Chuyên gia cho rằng thời gian thích hợp để tiêm vaccine mũi 3 là từ 3 - 6 tháng kể từ lúc tiêm mũi 2.
Bộ Y tế cho biết dự kiến đến ngày 30-11 sẽ tiêm phủ 100% mũi 1 cho người từ 18 tuổi, 70% người từ 18 tuổi được tiêm đủ 2 mũi.
Bộ đã có văn bản đề nghị các địa phương lập kế hoạch, rà soát nhu cầu vaccine trong năm 2022, trong đó có nhu cầu vaccine mũi 3. Kế hoạch này phải gửi về Bộ Y tế trong tháng 11.
Chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng trước mắt các tỉnh có đánh giá về hiệu quả phòng bệnh sau tiêm. Những người có nguy cơ diễn biến nặng nếu mắc COVID-19… mới được lập kế hoạch, lên danh sách để tiêm mũi bổ sung (mũi 3).
Một chuyên gia lý giải cần cân đối khả năng cung cấp vaccine, nhóm nguy cơ để tính toán đối tượng ưu tiên khi tiêm mũi 3, tương tự xếp nhóm ưu tiên khi tiêm chủng. Việc đánh giá trước khi triển khai tiêm ngừa là cần thiết, nhằm xem xét hiệu quả vaccine, tiêm bổ sung có tác dụng thế nào… Những người tiêm vaccine đầu tiên tại Việt Nam từ tháng 3-2021, cũng đã qua 8 tháng tiêm ngừa, hiệu quả vaccine đã giảm sút cũng là nhóm sẽ được tiêm bổ sung đầu tiên.
Sở Y tế TP.HCM cũng đang đề xuất với UBND TP tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 trong tháng 11 và 12 năm nay. Theo đó, TP sẽ ưu tiên tiêm cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đồng thời, TP dự kiến 2 tháng cuối năm 2021 sẽ tiêm vét mũi 1, mũi 2 cho người trên 18 tuổi cũng như hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - cố vấn chuyên môn khoa nhiễm khuẩn - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), việc triển khai tiêm vắc xin mũi 3 là cần thiết nhưng không cần phải quá cứng nhắc, lựa chọn loại vaccine phù hợp với 2 mũi trước. Thời gian thích hợp để tiêm vaccine mũi 3 là từ 3 - 6 tháng kể từ lúc tiêm mũi 2.
"Điều quan trọng nhất là những nơi khác đã tiêm đủ mũi 1 thì lúc này TP.HCM mới thích hợp triển khai tiêm mũi 3. Và khi TP có vaccine thì cần tận dụng tiêm nhanh, không cần quá cứng nhắc phải tiêm cùng loại vaccine, vì nhiều nước trên thế giới đã tổ chức tiêm trộn" - bác sĩ Khanh nói.
Đối tượng là những người đã đủ thời gian, trong đó ưu tiên nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là người chăm sóc, điều trị người cao tuổi và người cao tuổi, mắc bệnh nền.
Đồng thời, ngành y tế cần phân tích người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn nhiễm COVID-19 và trở nặng thì đã tiêm loại vaccine nào, bao nhiêu tuổi… để tìm hiểu và ưu tiên những đối tượng tương tự.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho hay ước tính kháng thể chống COVID-19 sẽ giảm đi phân nửa sau 108 ngày. Nếu ít vaccine thì ưu tiên tiêm cho người từ 65 tuổi trở lên, nếu có nhiều thì nên tiêm mở rộng cho người trên 50 tuổi. Sau đó, nên tiêm cho những cán bộ y tế làm việc trực tiếp ở tuyến đầu...
Ông Dũng dẫn các nghiên cứu cho thấy vắc xin tăng cường (mũi 3) cùng loại vaccine đã tiêm mũi 1 và mũi 2 là tốt nhất. Nghiên cứu cho thấy có thể tiêm chéo giữa vaccine VeroCell và AstraZeneca hay VeroCell và Pfizer (nghiên cứu ở Thái Lan); giữa vắc xin Sputnik V và AstraZeneca (nghiên cứu ở Nga).
Riêng vaccine VeroCell của Sinopharm (Trung Quốc) tuy an toàn cao nhưng hiệu lực có thể hơi yếu ở người cao tuổi. Vì vậy nếu liều 1, 2 là vaccine VeroCell nên được tiêm mũi tăng cường bằng vắc xin công nghệ mới như AstraZeneca hoặc Pfizer.
(Nguồn: Phụ nữ mới)