An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề rất quan trọng tác động đến sức khỏe của con người vì nó không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người sử dụng mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến nòi giống của con người. Xác định tầm quan trọng của phụ nữ trong việc lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị đã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức lớp tập huấn trang bị kiến thức về ATTP cho hội viên, phụ nữ.
Hiện ATTP đang là vấn đề gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng do trên toàn quốc trong thời gian qua có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhiều người, thậm chí có người bị tử vong. Ngộ độc thực phẩm xảy ra chủ yếu do thực phẩm sử dụng hoá chất cấm, kháng sinh cấm, thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng...
Thực hiện Kế hoạch số 77/KHBTV ngày 14/3/2024 của Ban Thường vụ (BTV) Hội LHPN tỉnh về việc triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024, trong đó có nội dung 2 “Xây dựng và nhân rộng mô hình thay đổi nếp nghĩ cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ”, BTV Hội LHPN tỉnh tổ chức 3 lớp tập huấn quản lý chất lượng thực phẩm cho cán bộ hội và thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ thực hiện mô hình sinh kế với tổng số 131 người tham gia.
Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị hướng dẫn các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm ở các cơ sở chế biến, sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; các văn bản pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm; các mối nguy cơ ảnh hưởng đến ATTP; hướng dẫn các thủ tục cần thiết để làm chứng nhận ATTP theo quy định.
Theo đó, để đảm bảo ATTP cần sự vào cuộc của toàn xã hội; nhà nước quản lý hiệu quả công tác đảm bảo ATTP; các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường vai trò tuyên truyền, vận động, giám sát; người sản xuất phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, phải là người sản xuất, kinh doanh có lương tâm; người tiêu dùng phải thông thái.
Các cơ sở sản xuất cần phải được thẩm định để được cấp giấy chứng nhận ATTP là nhằm xem xét, đánh giá điều kiện đảm bảo ATTP (cơ sở vật chất, trang thiết bị...). Cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận cho cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu đạt yêu cầu theo quy định. Giấy chứng nhận ATTP được xem là giấy thông hành để doanh nghiệp, hộ gia đình đưa sản phẩm ra thị trường.
Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; cơ sở sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; cơ sở giết mổ nhỏ lẻ... phải thực hiện ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định tại Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Các lớp tập huấn kiến thức về ATTP cho hội viên, phụ nữ cũng đặc biệt quan tâm giới thiệu về các mối nguy cơ mất an toàn thực phẩm và hướng dẫn quy trình, thủ tục xây dựng cơ sở đủ điều kiện sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm với mục tiêu là sau khi tham gia các lớp tập huấn, hội viên, phụ nữ hiểu rõ an toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Vì vậy đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản, thủy sản, đặc biệt là ghi chép truy xuất nguồn gốc cần được người sản xuất, kinh doanh chú trọng.
Các hội viên, phụ nữ tham gia tập huấn cũng được giới thiệu về điều kiện chung đảm bảo ATTP như: địa điểm, môi trường, thiết kế, bố trí khu vực sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm, kết cấu nhà xưởng, hệ thống chiếu sáng, hệ thống xử lý chất thải, rác thải, nhà vệ sinh, khu vực thay đồ bảo hộ lao động, nguyên liệu, bao bì thực phẩm, điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng tay, phòng chống côn trùng, động vật gây hại.
Các điều kiện về con người tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn là có kiến thức, có sức khỏe, thực hành tốt. Các yêu cầu đối với nguyên vật liệu, phụ gia thực phẩm, yêu cầu đối với quá trình chế biến, bảo quản; bao gói thực phẩm an toàn; ghi chép truy xuất nguồn gốc cũng được giới thiệu kỹ càng tại các lớp tập huấn.
Các trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận ATTP; hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; các vấn đề chủ thể thường mắc phải trong quá trình thẩm định, giám sát... cũng được hướng dẫn và nêu cụ thể cho các cán bộ, hội viên phụ nữ nắm rõ để sau này thực hành.
Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Rụt, huyện Đakrông Hồ Thị Hằng cho biết: Tham gia lớp tập huấn về ATTP, cán bộ, hội viên được nâng cao kiến thức để từ đó tuyên tuyền về ATTP trong các hội viên, phụ nữ địa phương. Các chủ cơ sở sản xuất là nữ được tham gia tập huấn cũng mở mang nhiều kiến thức về ATTP trong sản xuất và thực hiện các thủ tục cấp chứng nhận ATTP để đảm bảo cho sản phẩm của mình được người tiêu dùng tin cậy và lựa chọn, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thị Quế Phượng cho hay: Việc tuân thủ quy định pháp luật về ATTP là trách nhiệm và nghĩa vụ của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; là sự thừa nhận về pháp luật đối với quy trình sản xuất của cơ sở; hạn chế thực phẩm không đảm bảo an toàn được sản xuất, đưa ra thị trường.
Tổ chức các lớp tập huấn này, Hội LHPN tỉnh mong muốn các cán bộ, hội viên, phụ nữ, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa tham gia được nâng cao kiến thức về ATTP và thực hành ATTP để không chỉ làm người sản xuất có tâm mà trở thành người tiêu dùng thông thái, đảm bảo ATTP cho mọi người, mọi nhà.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)