Bảo vệ gia đình trước nguy cơ “tấn công” của tệ nạn xã hội

Thanh Lê |

Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều tệ nạn xã hội đang có nguy cơ “tấn công” vào các gia đình, ảnh hưởng đến đời sống cũng như quá trình hình thành nhân cách của các thành viên gia đình. Để phòng, chống tệ nạn xã hội xâm nhập, ý thức trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đóng vai trò rất quan trọng.

Ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Đức Hiền và bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, thôn Bích Giang, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) luôn rộn ràng tiếng cười vui, hạnh phúc. Sống trong một gia đình 4 thế hệ với 10 thành viên, ông Hiền và bà Tuyết luôn mẫu mực, làm gương sáng để các con, cháu noi theo, đồng thời gần gũi, chia sẻ, động viên giáo dục con, cháu chăm ngoan, lễ phép, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Một hội thi dành cho các gia đình được tổ chức tại huyện Triệu Phong nhân Ngày Gia đình Việt Nam - Ảnh: T.L
Một hội thi dành cho các gia đình được tổ chức tại huyện Triệu Phong nhân Ngày Gia đình Việt Nam - Ảnh: T.L

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hiền cho biết: “Là trụ cột trong gia đình, tôi luôn dạy dỗ các con biết yêu thương, chia sẻ, trân trọng tình cảm gia đình. Để gìn giữ cho gia đình hòa thuận, vui vẻ, ấm êm, vợ chồng tôi thường khuyên con, cháu ngồi lại với nhau mỗi khi gặp mâu thuẫn, cùng chia sẻ để tìm ra tiếng nói chung, từ đó có hướng giải quyết phù hợp. Xã hội ngày càng phát triển và có rất nhiều cám dỗ đối với các thành viên trong gia đình, điều cốt yếu mà tôi giáo dục các con, cháu đó là phải sống nhân nghĩa, không làm những điều trái ngược với thuần phong, mỹ tục, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật để chung tay xây dựng gia đình không phạm tội, tệ nạn xã hội. Được sinh ra và nuôi dạy trong môi trường tốt nên cả 3 con tôi đều có học hành đến nơi đến chốn, tìm được việc làm phù hợp. Các cháu chăm ngoan, học giỏi, vâng lời ông bà, cha mẹ”.

Trong mỗi gia đình, yếu tố tạo nên sự bền vững đó chính là sự gắn kết về huyết thống, tình cảm, trách nhiệm giữa các thành viên. Sự gắn kết ấy càng bền chặt sẽ tạo nên tình yêu thương, sự đồng cảm, thấu hiểu giữa các thành viên. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển chung của xã hội hiện nay, dưới tác động của yếu tố khách quan và chủ quan đôi khi làm cho sự gắn kết gia đình trở nên lỏng lẻo, hình thành nên khoảng cách giữa các thành viên.

Đây chính là cơ hội cho các tệ nạn xã hội có nguy cơ xâm nhập, len lỏi vào các gia đình, ảnh hưởng tới không khí đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc vốn có dưới mỗi mái nhà. Do đó, chủ gia đình gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ thành viên của mình trước các tệ nạn xã hội, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự xã hội.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Hồ Thị Ẩn, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong cho biết: “Sống tại địa phương tiếp giáp với thị xã Quảng Trị và thị trấn Ái Tử, chúng tôi luôn ý thức được nguy cơ “tấn công” của tệ nạn xã hội, ma túy vào gia đình. Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống ma túy, các hội, đoàn thể, đặc biệt là hội phụ nữ đã xây dựng nhiều mô hình hay, hiệu quả để tích cực truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng, chống ma túy, các tệ nạn xã hội. Đó là những kiến thức quý báu để các hội viên giáo dục con em tránh xa tệ nạn xã hội, ma túy, bảo vệ gia đình.

Thực tế cho thấy, những gia đình quan tâm đến con cháu,  thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục con em nhận biết và tránh xa các tệ nạn xã hội, ma túy…thì gia đình đó hạnh phúc ấm êm, con cháu biết tu chí học hành, đạt thành tích cao trong học tập, chăm ngoan, lễ phép. Và ngược lại, nếu các bậc ông bà, cha mẹ buông lỏng quản lý, giáo dục đối với con, cháu, mặc cho chúng tự lớn thì các gia đình ấy rất dễ bị các tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy xâm nhập”.

 Để bảo vệ gia đình trước nguy cơ xâm nhập của tệ nạn xã hội, thời gian qua, công tác gia đình luôn được tỉnh quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc được đẩy mạnh. Phong trào “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” tiếp tục phát triển và nhân rộng. Tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em vướng vào các tệ nạn xã hội từng bước được kiểm soát; các địa phương đã phát hiện, hòa giải kịp thời các mâu thuẫn, xung đột giữa các cặp vợ chồng, góp phần hạn chế tình trạng ly thân, ly hôn; những tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi.

Cùng với đó, việc thành lập và tổ chức hoạt động câu lạc bộ (CLB), nhóm, mô hình về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được quan tâm. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 25 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 19 mô hình hoạt động độc lập; 99 CLB gia đình phát triển bền vững; 262 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 469 địa chỉ tin cậy cộng đồng; 276 đường dây nóng và hầu hết các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đều có các tổ hòa giải. Một số mô hình được thành lập xuất phát từ thực tiễn, có nội dung phù hợp gắn với nhiệm vụ của các hội, đoàn thể trong thực hiện các cuộc vận động nên đã phát huy được hiệu quả.

Việc thành lập và duy trì hoạt động của các mô hình, CLB về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đã góp phần tuyên truyền về giá trị của gia đình, các chuẩn mực trong ứng xử giữa các thành viên trong gia đình; tuyên truyền về đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về gia đình, góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, để phòng, chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, các thành viên trong mỗi gia đình cần quan tâm chăm sóc lẫn nhau, sớm phát hiện ra những biểu hiện, triệu chứng bất thường trong tâm lý, hành vi liên quan tới tệ nạn xã hội để kịp thời ngăn chặn. Việc phát triển kinh tế trong mỗi gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng, bởi khi có kinh tế ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của các thành viên trong gia đình được nâng cao, ai cũng có việc làm phù hợp, từ đó sẽ hạn chế việc các thành viên mắc tệ nạn xã hội.

Các thành viên trong gia đình, nhất là bậc cha mẹ phải gương mẫu, có quỹ thời gian nhất định để kiểm tra, giáo dục, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với nhà trường và những người bạn thân thiết của con em mình nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm ban đầu để có biện pháp giáo dục, ngăn chặn, không để con em sa vào các tệ nạn xã hội.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Bữa cơm ấm cúng gia đình Việt

Nguyễn Thị Minh Thái |

Bữa cơm kiểu Việt Nam thuần hậu, ngon lành này chính là mối dây thân mật gắn kết nội bộ gia đình người Việt.

Cứu gia đình gồm 4 người mắc kẹt trong đám cháy

Mạnh Khánh |

Phát hiện ông Hưng cùng vợ và hai con gái đang mắc kẹt tại tầng 3, lực lượng Công an đã triển khai thang chuyên dụng tiếp cận khu vực tầng 3 hướng dẫn đưa gia đình ông Hưng xuống tầng 1 an toàn.

Hiếu thảo gắn kết yêu thương trong mỗi gia đình

Tú Linh |

Với hầu hết các gia đình ở Việt Nam, sự hiếu thảo của mỗi con người vẫn luôn được đặt lên hàng đầu trong việc giữ gìn nền nếp, gia phong. Cha mẹ, ông bà luôn là tấm gương để các thế hệ nối tiếp học tập, xây dựng đạo đức, bồi đắp nhân cách, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Chèo chống nuôi cả gia đình

Trần Tuyền |

Ngày 27/5/2022, người dân thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) không khỏi xót xa, thương tiếc khi hay tin anh Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1983) trong lúc làm việc tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh thì không may bị điện giật, rơi từ trên cao xuống. Mặc dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng anh Tuấn không qua khỏi. Anh Tuấn ra đi, bỏ lại người vợ trẻ và 2 con gái nhỏ.