Có những người thích ngồi cào bàn phím và chia sẻ những tin xấu, tin ác, tin tiêu cực. Ai làm gì họ cũng chửi, và chửi không có căn cứ, chỉ tung tin bịa đặt.
Báo Lao Động ngày 23.10.2020 có bài "Quảng Trị: Lương khô quân đội đã về đến đâu mà cán bộ chia nhau".
Bởi vì hai hôm nay, trên nhiều kênh khác nhau, nhiều người đưa tin cán bộ tỉnh Quảng Trị chia nhau ăn lương khô cứu trợ vì lương khô ngon.
Gieo tiếng ác như vậy, nhưng lãnh đạo địa phương đã lên tiếng là đến nay lương khô chưa về đến Quảng Trị. Trước đó, Bộ Quốc phòng cam kết, sẽ hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị hàng cứu trợ trị giá 850 triệu đồng gồm xúc xích, lương khô…
Người ta nói đến việc cán bộ của các cơ quan nhà nước ăn chặn, ăn bớt tiền và hàng hóa cứu trợ, nhưng cuộc sống có người tốt người xấu. Cũng có nhiều cán bộ lăn xả cứu dân, lo cho dân, như ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, hy sinh khi đi cứu hộ.
Nhiều cán bộ ở các điểm lụt nóng nhất sẵn sàng đón các đoàn cứu trợ, họ không muốn nhận quà, nhận tiền để đi phân phát, họ chỉ muốn được hướng dẫn, giúp các đoàn cứu trợ đưa quà đến nơi người dân thực sự cần, và đặc biệt là đi lại an toàn. Họ chỉ mong được đóng góp như thế.
"Quan tham", "dân gian", và trong đời sống xã hội còn tồn tại những người tham và gian, nhưng đa số người dân vẫn tốt. hãy nhìn hàng vạn cánh tay đưa lên hướng về miền Trung, sẽ thấy dân mình tốt thế nào.
Và trong hàng đoàn xe chở hàng hóa, hàng nhiều tỉ đồng gửi về miền Trung, trong đó do dân đóng góp, nhưng trong dân đóng góp đó cũng có nhiều người là cán bộ, là công chức tham gia.
Có người đưa tin: "Quảng Bình: Đoàn cứu trợ ra khỏi nhà dân, chính quyền đến thu lại tiền hỗ trợ". Người đọc rất để bị đánh lừa tưởng như chuyện đang xảy ra, nhưng đây là tin trên báo Người Lao Động từ năm 2016.
Có kênh đưa tin, mẹ của chiến sĩ hy sinh ở Đoàn kinh tế quốc phòng ở Quảng Trị không có được 100.000 đồng để vào tiễn đưa con. Nghe xót xa, bi thảm, nhưng thực tế thì quân đội, chính quyền, người dân hỗ trợ người thân của các chiến sĩ hy sinh rất chu đáo, không đến nỗi bỏ họ cô đơn, bất lực không thể đi "tiễn" con mình vì nghèo.
Bi kịch hóa thân phận của một bà mẹ chiến sĩ để mua nước mắt bạn đọc, nhưng không đúng với thực tế. Bởi vì xã hội của chúng ta đâu phải như vậy, truyền thống đùm bọc, giúp đỡ nhau vẫn chưa hề mai một.
Nếu có trường hợp nào ăn chặn, ăn bớt tiền và hàng cứu trợ, hãy lôi ra ánh sáng, lên án, phê phán, thậm chí khởi tố vụ án nếu đủ căn cứ. Tuy nhiên, thông tin phải chính xác, không phải là tin bịa đặt.
Lúc này, chúng ta cần nhiều lời nói sẻ chia, cảm thông để vơi đi bớt những nhọc nhằn và đau khổ.
(Nguồn: Báo Lao Động)