Ngày 14/7, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đến thăm và làm việc với tỉnh Quảng Trị. Tham dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn; Giám đốc Đại học Huế Lê Anh Phương. UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tiếp và làm việc với đoàn.
Báo cáo tình hình phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam trình bày tại buổi làm việc cho biết, toàn tỉnh hiện có 399 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; 1 Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị; 3 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành hiện có 14.658 người.
Thời gian qua, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành 17 nghị quyết về quy hoạch phát triển ngành và các chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh; trong đó có nhiều nghị quyết quan trọng như các nghị quyết về xóa phòng học tạm, phòng học mượn; chế độ lương và hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các trường công lập; xây dựng phòng ở công vụ cho giáo viên các vùng khó khăn; hỗ trợ giáo viên làm việc liên trường hoặc nhiều điểm trường; hỗ trợ tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật tại các cơ sở giáo dục công lập…
Chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước phát triển khởi sắc, trong 5 năm 2018-2022 có 135 học sinh đoạt giải học sinh giỏi văn hóa quốc gia THPT.
Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học được tăng cường. Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học đã đầu tư xây dựng 236 phòng học, xóa phòng học tạm, mượn ở các xã khó khăn. Công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực.
Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được các cấp, các ngành quan tâm. Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 195/367 trường, đạt tỉ lệ 53,3%. Triển khai thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tỉnh phân bổ 99 tỉ đồng xây dựng, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, mua sắm thiết bị dạy học, đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ. Mặc dù điều kiện kinh tế của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, song tỉ trọng chi ngân sách cho giáo dục giai đoạn 2015-2022 gần 23,5% tổng chi ngân sách địa phương.
Đến nay, việc chuẩn bị và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mang lại những kết quả tích cực. Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cũng như nâng cao chất lượng giáo dục vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển sâu rộng, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh khởi sắc.
Đối với giáo dục đại học và cao đẳng, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.510 sinh viên đang theo học từ trình độ trung cấp đến đại học; hầu hết các trường đều gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, không đạt chỉ tiêu đề ra. UBND tỉnh đang phối hợp với Đại học Huế xây dựng đề án trình Bộ GD&ĐT nghiên cứu thành lập trường đại học tại Quảng Trị trực thuộc Đại học Huế trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị với Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị. Để sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tỉnh Quảng Trị đề xuất Chính phủ xem xét trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình giáo dục mầm non mới.
Đề nghị Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ hỗ trợ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách sự nghiệp giáo dục có mục tiêu cho những tỉnh khó khăn như Quảng Trị để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đề nghị Bộ GD&ĐT thông qua các dự án hoặc kết nối hỗ trợ xây dựng các hạng mục công trình phòng học, phòng bộ môn tại các trường của Dự án kết nối nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; hỗ trợ xây dựng Trường THPT Đakrông đạt chuẩn làm điểm sáng giáo dục vùng khó tại huyện nghèo 30a Đakrông. Quan tâm phát triển cơ sở đào tạo đại học tại địa phương, thống nhất chủ trương thành lập trường đại học tại Quảng Trị trực thuộc Đại học Huế trên cơ sở sáp nhập Phân hiệu Đại học Huế và Trường CĐSP Quảng Trị.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo Quảng Trị trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn nhưng một số chỉ số giáo dục cơ bản đạt được rất khả quan. Điều đó thể hiện sự quan tâm, cố gắng lớn của tỉnh đầu tư cho giáo dục. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn mong lãnh đạo tỉnh tiếp tục tạo điều kiện đầu tư ngân sách tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng giáo dục cho học sinh.
Việc quy hoạch, sắp xếp trường học trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt, giảm gần 100 đầu mối, song cần chú trọng dư địa phát triển mở rộng một số ngành học, bậc học trong tương lai.
Đối với các trường cao đẳng, cần cân nhắc gom lại và sắp xếp trở thành trường cao đẳng theo hướng đa ngành; riêng cao đẳng sư phạm sắp xếp sâu hơn, dựa trên nền khoa học cơ bản, khoa học giáo dục. Đồng ý với chủ trương xây dựng trường nghề hiện đại theo định hướng ngành nghề riêng của Quảng Trị. Trong quy hoạch mạng lưới giáo dục, cần chú trọng phát triển mạng lưới trường dân tộc nội trú, trường chuyên biệt.Bên cạnh đó, tỉnh cần tính toán chuẩn bị đội ngũ giáo viên lâu dài, có đặt hàng đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu giáo dục. Trước mắt, rà soát trang thiết bị phục vụ cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018; hỗ trợ tập huấn giáo viên trong dịp hè dạy môn học mới; lựa chọn sách giáo khoa và chương trình giáo dục địa phương để sẵn sàng cho năm học mới. Giải pháp phát triển nhân lực giáo dục, khoa học công nghệ, phát triển con người đối với tỉnh nghèo như Quảng Trị càng phải quan tâm hơn, từ đó tạo đột phá đưa địa phương phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng cảm ơn sự quan tâm ủng hộ của Bộ GD&ĐT thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Bộ GD&ĐT đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên cho tỉnh Quảng Trị, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu về lĩnh vực giáo dục và đào tạo mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Nhấn mạnh mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với việc ban hành 17 nghị quyết về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tỉnh Quảng Trị sẽ quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu về lĩnh vực giáo dục, tạo tiền đề vững chắc cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển theo.
Mong muốn của tỉnh xây dựng đề án thành lập trường đại học trực thuộc Đại học Huế tại Quảng Trị, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn. Tỉnh cũng đang cân nhắc, cân đối từng giai đoạn thực hiện đề án đảm bảo mục tiêu tuyển sinh được sinh viên đến theo học tại Quảng Trị.
Về chương trình đào tạo nghề, hiện có nhà đầu tư Singapore đang nghiên cứu đầu tư xây dựng trường nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Quảng Trị để đào tạo nghề phù hợp các khu công nghiệp của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung; trong quá trình thực hiện chủ trương đó, tỉnh Quảng Trị mong muốn nhận được sự ủng hộ của Bộ GD&ĐT về đề xuất xây dựng và phát triển của trường tại Quảng Trị.
Đối với các nội dung cụ thể liên quan các nhiệm vụ thường xuyên của ngành giáo dục và đào tạo, Sở GD&ĐT sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục triển khai trong thời gian tới, xây dựng ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp thu ý kiến đóng góp của Bộ GD&ĐT để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cụ thể hóa, đưa vào báo cáo giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh nhằm rà soát, tổ chức thực hiện có hiệu quả.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)