Nguy cơ nhiễm khuẩn 'ăn não người' khi bơi sông, hồ

PV |

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cảnh báo những người mê bơi lội cần đề phòng nguy cơ nhiễm naegleria fowleri - một loại amip được mệnh danh là khuẩn “ăn não người."

Bơi lội ở sông, hồ, suối là hoạt động khá phổ biến vào mùa Hè. Tuy nhiên, những người mê bơi lội cần đề phòng nguy cơ nhiễm naegleria fowleri - một loại amip được mệnh danh là khuẩn “ăn não người."

Căn bệnh đáng sợ vào mùa nóng

Trang tin Fox News cho biết trong năm 2023, tại Mỹ đã có ít nhất 3 trường hợp tử vong do nhiễm khuẩn naegleria fowleri. Thông thường, amip này xâm nhập vào cơ thể người thông qua đường mũi trong quá trình bơi lội tại các sông, hồ nước ngọt.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), naegleria fowleri có thể gây ra căn bệnh Viêm não màng não tiên phát do amip (PAM), phá hủy mô não và gây chết người.

Trong số 157 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận tại Mỹ từ năm 1962 đến 2022, chỉ có 4 trường hợp bệnh nhân qua khỏi. Tỷ lệ tử vong khi nhiễm khuẩn là hơn 97%.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.
Tháng Bảy năm nay, bộ phận phụ trách sức khỏe cộng đồng tiểu bang Nevada đã ghi nhận một trường hợp bé trai 2 tuổi tử vong do nhiễm amip ăn não sau khi tắm suối nước nóng.

Trước đó, vào tháng Hai năm nay, một người đàn ông tại Florida cũng tử vong sau khi rửa mặt bằng nước máy bị nhiễm amip naegleria fowleri.

Chia sẻ với Fox News, bà Tammy Lundstrom, Giám đốc Y tế và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Hệ thống y tế Trinity Health (tiểu bang Michigan, Mỹ), cho biết: “Nguy cơ nhiễm amip ăn não người là rất thấp. Hằng năm, tại Mỹ chỉ ghi nhận chưa đến 10 trường hợp nhiễm bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn đều tử vong. Chỉ một số ít bệnh nhân có thể qua khỏi.”

Theo bà Lundstrom, từ năm 1962 cho đến năm 2022, miền Nam nước Mỹ là khu vực có nhiều vụ mắc bệnh nhất - với tổng cộng 157 trường hợp. Nguyên nhân do đặc điểm khí hậu ở miền Nam ấm hơn các vùng khác. Trong số đó, gần một nửa số ca mắc được ghi nhận tại hai bang Texas và Florida.

Lundstrom cho biết loại amip “ăn não” này chỉ sống trong môi trường nước ngọt. Do đó, khi tham gia bơi lội trong môi trường nước mặn như ngoài biển, người dân không cần lo lắng về nguy cơ nhiễm bệnh.

Naegleria fowleri phát triển mạnh trong môi trường nước ấm, đặc biệt là trong khoảng nhiệt độ lên tới 46°C.

Theo CDC, điều này cũng đồng nghĩa rằng giai đoạn tháng Bảy, tháng Tám, tháng Chín (tại Mỹ) và mùa nóng tại các nước khác là thời điểm có nguy cơ nhiễm amip ăn não người cao nhất.

Một số chuyên ra tin rằng biến đổi khí hậu cũng là một trong những yếu tố khiến nguy cơ nhiễm naegleria fowleri ngày càng tăng cao.

“Khi nhiệt độ không khí tăng, nhiệt độ nước trong ao, hồ cũng tăng lên và mực nước có thể xuống thấp hơn. Đây là các yếu tố tạo ra môi trường lý tưởng để loại amip này sinh sôi và phát triển. Khi nhiệt độ nước và không khí tăng cao hơn bình thường, những đợt nắng nóng bất thường có thể trở thành yếu tố “xúc tác” cho sự phát triển mạnh mẽ của amip ăn não người,” thông tin được đăng tải trên trang web của CDC nêu rõ.

Những triệu chứng cần lưu tâm

Các triệu chứng ban đầu của bệnh viêm não màng não tiên phát do amip thường biểu hiện ra trong khoảng 5 ngày sau khi tiếp xúc (với môi trường nước có chứa amip). Ở một số bệnh nhân, triệu chứng có thể xuất hiện sớm hơn.

Theo CDC, các triệu chứng ban đầu thường thấy là nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, sốt. Khi bệnh bắt đầu tiến triển, người bệnh có thể có các triệu chứng khác như lú lẫn, đau cứng cổ, mất phương hướng, ảo giác, co giật và hôn mê.

Bà Lundstrom cho biết: “Thông thường, người bệnh cảm thấy không khỏe trong khoảng 1 đến 12 ngày kể từ khi tiếp xúc với môi trường nước có chứa amip. Nếu nhận thấy các triệu chứng ban đầu, người bệnh nên nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.”

Bệnh nhân có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào trong khoảng từ 1 đến 18 ngày nhiễm bệnh, trung bình là 5 ngày.

Theo bà Lundstrom, cách tốt nhất để ngăn ngừa căn bệnh này là tránh ngụp đầu xuống nước khi bơi sông, hồ... Amip thường xâm nhập vào cơ thể người bệnh thông qua đường mũi trong quá trình bơi lội.

Bà cũng cho biết hiện nay vẫn chưa thể giải thích nguyên nhân tại sao cùng tham gia bơi lội nhưng có người bị nhiễm bệnh, có người không. Điều may mắn là đây không phải bệnh truyền nhiễm nên không lây từ người này sang người khác.

Để tránh nhiễm amip “ăn não,” người đi bơi sông, hồ có thể sử dụng kẹp mũi hoặc bịt mũi. Ngoài ra, do amip ăn não đã được tìm thấy trong môi trường đất, CDC cũng khuyến cáo người dân tránh hoạt động đào bới trầm tích dưới đáy hồ, ao, sông…

Để điều trị cho người bệnh được chẩn đoán nhiễm amip ăn não người, các bác sĩ thường cung cấp nhiều loại thuốc chống nấm và thuốc kháng sinh (như rifampin, azithromycin).

Theo thông tin đăng tải trên trang web của CDC, thuốc chống nấm miltefosine đã cho thấy có khả năng tiêu diệt naegleria fowleri theo kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Miltefosine đã được sử dụng trong quá trình điều trị cho 3 trong số những bệnh nhân từng vượt qua căn bệnh này. Tuy nhiên hiệu quả của thuốc với bệnh nhân vẫn chưa thực sự rõ ràng, do tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao.

Tuy rằng tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh cao, bà Lundstrom vẫn nhấn mạnh rằng đây là một căn bệnh khá hiếm gặp. “Trong số hàng triệu người tham gia bơi lội vào mỗi mùa Hè, chúng tôi chỉ ghi nhận một vài trường hợp nhiễm bệnh. Biện pháp bảo vệ tốt nhất vẫn là tránh để nước ngập đầu khi bơi,” bà lưu ý.

(Nguồn: Ngày nay)

TAGS

Ăn lòng lợn, người phụ nữ nhiễm khuẩn nguy hiểm tính mạng

PV |

Sáng 3/8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, vừa tiếp nhận điều trị cho nữ bệnh nhân 59 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn - nhiễm khuẩn huyết có viêm màng não và suy hô hấp do mắc liên cầu lợn.

Quảng Trị: Đề xuất đầu tư dự án Tổ hợp Thương mại Chợ Đông Hà ven sông Hiếu

Tiến Nhất |

Ngày 16/6/2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến chủ trì cuộc họp nghe báo cáo đề xuất dự án Tổ hợp Thương mại Chợ Đông Hà ven sông Hiếu.

Yêu cầu hoàn thành công trình cầu dây văng sông Hiếu trước ngày 30/6/2023

Thanh Trúc |

Sau hơn 2 năm triển khai thi công công trình cầu dây văng sông Hiếu, hiện còn khoảng 200 m đường hai đầu cầu nối vào đường Hoàng Diệu và đường Bà Triệu đang thực hiện dở dang. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2021 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào khai thác, sử dụng.

Vụ 72 học sinh ngộ độc do món gà nhiễm khuẩn tụ cầu vàng, làm sao để phòng tránh?

An Ly |

Rửa tay kỹ với xà phòng và nước trước khi chế biến thực phẩm. Nếu có vết thương, nhiễm trùng da, hay nhiễm trùng tại mắt, mũi, không nên chuẩn bị thức ăn cho người khác.