Để đón đầu khả năng biến chủng Omicron xuất hiện, đại diện WHO đề xuất Việt Nam nên thực hiện 4 nhóm giải pháp chính.
Trao đổi với Zing, tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, đề xuất Việt Nam nên thực hiện 4 nhóm giải pháp chính để chuẩn bị đối phó biến chủng mới. Đó là tăng cường giám sát và giải trình tự gene các ca bệnh, tiếp tục tuân thủ 5K và nâng cao độ bao phủ vaccine, củng cố hệ thống y tế, bảo đảm công tác truyền thông xuyên suốt.
Đại diện WHO đề xuất trước mắt Việt Nam cần tăng cường giám sát, bao gồm giải trình tự gene của các chủng SARS-CoV-2 đang lưu hành, gửi trình tự bộ gene đầy đủ cùng siêu dữ liệu liên quan đến cơ sở dữ liệu có sẵn công khai, như tổ chức Sáng kiến chia sẻ toàn bộ dữ liệu về cúm mùa (GISAID).
Ông nhận định việc đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao ở tất cả nhóm dân số đủ điều kiện tiêm chủng, kết hợp thực hiện các biện pháp 5K, là biện pháp hiệu quả nhất để cứu sống nhiều người trong đại dịch.
Theo ông, ở tất cả quốc gia, các trường hợp mắc và tử vong chủ yếu xảy ra ở những người chưa được tiêm chủng. Cho nên dù đối mặt với biến chủng nào, dựa trên lời khuyên từ Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE), WHO khuyến cáo những người có hệ miễn dịch bị suy giảm từ trung bình đến nặng nên được tiêm bổ sung một mũi vaccine ngừa Covid-19. Đây là những đối tượng ít có khả năng đáp ứng miễn dịch đầy đủ với liều vaccine chính cơ bản.
Ông Park khuyến nghị Việt Nam nên tiếp tục tăng cường năng lực y tế và sức khỏe cộng đồng, cùng với phối hợp tốt hệ thống chuyển tuyến bệnh nhân từ chăm sóc ban đầu đến chăm sóc đặc biệt, để quản lý sự gia tăng các ca bệnh.
Công tác truyền thông với công chúng cần chính xác, kịp thời, và minh bạch để người dân đưa ra quyết định sáng suốt nhằm bảo vệ bản thân và gia đình.
“WHO sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ Việt Nam để lập kế hoạch và chuyển đổi, hướng tới việc Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, đồng thời học cách 'chung sống an toàn với virus' về lâu dài, ngay cả khi chúng ta chứng kiến những đợt bùng phát dịch mới trong tương lai”, ông Park chia sẻ.
Ông Park chỉ ra 6 khía cạnh cần lưu ý ở biến chủng mới này:
Trước hết, về khả năng lây lan, vẫn chưa rõ rằng liệu biến chủng Omicron có dễ lây lan hơn so với Delta - biến chủng chiếm ưu thế hiện nay - hay không.
Về mức độ nghiêm trọng của bệnh, hiện vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn nhiễm Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với nhiễm với các biến chủng khác, bao gồm Delta, hay không.
Về nguy cơ tái nhiễm, bằng chứng sơ bộ cho thấy Omicron có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm, tức những người đã từng mắc Covid-19 có thể bị tái nhiễm dễ dàng hơn với Omicron, so với các biến chủng đáng lo ngại khác. Nhưng thông tin về khía cạnh này vẫn còn hạn chế.
Hiện WHO đang làm việc với các đối tác kỹ thuật để hiểu tác động tiềm tàng của biến chủng Omicron đối với vaccine.
Đại diện WHO cho biết các xét nghiệm PCR được sử dụng rộng rãi sẽ tiếp tục phát hiện các ca mắc, bao gồm cả với trường hợp nhiễm Omicron. Quá trình nghiên cứu để xác định xem liệu biến chủng có bất kỳ ảnh hưởng nào đến các loại xét nghiệm khác, bao gồm xét nghiệm kháng nguyên nhanh, hay không.
Về các phương pháp điều trị hiện tại, Corticosteroid và thuốc ức chế thụ thể IL6 vẫn có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân bị Covid-19 nặng.
Theo đại diện WHO, các biện pháp kiểm soát biên giới có thể trì hoãn quá trình virus xâm nhập và câu giờ, nhưng mọi quốc gia và cộng đồng phải chuẩn bị cho những đợt tăng ca mắc Covid-19 mới. “Các lệnh cấm đi lại sẽ không ngăn được sự lây lan toàn cầu của biến chủng Omicron. Chúng tạo ra gánh nặng cho cuộc sống và sinh kế”, ông Park nhận định.
“Dựa trên thông tin hiện tại, không có bằng chứng cho thấy biến chủng Omicron có thời gian ủ bệnh lâu hơn so với các trường hợp nhiễm chủng khác, bao gồm cả Delta”, ông nói thêm.
(Nguồn: Phụ nữ mới)