Cần sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở miền núi

Lê Trường |

Năm học 2022-2023 đã bắt đầu, tuy nhiên thực trạng đội ngũ giáo viên vừa thừa, vừa thiếu cục bộ ở một số trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn chưa được giải quyết. Nhất là tình trạng thiếu giáo viên bộ môn Tiếng Anh và Tin học tại các trường ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi còn khá nhiều. Điều này gây ra những khó khăn cho công tác sắp xếp, bố trí giáo viên, cũng như ảnh hưởng đến công tác dạy học và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Theo thống kê sơ bộ, tại huyện miền núi Hướng Hóa, qua rà soát còn thiếu 165 giáo viên. Thực trạng này gây khó khăn cho công tác dạy học và triển khai Chương trình GDPT 2018, nhất là trong năm học này, 2 môn Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc trong chương trình. Trước tình trạng trên, nhiều trường học phải tổ chức ghép lớp hoặc hợp đồng 1 giáo viên nhưng phụ trách nhiều điểm trường để đảm bảo chương trình.

 

Cụ thể như ở Trường Tiểu học Húc (xã Húc) có 7 điểm trường, trong đó 6 điểm trường lẻ tại các thôn: Húc Ván, Tà Rùng, Cu Dông, Tà Cu, Húc Thượng và Ho Le. Tổng số học sinh toàn trường khoảng 555 em. Các điểm trường lẻ đều nằm ở địa bàn miền núi, giao thông đi lại khó khăn, khoảng cách giữa các điểm khá xa. Riêng điểm trường tại thôn Ho Le cách khu vực trung tâm hơn 10 km với khoảng 3 km đường núi khó đi. Do thiếu giáo viên nên hiện nay việc triển khai giảng dạy 2 môn Tin học và Tiếng Anh bắt buộc đối với lớp 3 gặp rất nhiều khó khăn. Toàn trường chỉ có một giáo viên Tin học và 1 giáo viên tiếng Anh nhưng phải đảm nhận dạy học tại 7 điểm trường, trong khi khoảng cách xa, giao thông bất tiện nên việc di chuyển giữa các điểm rất vất vả. Do chưa được bổ sung giáo viên, nhà trường phải linh động triển khai các giải pháp tạm thời. Cụ thể, đối với môn Tiếng Anh, nhà trường tổ chức ghép học sinh tại các điểm trường gần với nhau để tạo thuận lợi cho giáo viên; môn Tin học cũng tương tự, phải gom học sinh từ 7 điểm giảm xuống còn 5 điểm để dạy.

Hay ở Trường Tiểu học Thuận (xã Thuận), tình trạng thiếu giáo viên cũng gây ra nhiều khó khăn. Trường có 445 học sinh tại 4 điểm trường với 3 điểm trường lẻ tại các bản 1, 2, 4. Hiện trường đang thiếu 6 giáo viên, riêng môn Tiếng Anh và Tin học chỉ có 2 giáo viên phụ trách 2 môn cho tất cả các điểm trường.

Giáo viên dạy môn Tin học và Tiếng Anh của các trường trên chia sẻ, vì thiếu giáo viên phụ trách dạy môn này nên họ phải chịu nhiều áp lực, cũng như nỗ lực hết sức để có thể hoàn thành chương trình được giao. Vẫn biết rằng, các nhà trường đã cố gắng tạo mọi điều kiện, bố trí linh hoạt thời gian giảng dạy các tiết học ở nhiều điểm trường khác nhau để thuận lợi cho giáo viên, tuy nhiên, trên thực tế áp lực vẫn đè nặng lên giáo viên khi phải cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý nhằm đảm bảo hoàn thành việc giảng dạy tại tất cả các điểm trường, chưa kể việc đi lại giữa các điểm trường khó khăn và thiếu thiết bị dạy học tại các điểm trường lẻ.

Năm học mới đã bắt đầu hơn 1 tháng, nhưng hiện nay huyện Hướng Hóa vẫn chưa được bổ sung biên chế giáo viên, dẫn đến một số trường phải ghép lớp, trong khi cơ sở hạ tầng, phòng học chưa đáp ứng nên gặp nhiều khó khăn. Từ năm học 2021-2022, biên chế ngành giáo dục của huyện đã thiếu rất nhiều, nhưng có một nghịch lý là không những không được bổ sung mà quá trình tinh giản theo quy định của Bộ Nội vụ cần phải cắt giảm thêm 16 chỉ tiêu giáo viên. Điều này khiến năm học mới 2022-2023, tình trạng thiếu giáo viên của địa phương càng trầm trọng hơn.

Tình trạng thiếu giáo viên không chỉ xảy ra ở huyện miền núi Hướng Hóa, mà đây là thực trạng chung của các địa phương khác trong tỉnh, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị, năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 399 đơn vị trường học với 14.066 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó, tính đến tháng 5/2022, ở cấp học mầm non còn thiếu 157 giáo viên; tiểu học thiếu 158 giáo viên và bậc trung học cơ sở thiếu 16 giáo viên hợp đồng. Riêng bậc trung học phổ thông, xét về định biên giáo viên/lớp thì đảm bảo đủ, tuy nhiên vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các môn học mới là Âm nhạc và Mỹ thuật.

Vấn đề cấp thiết hiện nay là phải sớm bố trí đủ biên chế giáo viên tại các trường học, trong đó cần ưu tiên bổ sung giáo viên bộ môn Tin học và Tiếng Anh cấp tiểu học cho các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Bởi lẽ, giáo viên dạy học ở những vùng này vốn đã chịu nhiều khó khăn, vất vả, cộng thêm tình trạng thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác dạy học, nhất là trong việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Những biện pháp như ghép lớp, gom điểm trường ở các trường học miền núi trên địa bàn tỉnh chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, cần có biên chế để bố trí đủ giáo viên phụ trách các môn, nhất là Tin học và Tiếng Anh thì mới đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy. Trước mắt, để giảm bớt khó khăn này cần khẩn trương rà soát số lượng biên chế của từng đơn vị trường học để có kế hoạch bố trí, điều chuyển phù hợp. Đồng thời, sớm có phương án tuyển dụng mới giáo viên đúng theo chỉ tiêu giao.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Những giáo viên tình nguyện hết lòng vì học sinh vùng cao

Lê Trường |

Bước vào năm học mới 2022 - 2023, ngay khi có thông tin của Sở Giáo dục và Đào tạo về tình trạng thiếu giáo viên ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, nhiều giáo viên đã tình nguyện “tăng cường” đến các trường học trên địa bàn huyện Hướng Hóa để chia sẻ khó khăn với ngành. Trong số này, có tấm lòng, tình cảm và trách nhiệm nghề nghiệp của hai thầy giáo đến từ Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong (Quảng Trị).

Chú trọng hơn nữa tính chủ động, phù hợp và công bằng trong luân chuyển giáo viên

Tú Linh |

Tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm đến việc luân chuyển giáo viên vùng đặc biệt khó khăn về vùng thuận lợi nhằm tạo sự công bằng và phát huy cao nhất sự cống hiến của cán bộ, giáo viên cho ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Tuy có nhiều cố gắng nhưng câu chuyện luân chuyển vẫn khiến nhiều người băn khoăn về tính chủ động, phù hợp và công bằng.

Năm học 2022-2023: Bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương

TL |

Ngày 29/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 4185/BGDĐT-VPtriển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023.

Sở GD&ĐT gặp mặt giáo viên điều động luân phiên năm học 2022-2023

Thanh Hải |

Ngày 4/9, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị tổ chức gặp mặt 27 giáo viên điều động luân phiên năm học 2022-2023.