Nguy cơ ngộ độc thực phẩm sau Tết

Hoài Nhung |

Với tâm lý muốn đón năm mới đủ đầy thực phẩm, nhiều gia đình đã tích trữ thực phẩm vượt quá nhu cầu, dẫn đến dư thừa tới sau Tết rất lâu. Những món ngon trong dịp Tết nếu bảo quản không đúng cách cộng với việc thay đổi thói quen ăn uống là nguyên nhân gia tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

Sáng thứ 2 đầu tuần, chị Đặng Thị Lan, ở Phường 3, TP. Đông Hà (Quảng Trị) cho cháu gái ăn sáng bằng những thực phẩm được trữ trong tủ lạnh trước khi đến trường.

Thế nhưng sau khi vào học được 2 tiết, chị nhận được điện thoại của giáo viên chủ nhiệm thông báo cháu có biểu hiện mệt, chướng bụng và đau bụng.

Đảm bảo vệ sinh trong bữa ăn cho trẻ nhằm giúp các em có một tinh thần, thể chất phát triển toàn diện để học tập tốt -Ảnh: H.N
Đảm bảo vệ sinh trong bữa ăn cho trẻ nhằm giúp các em có một tinh thần, thể chất phát triển toàn diện để học tập tốt -Ảnh: H.N
“Sau khi chở cháu về kiểm tra tại một cơ sở y tế, tôi được biết cháu bị rối loạn tiêu hóa. Quả thực trong thời gian nghỉ Tết, vì nhà có sẵn nhiều loại bánh kẹo nên tôi cũng cho cháu được ăn uống thoải mái. Đến bây giờ, trong tủ lạnh vẫn còn rất nhiều trái cây, bánh mứt, một số đồ chế biến sẵn chưa kịp làm nóng lại và các cháu thường lấy ăn. Sau lần này, gia đình tôi sẽ dọn dẹp, vứt bỏ các đồ ăn đã trữ trong tủ lạnh từ Tết, đồng thời nhắc nhở con, cháu thận trọng hơn trong thói quen ăn uống, giữ gìn vệ sinh”, chị Lan chia sẻ.


Thực tế, không chỉ gia đình chị Lan mà có nhiều gia đình vẫn còn dư thừa, tích trữ nhiều thực phẩm sau tết Nguyên đán. Những thức ăn này thường được chế biến sẵn như: xúc xích, thịt hun khói, bò khô, gà khô, giò chả, bánh chưng...

Bên cạnh đó, những thức ăn, đồ uống chứa nhiều đường như: mứt, bánh kẹo, nước ngọt... được bán trong Tết khó kiểm soát nguồn gốc xuất xứ cũng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, dễ dàng gây ngộ độc nếu không đảm bảo trong quá trình chế biến, bảo quản và sử dụng. Đa số trẻ em khi nghỉ Tết được ăn uống tự do, không đúng giờ giấc, ăn nhiều loại thức ăn chiên rán, đồ ngọt.

Hiện nay, mặc dù Tết đã qua nhưng mùa lễ hội, du xuân chỉ mới bắt đầu. Dịch vụ ẩm thực tại các hàng quán ở những lễ hội thường dựng tạm bợ dọc đường, thiếu nước sạch và phương tiện thu gom rác thải; thiếu điều kiện bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn. Vì vậy, khi du xuân, thường ăn những đồ ăn tiện lợi, ăn ở hàng quán hay lề đường không đảm bảo vệ sinh. Đây cũng là một trong những nguy cơ dễ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.

Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Đông Hà, bác sĩ CKI Hoàng Quốc Vũ cho biết: “Từ trong Tết đến nay, tại trung tâm mặc dù chưa ghi nhận ca ngộ độc thực phẩm nào nhưng đã có những trường hợp trẻ em bị rối loạn tiêu hóa phải nhập viện điều trị.

Nguyên nhân của đa phần các trường hợp này là do ăn phải những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn hoặc độc tố của vi khuẩn, nấm mốc có chứa trong thức ăn. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do ngộ độc các chất phụ gia thực phẩm, độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm hay các chất gây dị ứng, chất độc hại trong quá trình chế biến.

Đặc biệt, thức ăn còn thừa sau các bữa ăn chỉ cần một vài giờ là rất nhiều vi khuẩn có thể sinh sôi. Một số loại vi khuẩn không gây ôi thiu rõ rệt nên bề ngoài thức ăn có vẻ vẫn an toàn nhưng thực chất đã chứa lượng lớn vi khuẩn hoặc độc tố gây nguy hại tới sức khỏe. Khi bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thì tùy nguyên nhân mà có các biểu hiện khác nhau như: sốt, buồn nôn, đau bụng, đầy hơi, nhức đầu, chóng mặt hay tiêu chảy...

Đối với những người có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, nếu không được điều trị và chăm sóc kịp thời dễ gây tình trạng rối loạn nước và điện giải, nhiễm khuẩn, nhiễm độc toàn thân với các biểu hiện như: nôn nhiều, tiêu chảy, sốt cao, khô miệng, mệt lả... và có thể co giật rất nguy hiểm”.

Thời gian qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của động, thực vật chứa độc tố tự nhiên, thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển cũng là một trong những nguyên nhân khiến thức ăn dễ bị ôi thiu, nấm mốc.

Các loại lương thực, thực phẩm như: bánh chưng, hạt dưa, bí, lạc, ngô, bánh ngọt, mứt... nếu bảo quản không đúng cách dễ gây tích tụ độc tố, dẫn tới gia tăng tình trạng rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, việc chế biến nấu đi, nấu lại nhiều lần các đồ ăn, nhất là đồ chế biến sẵn như lạp xưởng, nem, giò, chả... cũng rất nguy hiểm.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa cho mọi người sau thời gian nghỉ Tết, bác sĩ Hoàng Quốc Vũ khuyến cáo khi thấy các loại bánh kẹo, mứt, bánh chưng xuất hiện nấm mốc, chảy nước hoặc thay đổi màu sắc, không đảm bảo an toàn thì nên vứt chứ không ăn.

Bên cạnh đó, cần lựa chọn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và đảm bảo tươi, có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng; thực hiện ăn chín uống sôi, sử dụng nước sạch trong sơ chế và chế biến thực phẩm.

Ngoài ra, không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm phục vụ Tết để tránh sử dụng thực phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc ôi thiu, hỏng mốc. Khi phát hiện thực phẩm có biểu hiện của nhiễm độc hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thức ăn thì phải dừng ngay việc sử dụng thức ăn đó. Đồng thời giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, phân, nước tiểu để đưa đi xét nghiệm.

Quan trọng nhất là các bậc phụ huynh cần nắm rõ cách nhận biết những rối loạn xảy ra và cách chăm sóc trẻ tại nhà nếu bị rối loạn tiêu hóa; đưa người nghi ngộ độc đến cơ sở đi y tế để điều trị và chăm sóc kịp thời ngay khi có triệu chứng bất thường.

Cần quan tâm hơn đến chất lượng thực phẩm sau Tết để phục vụ bữa ăn đảm bảo an toàn cho mọi thành viên trong gia đình có một tinh thần, thể chất phát triển toàn diện, đầy đủ sức khỏe để làm việc, học tập, vui chơi trong mùa xuân trọn vẹn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hòa Bình: 4 học sinh bị ngộ độc do uống nước ngọt đã ổn định sức khỏe

Vũ Hà |

 

Ngày 24/2, Tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, sau 2 ngày điều trị tích cực, sức khỏe 4 học sinh Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Bao La, huyện Mai Châu (Hòa Bình), bị ngộ độc do uống nước ngọt đã ổn định, sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Vụ ngộ độc sau tiệc Trung Thu: Cần quản lý thực phẩm từ thiện

Hồng Giang |

Theo Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, vụ ngộ độc sau tiệc Trung Thu cho thấy cần tìm phương án quản lý chất lượng thực phẩm "gắn mác" từ thiện, bởi công tác quản lý nhóm này vẫn là “mảng trống."

Sở Y tế Quảng Nam thông tin vụ việc 91 người ngộ độc sau ăn bánh mì Phượng ở Hội An

Thanh Mai |

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam thông tin về số người ngộ độc sau ăn bánh mì nổi tiếng nhất Hội An.

14 người nhập viện nghi ngộ độc nấm hoang

PV |

Sau bữa cơm trưa có sử dụng món canh nấm hoang lấy từ vườn nhà, 14/21 người ở xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu ( tỉnh Lai Châu) xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như đau đầu, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng và được đưa đi cấp cứu tại các cơ sở y tế.