Bạo lực tinh thần học đường: Nhận biết sớm để hóa giải xung đột

Minh Thảo |

Nói đến bạo lực học đường, người ta thường chú ý đến bạo lực về mặt thể xác. Tuy nhiên trên thực tế, trong các hình thức bạo lực học đường, bạo lực tinh thần là hình thức phổ biến nhất với các biểu hiện như học sinh bị gọi bằng biệt hiệu, bị lấy làm trò đùa, bị trêu chọc hay nói xấu sau lưng... Bạo lực học đường dưới dạng tinh thần rất khó nhận biết nhưng để lại nhiều hệ lụy khó lường. Việc nhận biết sớm về hình thức bạo lực này để hóa giải xung đột, trả lại môi trường giáo dục lành mạnh cho học sinh là điều cần thiết.


Tại Việt Nam, tình trạng bạo lực học đường đang rất phổ biến và diễn biến ngày càng phức tạp. Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ án mạng liên quan đến bạo lực học đường. Nhiều vụ do mâu thuẫn tích tụ từ trước nhưng lại không được hóa giải kịp thời, trong đó có những vụ bị bạo lực tinh thần trước rồi mới dẫn đến bạo lực thể xác. Ngoài việc bôi xấu bạn bè trực tiếp, nhiều học sinh còn sử dụng mạng xã hội để bóc phốt bạn bè. Vì thế, tốc độ lan truyền nhanh hơn, mâu thuẫn vì thế cũng trở nên gay gắt hơn.

Mới đây, câu chuyện về bạo lực tinh thần học đường đã được một phụ huynh chia sẻ trong nhóm các phụ huynh có con học THCS. Phụ huynh này có con học năm cuối cấp THCS, khi năm học mới chỉ bắt đầu được vài tuần, con gái về nhà cứ nằng nặc xin mẹ được chuyển trường. Lời đề nghị này như “sét đánh ngang tai” người mẹ, bởi lẽ con chị đang học trong một ngôi trường có môi trường giáo dục rất tốt ở trung tâm thành phố.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lớp này còn được xem là “lớp chọn” của trường khi toàn bộ học sinh đều có học lực giỏi trở lên, đều là con của cán bộ, viên chức nhà nước. Phản ứng đầu tiên của phụ huynh này là không chấp nhận lời đề nghị của con và cũng không cần hỏi lý do tại sao vì trong thâm tâm, chị nghĩ rằng có thể con mình bị bạn bè rủ rê.

Một thời gian sau, con chị trầm tính hẳn, có những lúc đi học về còn bỏ ăn. Sự việc diễn ra thường xuyên khiến phụ huynh bắt đầu quan tâm và tìm hiểu nguyên nhân. Động viên mãi con chị mới thú nhận mỗi lần đến lớp thường xuyên bị một nhóm bạn trêu chọc. Những cụm từ “con không dám rời bàn đi vệ sinh”, “không dám quay ra đằng sau”, “không dám phát biểu khi thầy cô giáo hỏi”… cũng đủ để phụ huynh hiểu về áp lực mà con phải gánh chịu.

Nguyên nhân của vụ việc rất đơn giản, chỉ vì đưa ra những quan điểm trái chiều về sở thích, thần tượng với một bạn gái khác trong nhóm mà giữa hai bạn nảy sinh mâu thuẫn. Chuyện ban đầu chỉ có hai người biết, sau lan ra trong nhóm, trong lớp rồi sang cả lớp học bên cạnh.

Điều đáng nói là sự việc diễn ra từ năm lớp 8 nhưng con cố chịu đựng, không muốn nói với gia đình và giáo viên vì sợ bị “trả thù”. Thậm chí, khi quyết định kể cho mẹ nghe, con gái chị vẫn chọn phương án chuyển trường vì nếu các bạn biết sẽ không để mình yên.

Nhận thấy sự việc nghiêm trọng, phụ huynh đã trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để tìm phương án giải quyết. Vì sự việc diễn ra khá lâu nên để giải quyết cũng không hề dễ. Bởi lẽ đối với nhóm bạn đó, việc trêu chọc bạn mình đã trở thành một “thói quen”. Các em không ý thức được đây là một hình thức bạo lực tinh thần mà chỉ nghĩ rằng đó chỉ là một trò đùa của tuổi học trò.

Nhìn thấy bạn sợ hãi, không dám lên tiếng, với các em điều đó chứng minh được sức mạnh của bản thân nên dù được nhắc nhở, cả nhóm vẫn cứ tiếp tục. Bằng kinh nghiệm và sự kiên trì của mình, giáo viên chủ nhiệm đã chia nhỏ các bạn trong nhóm ra gặp gỡ, giải thích, đồng thời “cảnh báo” rằng nếu không chấm dứt việc trêu chọc bạn, nhà trường sẽ phải mời phụ huynh lên làm việc.

Cùng với đó, giáo viên nhờ một nhóm bạn khác trong lớp quan tâm đến học sinh bị bạn trêu chọc như trò chuyện, tâm sự giúp bạn cảm thấy tự tin hơn khi đến lớp. May mắn là một thời gian sau, mọi chuyện được giải quyết êm đẹp. Giáo viên chủ nhiệm đã cảm ơn gia đình vì kịp thời thông tin, cùng phối hợp với giáo viên để giải quyết vụ việc thay vì làm cho câu chuyện trở nên căng thẳng hơn. Giáo viên chủ nhiệm cũng chia sẻ thêm rằng, nếu bạo lực về thể xác là hành vi dễ nhận thấy thì bạo lực tinh thần ở học đường rất khó phát hiện vì người trong cuộc thường không nói ra sự việc. Vì vậy, việc khuyến khích học sinh (không kể đó là “nạn nhân”) lên tiếng là điều rất cần thiết.

Theo các nhà tâm lý học, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc bạo lực học đường do ở lứa tuổi này học sinh có sự thay đổi về chất, dẫn đến thay đổi về tâm lý. Nhiều em thích thể hiện sức mạnh bản thân, đồng thời có nhu cầu muốn người khác thừa nhận mình. Các em thích làm những điều mình nghĩ mà không quan tâm đến hậu quả và những người xung quanh. Để hạn chế bạo lực học đường ở học sinh, học sinh cần phải trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để khi bị bạn bè bắt nạt, trêu ghẹo có thể xử lý linh hoạt.

Về phía gia đình, thường xuyên giáo dục con, chia sẻ cho con những tình huống bạo lực trong học đường có thể xảy ra và có giải pháp khắc phục. Nhà trường cần tổ chức nhiều buổi chia sẻ, giao lưu với các em học sinh; thực hiện các dự án chống bắt nạt và bạo lực học đường thông qua các buổi diễn tập, giải quyết tình huống vì nhiều học sinh không biết hành vi mình gây ra cho bạn thể hiện qua lời nói, cử chỉ… là một hình thức bạo lực mà chỉ nghĩ việc đánh đập mới được coi là bạo lực học đường.

Hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”. Mô hình này lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO, được triển khai thí điểm vào năm 2018 ở Huế. Có ba tiêu chí quan trọng để xây dựng một trường học hạnh phúc, đó là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trong môi trường đó, học sinh và giáo viên đều cảm nhận được sự thoải mái, vui vẻ, thầy có động lực dạy, trò có tinh thần học tập.

Quan trọng hơn, học sinh phải luôn cảm nhận được sự an toàn mỗi ngày đến trường. Vì thế, bạo lực học đường phải được giải quyết một cách triệt để, trong đó việc hóa giải sớm mâu thuẫn giữa các học sinh trước khi mâu thuẫn đó đẩy lên đỉnh điểm là rất cần thiết. Điều này cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường, học sinh và toàn xã hội.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đông Hà: Chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường

Hải Phi |

UBND TP. Đông Hà (Quảng Trị) vừa có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn thành phố.

Tước danh hiệu CAND đối với 3 cán bộ bạo lực với 2 thiếu niên

PV |

Ban Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng đã họp và quyết định: Tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 3 cán bộ; kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó đội trưởng xuống làm cán bộ đối với đại úy Hứa Trường An; kỷ luật cảnh cáo đại úy Trần Minh Đời.

"Một người đàn ông, tôi cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình”

Thanh Mai |

Thực tế, cũng như phụ nữ từ lâu đấu tranh để được tin tưởng khi họ báo cáo bị lạm dụng, nam giới cũng đang phải chống lại hàng loạt định kiến.

Gần 340 giáo viên tham gia tập huấn phòng, chống bạo lực học đường

Tú Linh |

Ngày 25/4, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị Phan Hữu Huyện cho biết, thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành năm 2022, sở tổ chức các lớp tập huấn phòng, chống bạo lực học đường trong trường học cho giáo viên.