghĩa rất quan trọng.
Hiện nay, lượng CTRSH phát sinh ngày càng lớn, gây ô nhiễm môi trường và tăng chi phí xử lý chất thải của Nhà nước cũng như người dân. Việc phân loại CTRSH tại nguồn sẽ làm giảm đi một lượng lớn rác thải ra môi trường, giảm ô nhiễm và tiết kiệm nhiều khoản chi phí khác trong thu gom, vận chuyển, xử lý.
Một số yêu cầu cấp bách được đặt ra trong thời gian tới, đó là phải thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường về phân loại CTRSH, đồng thời thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của trung ương và địa phương. Theo Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2025, cả nước phấn đấu giảm tỉ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%. Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới quy định tỉ lệ CTRSH chôn lấp trực tiếp dưới 50% tổng lượng phát sinh (Tiêu chí 7.1).
Về phía tỉnh, Đề án phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, CTRSH xử lý theo phương pháp chôn lấp đạt dưới 50%; 100% hộ gia đình phân loại CTRSH tại nguồn; 70% tổ chức, cá nhân thu gom CTRSH và 80% đơn vị vận chuyển CTRSH đáp ứng các phương tiện, trang thiết bị phù hợp với CTRSH từ hộ dân đến điểm xử lý theo quy định.
Để thực hiện các mục tiêu trên đòi hỏi phải có sự triển khai quyết liệt, đồng bộ từ chính quyền đến người dân, trong đó cần chú trọng đến việc nâng cao ý thức của người dân. Hiện nay, không ít người dân vẫn chưa ý thức được ý nghĩa của việc phân loại CTRSH tại nguồn, vì vậy việc tuyên truyền và hướng dẫn phân loại rác cần phải được triển khai sâu rộng đến các khu dân cư trên địa bàn.
Ngày 2/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT về việc hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH. Tỉnh Quảng Trị cũng đã ban hành quy định về phân loại CTRSH, gồm: CTRSH có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải cồng kềnh; CTRSH khác.
Tỉnh khuyến khích hộ gia đình, cá nhân phân loại riêng CTRSH nguy hại. Đối với chất thải có khả năng tái chế sử dụng, tái chế thì sử dụng bao bì thông thường, bảo đảm có khả năng lưu chứa và không gây ô nhiễm môi trường; bao bì chứa chất thải thực phẩm phân thành hai loại, bỏ vào thùng nhựa kín có nắp đậy để tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc bỏ vào bao bì riêng để tận dụng ủ làm phân bón.
Hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH áp dụng trên địa bàn tỉnh thông qua giá bán bao bì (bao gồm giá thành sản xuất bao bì, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; mỗi loại bao bì có thể tích khác nhau thì có mức giá khác nhau).Các văn bản này cần được phổ biến rộng rãi để người dân hiểu, phân biệt được các loại chất thải, nắm kỹ thuật trong phân loại và triển khai thực hiện như quy định.
Thời gian để áp dụng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 không còn dài. Vì vậy, ngay từ bây giờ, công tác tuyên truyền về thực hiện phân loại, tái chế, tái sử dụng, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật cần được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Quá trình thực hiện, cán bộ, đảng viên trong đơn vị và tại các khu dân cư phải gương mẫu đi đầu, trở thành hạt nhân trong công tác tuyên truyền ở địa phương.
Qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong vấn đề phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)