Sử dụng điện thoại càng sớm càng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của mỗi người.
Kirsten Fleming chia sẻ trên New York Post câu chuyện của gia đình cô, về việc nữ sinh viên đại học mắng bà mình vì liên tục không nhớ để điện thoại di động ở đâu.
“Mẹ tôi đã hơn 70 tuổi rồi. Chính tôi cũng không sinh ra trong thời đại điện thoại là vật không thể thiếu”, cô nói.
Đứng giữa người thuộc thế hệ Boomer (sinh ra trong khoảng 1946-1964) và Gen Z (sinh ra trong khoảng 1997-2012), Fleming - một người Gen X (sinh ra trong khoảng 1965-1980) - có thể chứng kiến sự thay đổi trong thói quen sử dụng điện thoại thông minh.
Fleming hiểu rõ những ưu điểm của thời thơ ấu không có điện thoại, song cũng nhận thức được các tiện nghi mà công nghệ mang lại hiện nay.
“Rõ ràng chúng ta cần cẩn thận hơn trong việc cho trẻ em tiếp cận điện thoại”, cô nhấn mạnh.
Tháng 5, tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Sapien Labs (Mỹ) đã khảo sát gần 29.000 người trong độ tuổi 18-24 về thời điểm lần đầu tiếp cận điện thoại thông minh hoặc thiết bị điện tử cầm tay có thể truy cập internet.
Kết quả cho thấy trẻ em càng sử dụng điện thoại từ sớm, sức khỏe tinh thần càng kém khi trưởng thành, đặc biệt là với nữ giới. Trẻ em gái dùng điện thoại khi chưa 10 tuổi phải “đối mặt hoặc có nguy cơ tình trạng sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng trầm trọng”.Common Sense Media, tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục, thúc đẩy việc quảng bá công nghệ và phương tiện truyền thông an toàn (Mỹ), cho biết phần lớn trẻ em có điện thoại trước 11 tuổi.
Ngoài ra, vào năm 2021, khoảng 1/5 trẻ em trong độ tuổi 9-12 sử dụng mạng xã hội. Tỷ lệ trẻ em sở hữu điện thoại thông minh năm 14 tuổi chiếm 91%.
“Bản thân tôi cũng từng ‘cày’ điện thoại, để rồi bị mất tập trung, bệnh mất ngủ trầm trọng hơn và thậm chí những dấu hiệu của chứng FOMO (chỉ trạng thái tâm lý lo lắng, sợ bỏ lỡ cơ hội) cũng xuất hiện. Vậy làm thế nào những đứa trẻ chưa phát triển hết có thể nhận thức được những cám dỗ trên mạng?”, Fleming bày tỏ.
Các bạn gái xinh đẹp càng dễ bị ảnh hưởng, bởi lẽ đối với họ, điện thoại là cánh cổng đưa đến khu vực của những tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế, filter, hình ảnh cơ thể đã qua chỉnh sửa,...
Trong xã hội ngày nay, bố mẹ như một guồng quay hoạt động năng suất cả ngày để chạy theo con cái. Các hoạt động lành mạnh như thể thao, hoạt động ngoại khóa thì lại đòi hỏi rất nhiều thời gian, tiền bạc và cả sự kiên nhẫn của bậc phụ huynh.
“Nhiều phụ huynh, giáo viên, người có thẩm quyền chọn cách thoái thác trách nhiệm khi đối mặt với những rủi ro của việc sử dụng điện thoại sớm mang lại”, Fleming chia sẻ.
Có thể nói “không” là một biện pháp hiệu quả. Bố mẹ nên kiểm soát các nội dung, thời gian con dùng điện thoại. Fleming đánh giá cao việc không cho con dùng điện thoại khi chưa đủ 14 tuổi.
Những giải pháp trên không chỉ giúp trẻ “làm quen” với cảm giác thất vọng, chán nản khi bị từ chối, mà còn dần nhận thức, hài lòng và kiên nhẫn với những gì mình có trong tương lai hơn.
(Nguồn: Phụ nữ mới)