Hiếu thảo gắn kết yêu thương trong mỗi gia đình

Tú Linh |

Với hầu hết các gia đình ở Việt Nam, sự hiếu thảo của mỗi con người vẫn luôn được đặt lên hàng đầu trong việc giữ gìn nền nếp, gia phong. Cha mẹ, ông bà luôn là tấm gương để các thế hệ nối tiếp học tập, xây dựng đạo đức, bồi đắp nhân cách, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Những ngày này, người dân ở đầu đường Tôn Thất Thuyết, Phường 5, TP. Đông Hà (Quảng Trị) vui mừng đến chúc thượng thọ cụ bà T.T.A. tròn 90 tuổi. Ai cũng tấm tắc khen gia đình cụ có phúc, tuổi già được con cháu chăm sóc chu đáo, ân cần, con cháu thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, kính trọng ông bà, cha mẹ. Trong bộ áo màu đỏ mặc ngày lễ thượng thọ, cụ A. rất cảm động. Cụ vừa nhai trầu, vừa kể chuyện: Chồng mất sớm vì bệnh một tay cụ “đầu tắt mặt tối” chạy chợ nuôi 7 người con. Tuy không có điều kiện để học hành đàng hoàng do phải ra đời bươn chải lo toan cuộc sống nhưng may mắn các con cụ ai cũng có trách nhiệm, hiếu thảo, người trước chỉ bảo, dạy dỗ người sau.

Hình ảnh hạnh phúc bên các cháu nội, ngoại của ông Phan Xuân Long ở thị xã Quảng Trị -Ảnh: TÚ LINH
Hình ảnh hạnh phúc bên các cháu nội, ngoại của ông Phan Xuân Long ở thị xã Quảng Trị -Ảnh: TÚ LINH

Tuy cả 7 anh em cùng lớn lên trong nghèo khó, khổ cực nhưng hạnh phúc. Ngày nay, các con cụ đã thành gia thất, các cháu nội ngoại của cụ A. được ăn học, đỗ đạt khiến cụ càng tự hào. Hiện cụ đang sinh sống cùng vợ chồng anh con trai út. Niềm hạnh phúc vô bờ của cụ A. là nhìn các con, cháu mỗi dịp giỗ chạp, lễ, tết về quây quần, hòa thuận, nhưng cụ vẫn không quên nhắc con cháu sống lấy chữ hiếu làm đầu, phải biết kính trên nhường dưới, vâng lời cha mẹ, chăm chỉ học hành để trở thành người có ích. “Có hạnh phúc trong gia đình mới có hạnh phúc ngoài xã hội”, cụ A. tâm niệm.

Về làm dâu trưởng trong gia đình chồng đến nay đã hơn 20 năm nhưng chị P.T.M. ở thị trấn Gio Linh hầu như ít gặp khó khăn, trở ngại gì. Chồng thường xuyên bận công tác, còn chị lại được đi dạy gần nhà nên có nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Hồi còn trẻ, chị được mẹ chồng chỉ bảo từng tí một theo lối “con gái rẽ họ chồng mà vô”. Chị M. chia sẻ, sống trong gia đình có 3 thế hệ nên khó tránh khỏi những xích mích, va chạm, nhưng nhờ mọi thành viên trong gia đình ai cũng biết nhường nhịn, hiếu thuận và yêu thương nhau nên hóa giải được mọi vấn đề. Vì vậy, cuộc sống gia đình chị luôn êm ấm, hòa thuận. Các con chị cũng luôn được giáo dục về sự hiếu thuận như thế nên rất biết quý trọng mái ấm gia đình. Người lớn cần sống mẫu mực, nhân hậu, bao dung, hòa thuận, là tấm gương sáng để con cháu noi theo.

Người ta thường nói, phụ nữ chỉ cần nhìn cách người đàn ông của mình đối xử thế nào với mẹ và chị em gái trong gia đình thì hiểu được vai trò làm chồng, làm cha của người đó. Hàng xóm tôi có 1 đôi vợ chồng công chức nhà nước. Các con đi học xa, nhà còn lại vợ chồng anh chị sống với mẹ già yếu gần 90 tuổi cần được chăm sóc. Vì tính chất công việc, chị vợ thường hay đi công tác nên không thể chăm sóc mẹ chồng và gia đình chu toàn. Nhưng không vì thế mà mẹ anh thiếu thốn sự quan tâm.

Ngoài thời gian làm việc ở công sở, anh đều dành hết cho mẹ. Mỗi sáng sớm anh dậy bóp chân cho mẹ, nấu bữa sáng, sơ chế thực phẩm dành cho bữa trưa. Buổi chiều, anh từ chối tất cả những cuộc vui của cơ quan, bạn bè để về nhà chăm mẹ. Anh nhận thấy mẹ mình rất vui mỗi khi đón con đi làm về, hỏi han con về tình hình công việc nên luôn cố gắng thu xếp công việc, về nhà đúng giờ vì sợ mẹ trông đợi. Biết người già thường hay khó tính, anh nhất mực chiều chuộng mẹ, luôn tâm lý để mẹ hài lòng.

Với anh, gần 60 tuổi đời mà vẫn được chăm sóc mẹ mỗi ngày là một diễm phúc lớn. Các con anh chị, mỗi khi được nghỉ học liền về nhà quanh quẩn bên bà, cha mẹ, dành hết thời gian, tình cảm, những lời nói yêu thương cho người thân. Các cháu lớn lên sẽ khắc ghi hình ảnh thảo hiền của cha mẹ mình đối với ông bà mà trở thành người tử tế.

Cha ông ta đã đúc kết chữ hiếu có vai trò rất quan trọng trong mỗi gia đình Việt Nam. Hiếu thảo gắn kết yêu thương, trách nhiệm trong mỗi con người, gia đình. Cách thể hiện chữ hiếu của một người chính là thể hiện nhân cách của người đó. Hiếu thảo không phải là những gì to tát, càng không phải là những món quà đắt tiền, mà đó là những nghĩa cử ân cần, thấu hiểu, tâm lý; những yêu thương, động viên xuất phát từ tấm lòng đối với người thân trong gia đình. Vì công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ không gì có thể sánh bằng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hội thi “Gia đình toàn mỹ năm 2022”

Bích Liên |

Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam 28/6, UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) phối hợp với tổ chức Tầm nhìn thế giới vừa tổ chức hội thi “Gia đình toàn mỹ năm 2022”.

Chèo chống nuôi cả gia đình

Trần Tuyền |

Ngày 27/5/2022, người dân thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) không khỏi xót xa, thương tiếc khi hay tin anh Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1983) trong lúc làm việc tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh thì không may bị điện giật, rơi từ trên cao xuống. Mặc dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng anh Tuấn không qua khỏi. Anh Tuấn ra đi, bỏ lại người vợ trẻ và 2 con gái nhỏ.

"Một người đàn ông, tôi cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình”

Thanh Mai |

Thực tế, cũng như phụ nữ từ lâu đấu tranh để được tin tưởng khi họ báo cáo bị lạm dụng, nam giới cũng đang phải chống lại hàng loạt định kiến.

Hỗ trợ gia đình 2 học sinh tử vong do đuối nước

Lê Trường |

Ngày 1/6, lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã đến thăm hỏi và hỗ trợ gia đình hai học sinh tử vong do đuối nước ở xã Cam Tuyền.