Theo The Sun, kết quả từ nghiên cứu mới của các nhà khoa học Bahraini kết hợp cùng chuyên gia tại Đại học Columbia ở New York, cho rằng AstraZeneca có hiệu quả giảm nguy cơ nhập viện cao nhất khi so sánh với một số loại vaccine phòng COVID-19 khác.
Theo đó, trong số những người đã tiêm vaccine AstraZeneca thì chỉ có 1,52% phải nhập viện và 0,03% tử vong do COVID-19.
Trong khi đó, với nhóm đã tiêm Pfizer thì tỷ lệ nhập viện là 1,99% và tỷ lệ tử vong là 0,15%.
Tỷ lệ nhập viện ở số người đã tiêm vaccine Sputnik là 2,24%, còn ở Sinopharm là 6,94%.
Ở những người chưa được tiêm vaccine, tử lệ tử vong khoảng 1,32% và tỷ lệ phải nhập viện 13,22%.
Theo các tác giả nghiên cứu, tất cả 4 loại vaccine đều giúp giảm nguy cơ nhiễm virus corona, khả năng phải nhập viện, điều trị tích cực và tử vong khi so sánh với những người không tiêm vaccine.
Kết quả nghiên cứu này có nhiều điểm tương đồng với một thống kê gần đây tại Hungary.
Theo Hungary Today, dữ liệu mới về tác dụng của các loại vaccine phòng COVID-19 tại nước này, bao gồm AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik và Janssen cho thấy tỷ lệ nhiễm bệnh sau 21 ngày tiêm mũi thứ 2 của từng loại vaccine là: AstraZeneca: 0,008 %, Moderna: 0,042%, Sputnik: 0,052%, Pfizer: 0,086%, Sinopharm 0,182%
Janssen là loại chỉ cần tiêm một liều thì có 0,006% số người đã tiêm nhiễm bệnh sau 21 ngày tiêm.
Theo trang báo Hungary, khó so sánh các loại vaccine riêng lẻ vì mỗi loại được sử dụng với số lượng khác nhau và với những nhóm tuổi cũng như tình trạng sức khỏe khác nhau. Chẳng hạn, với vaccine Jansen chỉ 17% những người đã được tiêm là trên 60 tuổi. Con số này lần lượt ở Pfizer: 37%; Moderna: 39%; Sinopharm: 55%, Sputnik: 29%, AstraZeneca: 30%.
Tuy nhiên, các dữ liệu đều cho thấy hiệu quả phòng nhiễm bệnh và giảm tử vong rõ rệt của việc tiêm vắc xin, đặc biệt là sau mũi thứ 2. Nhìn bảng thống kê dưới đây của Hungary có thể thấy, cứ một triệu người đã tiêm hai mũi vắc xin thì chỉ 30 người tử vong do COVID-19.
Ít nhất 3 tuần sau tiêm mũi đầu tiên | Ít nhất 3 tuần sau tiêm mũi thứ 2 |
0,2% số người đã tiêm nhiễm bệnh | 0,086% nhiễm bệnh |
0,05% phải nhập viện | 0,013% phải nhập viện |
0,012% tử vong | 0,003 tử vong |
Theo Reuters, ngày 9/9, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đã bổ sung hội chứng Guillain-Barré vào danh sách các tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm của châu Âu cho biết hội chứng Guillain-Barré và vaccine AstraZeneca có mối quan hệ nhân quả, được gọi là Vaxzevria. Cơ quan này đánh giá có “ít nhất một khả năng có thể xảy ra”.
Kết luận này được đưa ra sau khi EMA phân tích 833 trường hợp mắc hội chứng Guillain-Barré được báo cáo trong số 529 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm trên toàn thế giới, tính đến ngày 31/7.
Cơ quan này cũng phân loại tác dụng phụ trên là “rất hiếm”, tần suất gặp phải thấp nhất trong số các tác dụng phụ có thể gặp phải sau tiêm vaccine AstraZeneca. EMA nhấn mạnh lợi ích của việc tiêm chủng vẫn lớn hơn nhiều lần tác dụng phụ mà nó có thể xảy ra.
(Nguồn: Phụ nữ mới)