Theo bác sĩ, không phải tất cả người mắc ung thư phổi đều có tiên lượng xấu. Nếu phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác giai đoạn và điều trị kịp thời, tỷ lệ sống sót lên đến 85%.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Vũ Xuân Huy, Phó trưởng khoa Xạ tổng hợp Tân Triều, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết bệnh ung thư phổi bao gồm 2 nguyên nhân là di truyền (chiếm 20%) và yếu tố mắc phải (chiếm 80%). Trong đó, yếu tố mắc phải phổ biến nhất là hút thuốc lá khoảng.
Phân tích về lý do hút thuốc lá lại gây ra ung thư phổi, bác sĩ Huy cho hay thuốc lá chứa chất hydrocarbon thơm, đặc biệt là 3-4 benzopyrene. Đây là loại carbon thơm nhiều vòng gây ung thư.
"Nhiều người hay lầm tưởng nicotine trong thuốc lá gây ung thư nhưng trên thực tế, đây chỉ là chất gây nghiện", bác sĩ Huy thông tin.
Theo thống kê, 90% ung thư phổi ở nam giới là do hút thuốc lá trong khi 50-80% bệnh này xảy ra ở nữ giới liên quan đến hút thuốc lá thụ động hoặc chủ động.Ngoài ra, theo bác sĩ Huy, thuốc lá còn gây ra nhiều bệnh ung thư khác như ung thư hạ họng, thanh quản và ung thư vòm chiếm 75%; ung thư bàng quang chiếm 5%.
Bên cạnh hút thuốc lá, các yếu tố khác có nguy cơ gây ra ung thư phổi gồm môi trường, khí hậu, sống và làm việc trong các khu công nghiệp hay tiếp xúc các chất cơ bản như thạch tín, niken, crom, bụi amiang, bụi công nghiệp…
Đối với nguyên nhân di truyền, bác sĩ Huy chỉ ra người mang gene P53 có nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư phổi.
TS.BS Đỗ Hùng Kiên, Bệnh viện K, cho biết thêm bệnh ung thư phổi thường được phát hiện ở giai đoạn muộn vì các triệu chứng của nó thường dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác như viêm phổi hay viêm hô hấp. Dấu hiệu của ung thư phổi và bệnh Covid-19 cũng tương tự nhau.
"Nhiều người cho rằng tiên lượng của ung thư phổi luôn là tiên lượng xấu. Tuy nhiên, tiên lượng còn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và năng lực chẩn đoán bệnh của bác sĩ", bác sĩ Kiên cho biết.
Ung thư phổi có 2 loại gồm ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Bệnh chia làm 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn khác nhau sẽ có phương pháp chẩn đoán theo sinh học phân tử hay giải phẫu riêng và cách điều trị cũng khác nhau.
Chính vì vậy, bác sĩ Kiên cho hay nếu phát hiện ung thư phổi sớm, chẩn đoán đúng giai đoạn và điều trị kịp thời, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân có thể lên đến 85%. Cụ thể, tỷ lệ sống sót của ung thư phổi giai đoạn 1 là 75-85%, giai đoạn 2 là 56-65%, giai đoạn 3 là 15-40% và dưới 10% đối với giai đoạn 4.
(Nguồn: Tạp chí tri thức trực tuyến)