Để tránh lây nhiễm nCoV khi sống cùng nhà với F0, cần tuân thủ nguyên tắc cách ly, thông gió và sử dụng đồ dùng cá nhân riêng.
Hiện nay, số ca nhiễm Covid-19 tại cộng đồng tăng đột biến. Những người còn lại trở thành F1, khi sống chung nhà với F0 cần có biện pháp bảo vệ để không lây nhiễm nCoV. Nhất là ở chung cư, các F1 không có điều kiện tách biệt hoàn toàn với F0, vẫn phải sống chung trong một căn hộ.
Dưới đây là những khuyến cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) để bảo vệ F1 khi sống cùng nhà với F0.
Đảm bảo nguyên tắc cách ly và thông gió
Các F0 cần phải tuân thủ tuyệt đối quy định cách ly với người thân trong tối thiểu 7 ngày. Đây là nguyên tắc đầu tiên CDC đưa ra trong bảng hướng dẫn khi sống cùng nhà với người mắc Covid-19.
Cần bố trí cho F0 có phòng ở và phòng tắm riêng để giảm thiểu tiếp xúc với người khác trong gia đình, hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m với các thành viên khác nếu không có phòng riêng.
Những thành viên trong gia đình có nguy cơ mắc bệnh cao như người lớn tuổi, hệ miễn dịch suy yếu, trẻ em không nên tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với F0.
Khi tiếp xúc gần F0, F1 và F0 cần phải đeo khẩu trang vừa vặn, đúng cách, nên đeo khẩu trang N95 và KN95 để có khả năng bảo vệ tốt nhất.
Ngoài ra, các căn hộ cần mở cửa để thông gió càng nhiều càng tốt. Riêng phòng của F0 cần phải đóng kín cửa ra vào, mở cửa sổ để giảm thiểu sự di chuyển không khí chứa virus vào phần còn lại của ngôi nhà.
Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người mắc Covid-19
Để ngăn ngừa khả năng lây lan qua vật dụng, CDC khuyến cáo người chưa nhiễm bệnh không dùng chung khăn trải giường, khăn tắm, bàn chải đánh răng, cốc, ly, dụng cụ ăn uống hoặc các thiết bị điện tử với người mắc Covid-19.
Đeo găng tay và rửa sạch đồ vật bằng nước nóng, chất tẩy rửa trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng hoặc xử lý đồ dùng của F0. Với những đồ vật không thể rửa, tiếp xúc với nước, bạn nên lau bằng cồn, chất tẩy rửa để làm sạch bề mặt.
Nếu không có khu vực vệ sinh riêng cho F0, cần khử trùng tay nắm cửa, đồ dùng nhà vệ sinh, phòng tắm sau khi F0 sử dụng, các bề mặt. Nếu người bệnh không đủ sức khỏe để tự vệ sinh, một thành viên khác trong nhà nên đeo khẩu trang, găng tay để làm sạch và khử trùng khi cần thiết; đảm bảo phòng sinh hoạt chung được thông thoáng.
Các bề mặt dùng chung thường xuyên như tay nắm cửa, tủ, công tắc đèn, bồn cầu, bồn rửa mặt, vòi tắm cũng cần được làm sạch thường xuyên.
Cách xử lý đồ vải F0 đã sử dụng: cần được giặt riêng và sấy khô ở nhiệt độ cao nhất có thể. Nếu không có máy sấy, đồ vải phải được phơi dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp nhằm vô hiệu hóa virus.
Vệ sinh cá nhân thường xuyên
Tất cả thành viên trong gia đình nên vệ sinh đường hô hấp thường xuyên như: súc họng, miệng bằng nước muối, che chắn khi ho, hắt hơi và thải bỏ khăn giấy đã qua sử dụng.
Thường xuyên rửa tay, đặc biệt trước và sau khi ăn hoặc tiếp xúc đồ vật có thể bị lây nhiễm virus. Cần rửa tay trong ít nhất 20 giây với xà bông và nước sạch hoặc chất khử trùng chứa ít nhất 60% cồn.
Các chất thải như khăn giấy, khẩu trang, găng tay đã qua sử dụng cần được bỏ vào thùng rác chuyên dụng, có nắp đậy, màu vàng (đánh dấu đây là rác thải y tế). Mang găng tay hi đổ rác để tránh tiếp xúc với virus.
Lưu ý khi chăm sóc F0
Nếu bệnh nhân Covid-19 cần người chăm sóc, nên trang bị cho bệnh nhân và bản thân đủ thực phẩm, nước uống và thuốc, vitamin, vật dụng cần thiết trong thời gian cách ly.
Người nhiễm bệnh thường cảm thấy mệt mỏi do phản ứng miễn dịch của cơ thể, chán ăn, khó nuốt do đau họng. Do đó, bạn cần đảm bảo thức ăn dinh dưỡng, được chế biến mềm, lỏng, dễ ăn. Bệnh nhân cần được uống đủ nước, bù chất lỏng do đổ mồ hôi, mất nước khi bị sốt.
Các F1 cần bổ sung dưỡng chất, ăn ngủ nghỉ khoa học, uống đủ nước. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào như ho, sốt, đau đầu, mệt mỏi, bạn nên làm xét nghiệm để biết bản thân có bị lây nhiễm virus hay không.
(Nguồn: Phụ nữ mới)