Bậc cao tăng đi xa, niềm thức tỉnh ở lại

Lê Đức Dục |

Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa từ trần vào tuần trước (21/10/2021) đã khiến hàng triệu người trong và ngoài nước xúc động kính tiếc.

Một bậc cao tăng ra đi sau 105 năm trụ thế là điều rất hiếm. Lại càng hiếm hơn khi Ngài đã có chiều dài gần một thế kỷ gắn bó tu tập với ngôi chùa làng ở Phú Xuyên - ngoại thành Hà Nội. Và dù được suy tôn giữ ngôi vị Pháp chủ của một tôn giáo nhưng suốt đời sống trong thanh bần giản dị là điều càng cực kỳ hiếm. Nhưng mọi người tưởng tiếc Đức Pháp chủ không chỉ vì những điều đặc biệt đó. Có những con người mà sự ra đi của họ luôn tạo nên những niềm thức tỉnh soi chiếu cho hiện tại lẫn tương lai.
Đến viếng Đại lão hòa thượng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng ghi vào sổ tang: “Cuộc đời của hòa thượng là minh chứng sinh động cho những giá trị văn hóa, đạo đức của Phật giáo trong đời sống xã hội”. Chính cuộc đời tu hành và đạo hạnh của hòa thượng là hiện thân, là kết tinh những giá trị của một bậc chân tu mà không dễ có được trong từng thế kỷ.

 

Những năm qua, nhiều hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến chúng ta không khỏi đau lòng khi núi đồi được san bạt để dựng nên những chùa chiền nguy nga thì sự ra đi của một bậc chân tu trọn đời gắn bó với ngôi chùa làng sẽ là một sự cảnh tỉnh cho những chốn thiền môn được cố công làm cho lộng lẫy.

Một bậc chân tu dùng chính cuộc đời tu tập và hành đạo của mình để đạt đến cảnh giới của Đạo Phật. Nhiều người vẫn nhắc rằng khi hòa thượng vào tuổi 80, tìm đến chùa Ráng thăm hòa thượng, người dân thường chỉ ra cánh đồng làng, ở đó hòa thượng cùng các đệ tử đang cày sâu cuốc bẫm để làm ra hạt thóc bát cơm nuôi mình chứ không đợi cúng dường từ các phật tử.

Mà đâu chỉ ra đồng cày ruộng nuôi mình, còn hàng trăm cuốn kinh sách cổ xưa được hòa thượng chạy đua với thời gian để dịch nghĩa, in ấn giữ gìn di sản tinh thần vô giá. Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ, hòa thượng đã tâm sự rất chân thành rằng:

“Dân cũng toàn người nghèo, ai cũng phải bươn chải để kiếm sống, làm gì có tiền hay lương thực đem đến cúng chùa. Chúng tôi tự cày cấy làm ăn, đồng thời tham gia các công việc xã hội, việc làng nước. Tôi trực tiếp tham gia giảng dạy các lớp bình dân học vụ, rồi hộ đê, cứu đê, chống lũ lụt. Việc gì tốt thì làm. Năm 1969, vùng này bị vỡ đê, nước ngập chùa, kinh sách ướt hết. Canh cánh nỗi lo mất mát, hư hỏng tài liệu, kinh sách của chư Tổ, nhất là những thư tịch độc bản, tôi chạy đua với thời gian, tìm mọi cách để giữ gìn cơ nghiệp của tiền nhân. Ngày ra đồng làm lụng tự nuôi thân, đêm miệt mài nghiên cứu kinh Phật theo nếp của Tổ xưa. Trải qua nhiều thăng trầm thế sự, tôi cùng các đệ tử phải bền bỉ xây dựng dần lại chùa qua hàng chục năm mới được như ngày nay. Nhờ chư Phật, chư Tổ gia hộ, nhờ Thầy tin tưởng ủy thác, nhờ ký tính huân tập từ nhiều đời mà tôi tạm hoàn thành công nghiệp dịch các bộ kinh Phật”.

Nhìn vào cách sống, cách xử thế và công lao của một bậc chân tu như thế, làm sao không thể không soi chiếu vào những buồn vui của Đạo và Đời vẫn diễn ra nơi này, nơi kia trong khi trong quan niệm của hòa thượng thì “Chùa to cảnh lớn dù sao cũng chỉ là phương tiện, nên không quan trọng trong việc quyết định thành tựu của người tu”. Được suy tôn lên ngôi Pháp chủ, nhưng hòa thượng lại nói rất thật lòng: “Miễn cưỡng ngồi lên ngôi cao, đó không phải là phước mà là cái họa cho chúng tôi. Xin các vị đừng gọi tôi là Pháp chủ mà hãy cứ nhìn tôi như một lão tăng thanh bần sống trong ngôi chùa làng là tôi mãn nguyện”.

Có thể kể ra rất nhiều câu nói để đời của Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ như thế. Nhưng điều đặc biệt nhất là tất cả những gì hòa thượng nói ra đều đã được minh chứng từ chính cuộc đời dài hơn thế kỷ của Ngài. Bởi thế khi hòa thượng viên tịch, hòa thượng để lại cho Phật giáo Việt Nam một khoảng trống khó ai bù đắp được.

Người ta hay nói Phật tại tâm. Nhưng thật ra Phật ở rất xa. Và vì xa quá nên Phật chọn những hóa thân gần gũi để ký thác. Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ cũng là một hóa thân gần gụi như thế cho chúng sanh chiêm bái và ngẫm suy, không chỉ về Đạo mà cả về Đời!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ

Cảnh Thu |

Ngày 24/10/2021, tại Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức trang nghiêm lễ tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự lễ tưởng niệm.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh viếng Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ

PV |

Ngày 22/10, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã đến viếng Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ tại chùa Ráng, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội. 

Đức Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ viên tịch

PV |

Thông tin từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đức Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã viên tịch vào hồi 3h22' ngày 21/10 (tức ngày 16/9 âm lịch) tại Tổ đình Viên Minh xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Tăng ni, phật tử Quảng Trị tiếp tục ủng hộ lương thực, thực phẩm giúp đồng bào miền Nam

Anh Vũ |

Tiếp tục thực hiện chương trình ủng hộ đồng bào miền Nam phòng, chống COVID-19, hôm nay 6/9/2021, tại Chùa Cam Lộ, chuyến hàng thứ 3 do tăng ni, phật tử tỉnh Quảng Trị quyên góp được chuyển đến Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.