Theo chuyên gia, mặc dù thế giới chưa có nghiên cứu và đánh giá chi tiết về hiệu quả sinh miễn dịch sau khi tiêm kết hợp 2 loại vaccine nhưng việc này có thể phù hợp với những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao.
Trước thực trạng tại một số nơi như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương hết vaccine Moderna để tiêm mũi hai cho người dân, những ngày gần đây, một số điểm tại TP.HCM đã tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer cho người tiêm Moderna ở mũi đầu. Nhiều người dân bày tỏ băn khoăn, lo lắng và câu hỏi đặt ra về hiệu quả sinh miễn dịch sau khi tiêm kết hợp?
TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), nhận định việc người dân băn khoăn, lo lắng về việc tiêm trộn 2 loại vaccine khác nhau là tất yếu.
Theo TS Điền, hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam mới đưa ra khuyến cáo về việc tiêm trộn vaccine Covid-19 Pfizer và AstraZeneca trong điều kiện không có vaccine cùng loại ở mũi 2. Điều kiện là người được tiêm chủng đồng ý, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm 8-12 tuần.
Nguy cơ về phản ứng phụ
Tuy nhiên, BS Vũ Minh Điền cũng cho rằng, khi sử dụng 2 loại vaccine khác nhau, người được tiêm cũng cần chấp nhận một số nguy cơ về phản ứng phụ do các tá dược của chúng.
TS Điền phân tích, với 2 loại vaccine được khuyến cáo có thể tiêm chéo là AstraZeneca và Pfizer, chúng được nghiên cứu và sản xuất dựa trên 2 công nghệ khác nhau. AstraZeneca là vaccine tái tổ hợp của virus adeno có chứa thành phần trong vỏ ngoài của SARS-CoV-2. Trong khi đó, Pfizer lại được sản xuất trên công nghệ gene mRNA. Với công nghệ, phương pháp bào chế khác nhau, các tá dược trong mỗi loại vaccine cũng có sự khác biệt.
Vì vậy, đây chính là nguyên nhân gây ra nguy cơ phản ứng phụ đối với người tiêm 2 mũi vaccine khác loại khi cơ thể đáp ứng với các tá dược khác nhau.
Vị chuyên gia này chia sẻ, hiện thế giới chưa có nghiên cứu và đánh giá chi tiết về hiệu quả sinh miễn dịch sau khi tiêm kết hợp 2 loại vaccine. Bởi vậy, chúng ta cũng chưa thể đưa ra được tỷ lệ bảo vệ chính xác nhất.
Cũng theo TS Điền, về bản chất, vaccine Covid-19 giúp chúng ta đưa một kháng nguyên lạ vào cơ thể. Qua đó, khiến cơ thể nhận diện và sinh ra hàng loạt tế bào lympho B nhớ để trong lần tiếp theo, khi virus xâm nhập, chúng sẽ huy động ngay và đáp ứng miễn dịch. Vì vậy, tiêm vaccine mũi 2 tương tự một lần tập dượt, có vai trò giúp cơ thể thử nhận diện kháng nguyên, đánh giá tốc độ huy động của các tế bào. Khi hệ thống miễn dịch đã hoạt động, cơ thể sẽ nhanh chóng huy động tổng lực các yếu tố để tiêu diệt virus.
“Với vaccine Pfizer, nếu đúng quy trình tiêm mũi 2 sau 3 tuần, cơ thể sẽ nhận diện và đáp ứng với virus khoảng 95%. Nhưng trong trường hợp thời gian này là 6-8 tuần, bộ nhớ sẽ nhận diện kém hơn, tỷ lệ có thể chỉ còn 70-80%. Việc lựa chọn tiêm cùng loại hay tiêm chéo 2 loại vaccine Covid-19 khác nhau sẽ phụ thuộc vào mức độ nguy cơ của mỗi người” - BS Điền cho hay.
Theo vị chuyên gia này, với người dân ở vùng nguy cơ lây nhiễm thấp, họ có thể tiêm trước mũi 1 để tăng khả năng bảo vệ và chờ đợi tiêm mũi 2 cùng loại. Trong khi đó, những nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao như nhân viên y tế, lực lượng tham gia phòng chống dịch nên sớm tiêm đủ liều. Nếu không có vaccine cùng loại, nhóm này có thể tiêm loại vaccine khác theo khuyến cáo của ngành y tế.
Kết hợp vaccine cùng công nghệ cho những người dễ bị tổn thương, hệ miễn dịch kém
Theo nguồn tin của Nature, Al Jazerra, khi biến thể Delta có khả năng lây truyền cao, thách thức hệ thống y tế ở hàng chục quốc gia trên thế giới, một số chính phủ đã áp dụng việc kết hợp vaccine để thúc đẩy quá trình tiêm chủng. Trộn vaccine có nghĩa là sử dụng một nhãn hiệu vaccine cho mũi đầu tiên, sau đó là vaccine của một nhà sản xuất khác cho mũi thứ 2. Những người ủng hộ chính sách này tin rằng có thể tăng tốc độ và hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng. Việc kết hợp giữa hai loại vaccine cùng công nghệ là Pfizer và Moderna cũng đang được một số quốc gia thực hiện.
Dù không phổ biến như tại Canada, song tại Pháp, Cơ quan y tế cấp cao nước này cho biết đây là một khả năng chấp nhận được trong trường hợp có áp lực nghiêm trọng về cung cấp. Trong khi đó tại Đức, từ tháng 9 này, nước Đức cũng quyết định cung cấp vaccine công nghệ mRNA của Pfizer/BioNTech và Moderna cho những người dễ bị tổn thương, những người hưu trí và những người có hệ miễn dịch kém bất kể vaccine được sử dụng cho mũi đầu tiên. Cách tiếp cận này có thể cho phép các quần thể được bảo vệ nhanh hơn và tận dụng tốt hơn nguồn cung cấp vaccine sẵn có.
Dù các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng kết hợp các loại vaccine COVID-19, song thông tin đầy hứa hẹn là cho đến nay hầu hết các sự kết hợp đều không có tác dụng phụ nghiêm trọng và thậm chí có thể tốt hơn so với việc dùng hai liều vaccine giống nhau.
Trên thực tế việc kết hợp hai loại vaccine không phải là mới và trước đây đã được nghiên cứu đối với bệnh Ebola, bệnh lao và các bệnh truyền nhiễm khác.
(Nguồn: VOV.VN)