Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là làm thế nào để các chính sách của trung ương, địa phương khi được ban hành phải đảm bảo tính khả thi bởi vẫn có không ít chính sách xa rời thực tiễn hay mục tiêu lớn, giải pháp nhiều nhưng hiệu lực, hiệu quả lại không cao, mang tính “đầu voi, đuôi chuột”.
Việc ban hành quy định, chính sách là để giải quyết vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn theo mục tiêu đã xác định; quy định, chính sách không chỉ đề ra mục tiêu và các giải pháp với công cụ hành động thực hiện nhằm giải quyết một hoặc một số vấn đề trong đời sống xã hội mà còn giải quyết mối quan hệ giữa các bên tham gia. Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, vẫn có những quy định, chính sách được ban hành còn bất cập, không phát huy được vai trò trong thực tiễn, thậm chí còn cản trở xu thế vận động và phát triển của xã hội bởi những vấn đề cần phải điều chỉnh, thay đổi, cần phải kịp thời giải quyết đã không được đưa vào pháp luật. Không khó để có thể kể ra những quy định, chính sách bất cập, xa rời thực tiễn ở trung ương và các địa phương.
Đơn cử như gần đây, Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) tỉnh Quảng Trị đã có văn bản báo cáo và đề nghị Ban chỉ đạo 389 Quốc gia kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập, không phù hợp với thực tế để tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính cũng như xử lý hàng hóa vi phạm. Cụ thể, đối với một số hàng hóa bị tịch thu đủ điều kiện để bán đấu giá, nhưng chi phí kiểm định theo quy định tại Luật Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa 2018 cao hơn số tiền bán đấu giá.
Ví dụ như khi các lực lượng chức năng của tỉnh tịch thu tang vật hơn 30 máy điều hòa nhiệt độ từ các vụ buôn lậu, muốn bán đấu giá thì phải đưa đi kiểm định nhưng chi phí kiểm định 1 máy mất khoảng 35 triệu đồng. Nếu kiểm định số lượng ít hoặc nhiều sản phẩm nhưng khác chủng loại, thì chi phí thẩm định vẫn cao hơn tiền bán đấu giá. Cùng với đó, quá trình đơn vị quản lý tài sản đem tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu đi kiểm định theo Quy chuẩn quốc gia (QCVN9:2012/BKHCN) sẽ bị giữ mẫu dẫn đến rất khó để triển khai…
Những năm qua, việc ban hành quy định, chính sách được tỉnh Quảng Trị thực hiện tốt, qua đó tạo ra nhiều cơ chế, huy động được nhiều nguồn lực cũng như sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số chính sách chưa phù hợp, khó áp dụng trong thực tế hoặc gây khó khăn, bất cập trong tổ chức thực hiện. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng cần bám sát thực tiễn, có sự thay đổi mạnh mẽ hơn về tư duy và hành động khi xây dựng chính sách.
Đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, triển khai thực hiện chính sách phải là những người thực sự có phẩm chất đạo đức, năng lực, kiến thức chuyên môn; luôn bám sát thực tiễn, sự vận động và xu thế phát triển của xã hội. Đề cao tính kịp thời, phối hợp đồng bộ và hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát về tiến độ, hiệu quả thực hiện để chính sách khi được ban hành phù hợp với điều kiện của tỉnh, công tác quản lý, điều hành của chính quyền, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Chính sách phải gắn liền và mang lại hiệu quả trong thực tiễn, một khi không đạt được mục tiêu này thì nhất thiết không ban hành chính sách. Đây là quan điểm của lãnh đạo tỉnh. Điều này thể hiện rõ khi tại phiên họp thứ 10 của Thường trực HĐND tỉnh diễn ra vào ngày 1/12/2021 chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VIII, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang yêu cầu các Ban HĐND tỉnh được giao thẩm tra các đề án, chính sách cần rà soát kỹ để xác định những đề án, nghị quyết đủ điều kiện trình kỳ họp; điều chỉnh phạm vi, mục tiêu cũng như chưa xem xét ban hành một số đề án, chính sách.
Việc kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VIII thông qua Nghị quyết quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo đội ngũ viên chức đơn vị sự nghiệp y tế công lập và chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026 thay cho Đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh bởi lý do đề án này qua thẩm tra chưa có thống kê đầy đủ những ngành, vị trí việc làm tỉnh đang cần trong khi nhân lực ngành y tế, cán bộ nữ dự báo sẽ thiếu hụt lớn trong thời gian tới là minh chứng rõ nhất cho điều này.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)