Lối sống ít vận động và thói quen ăn uống có thể đóng vai trò trong việc gia tăng các ca ung thư.
Theo một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí học thuật Nature Reviews Clinical Oncology, người dưới 50 tuổi mắc ung thư với tỷ lệ ngày càng tăng trong những thập kỷ gần đây.
Các nhà khoa học cho biết, tỷ lệ mắc ung thư khởi phát sớm ở lứa tuổi trước 50 tuổi đã tăng mạnh trên toàn cầu, bắt đầu từ khoảng năm 1990 bao gồm: ung thư vú, đại tràng, thực quản, thận, gan và tuyến tụy.
"Chúng tôi nhận thấy các thế hệ sinh càng về sau càng có nguy cơ cao mắc ung thư sau này trong cuộc đời. Nguy cơ này đang tăng lên theo từng thế hệ", tiến sĩ, bác sĩ Shuji Ogino, nhà khoa học tại Bệnh viện Brigham (Mỹ), cho biết.
"Ví dụ, những người thuộc thế hệ 6X có nguy cơ mắc ung thư trước tuổi 50 cao hơn so với thế hệ 5X và chúng tôi dự đoán rằng nguy cơ này sẽ tiếp tục tăng trong các thế hệ kế tiếp", ông Shuji Ogino nói, theo ScitechDaily.
Các nhà khoa học lần đầu tiên kiểm tra dữ liệu về tỷ lệ mắc ung thư toàn cầu của 14 bệnh ung thư phổ biến nhất ở người dưới 50 tuổi từ năm 2000 đến năm 2012. Sau đó, họ xem xét đánh giá những yếu tố có thể góp phần làm gia tăng tỷ lệ ung thư ở người dưới 50 tuổi. Kết quả cho thấy, những thay đổi đáng kể trong lối sống đã trùng hợp với sự gia tăng đột biến trong các trường hợp ung thư ở người dưới 50 tuổi.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một số yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được sớm trong cuộc sống - như những gì mọi người ăn, việc tập thể dục và duy trì cân nặng hợp lý... đều có thể đóng vai trò trong nguy cơ ung thư. Các yếu tố nguy cơ có thể có bao gồm uống rượu, thiếu ngủ, hút thuốc, béo phì và ăn thực phẩm chế biến kỹ.
Ngoài ra còn một nguyên nhân khác đó là hệ vi sinh vật đường ruột đã thay đổi theo thời gian theo chiều hướng thúc đẩy sự phát triển của khối u. Việc ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, uống nhiều rượu và đồ uống có đường, lười vận động, béo phì và bệnh tiểu đường - đều gia tăng đáng kể, nhóm nghiên cứu chỉ ra.
Tiến sĩ Ugai nói: Thực phẩm mọi người ăn sẽ nuôi sống hệ vi sinh vật đường ruột. Chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến thành phần hệ vi sinh vật và cuối cùng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ và phát triển bệnh ung thư.
(Nguồn: Phụ nữ mới)