Cần tôn trọng, bảo vệ quyền của người tiêu dùng

Anh Quân |

Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề tôn trọng, bảo vệ quyền của người tiêu dùng đang được xã hội đặc biệt quan tâm và cần được thực hiện tốt.

Với khá nhiều tiểu thương kinh doanh đồ điện gia dụng, áo quần may sẵn, vải và các mặt hàng mỹ phẩm tại chợ Đông Hà, tình hình kinh doanh thời gian gần đây giảm sút rõ rệt. Hỏi nguyên nhân, có người cho rằng, sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử đã làm thay đổi tư duy, thói quen mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng.

Có người lại lý giải, thương hiệu chợ Đông Hà đã “yếu” đi so với trước đây do một bộ phận tiểu thương khi bán hàng đưa giá lên quá cao để người mua dễ nhầm lẫn khi trả giá hoặc bán hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng... làm vẩn đục môi trường kinh doanh của chợ, để lại ấn tượng không tốt đối với người tiêu dùng.

Chợ Đông Hà là một trong những chợ có quy mô và năng lực kinh doanh hàng hóa lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Vấn đề thương hiệu chợ Đông Hà có “yếu” đi, còn hấp dẫn người tiêu dùng hay không có thể cần phải khảo sát, đánh giá cụ thể, nhưng việc có khá nhiều tiểu thương than phiền về tình trạng buôn bán ế ẩm cho thấy quyền của người tiêu dùng là rất lớn.

Với bất kỳ người tiêu dùng nào, khi mua phải một món hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc có mức giá cao hơn so với giá trị thực đều thấy bị thiếu tôn trọng, bị lừa dối và sau đó họ sẽ phải cân nhắc, lựa chọn những nơi bán hàng có uy tín, văn hóa kinh doanh hơn.

Ngày 20/3, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định phạt bà Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) và ông Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) mỗi người 70 triệu đồng do quảng cáo sai sự thật.

Trước đó, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt cung cấp hồ sơ công bố sản phẩm, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, hoạt động quảng cáo, truyền thông thông tin về sản phẩm kẹo rau củ Kera. Cơ quan chức năng cũng đã mời hoa hậu Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục làm việc để xác định rõ mức độ tham gia của các cá nhân trong các phiên livestream quảng cáo và bán hàng, cả 3 người đều thừa nhận và nhận lỗi vì cung cấp thông tin sản phẩm không đúng sự thật.

Kẹo rau củ Kera vướng vào lùm xùm quảng cáo sai sự thật khi được hoa hậu Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục quảng bá với những thông tin được lan truyền như “1 viên kẹo bằng cả đĩa rau”. Sự việc nhanh chóng dấy lên làn sóng tranh cãi trong dư luận.

Theo Bộ Công thương, đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, việc cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân kinh doanh mà có thể bị xem xét và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Có lẽ chưa bao giờ người tiêu dùng đối mặt với hàng giả, hàng kém chất lượng và thậm chí là độc hại cho sức khỏe lại nhiều như hiện nay. Hàng hóa kém chất lượng từmiếng thịt, mớ rau, quần áo và những mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất hàng ngày.

Tình trạng này càng diễn biến phức tạp hơn khi mà hoạt động mua sắm online nở rộ, người tiêu dùng có thể mua sắm qua các trang thương mại điện tử hoặc các nền tảng mạng xã hội. Hằng ngày, chúng ta không khó để chứng kiến cảnh người thân, bạn bè, đồng nghiệp... lộ rõ sự thất vọng, bức xúc khi nhận được những món hàng không như quảng cáo, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hoặc bị “thổi” giá khi mua sắm online.

Xảy ra tình trạng này là do người tiêu dùng chưa được tôn trọng và bảo vệ đúng mức. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cần phải có rất nhiều mặt hàng nhưng người tiêu dùng không thể có đủ kiến thức, kinh nghiệm để nhận biết hàng nào là thật, có chất lượng, không sử dụng hóa chất hoặc được bán đúng giá. Người bán vì lợi nhuận đã bỏ qua đạo đức, văn hóa kinh doanh. Những người nổi tiếng trong xã hội, có ảnh hưởng trên không gian mạng vì mục đích cá nhân mà bất chấp quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong khi đó, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng về quản lý, kiểm tra, xử lý và thông tin rộng rãi cho người tiêu dùng về vấn đề này lại chưa cao, thậm chí có lúc còn buông lỏng do cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư và yếu tố con người. Rõ ràng nhất là có nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người bị phát hiện mà không có vai trò của cơ quan chức năng và đến khi xử lý thì các cơ quan này lại không đủ chế tài hoặc xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, chưa đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên trên hết.

Cũng cần phải thấy rằng, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản và có phần dễ dãi trong tiêu dùng hàng ngày, cùng với đó là tâm lý thích dùng hàng nhập ngoại cho dù không rõ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ...

Luật Bảo vệ quyền lợi người dùng năm 2023 quy định người tiêu dùng có 11 quyền. Trong đó, có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp. Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá...

Để bảo vệ quyền lợi của mình, đã đến lúc người tiêu dùng cần phải sử dụng quyền của mình là sự lựa chọn, tẩy chay hoặc sử dụng các biện pháp pháp lý với hàng giả, hàng kém chất lượng, giá cả không hợp lý và những nhà sản xuất, điểm bán hàng thiếu đạo đức, văn hóa kinh doanh... Được như vậy, người tiêu dùng sẽ buộc những nhà sản xuất, cung ứng phải tuân thủ đầy đủ các quy định, quy chuẩn, từ đó tôn trọng, bảo vệ quyền của mình.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

Nam Phương |

Ngày 27/3, Đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực tại tỉnh Quảng Trị do Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng làm trưởng đoàn làm việc, khảo sát thực tế tại Khu công nghiệp (KCN) Quán Ngang, huyện Gio Linh; Làng nghề sản xuất bún Cẩm Thạch, xã Thanh An, huyện Cam Lộ và Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Đại tá Nguyễn Hữu Đàn; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Hồng Sơn tham gia đoàn giám sát.

Cần đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường ở cụm công nghiệp

Tân Nguyên |

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã hình thành 17 cụm công nghiệp (CCN) có tổng diện tích 527,5 ha với số vốn đăng ký là 4.913,3 tỉ đồng. Trong đó, 16 CCN đã đi vào hoạt động thu hút 176 dự án đầu tư, đạt tỉ lệ lấp đầy bình quân 69,2%. Ngành nghề của các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào các CCN chủ yếu là chế biến gỗ, may mặc, bê tông thương phẩm, gạch ngói, chế biến nông sản... Doanh thu năm 2024 đạt 3.383,2 tỉ đồng, nộp ngân sách 107,28 tỉ đồng và tạo việc làm cho 5.564 lao động.

Trải nghiệm tuần tra bảo vệ biên giới, mốc quốc giới qua chương trình “Tiết học biên cương”

Đình Tiến |

Ngày 24/3, Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trường THCS Thanh, “Quỹ vì yêu thương” ở TP. Hồ Chí Minh, “Quỹ cho con” và “Kết nối trái tim” tại Quảng Trị tổ chức chương trình “Tiết học biên cương” nhằm giáo dục cho học sinh về chủ quyền, trải nghiệm tuần tra bảo vệ biên giới, mốc quốc giới tại cột mốc 607.

Cần đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp

Tân Nguyên |

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã hình thành 17 cụm công nghiệp (CCN) có tổng diện tích 527,5 ha với số vốn đăng ký là 4.913,3 tỉ đồng. Trong đó, 16 CCN đã đi vào hoạt động thu hút 176 dự án đầu tư, đạt tỉ lệ lấp đầy bình quân 69,2%. Ngành nghề của các doanh nghiệp đầu tư vào các CCN khá đa dạng, chủ yếu là chế biến gỗ, may mặc, bê tông thương phẩm, gạch ngói, chế biến nông sản...Doanh thu năm 2024 đạt 3.383,2 tỉ đồng, nộp ngân sách 107,28 tỉ đồng và tạo việc làm cho 5.564 lao động.