Năm học 2022-2023, năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở cấp THPT. Điểm mới của chương trình giáo dục cấp THPT là ngoài những môn học bắt buộc, học sinh được quyền lựa chọn một số môn học và chuyên đề học tập theo năng lực, sở thích và xu hướng nghề nghiệp. Đây là vấn đề mới, phức tạp, gây lo lắng cho học sinh, phụ huynh, làm sao để các em chọn môn học phù hợp ngay từ lớp 10 là vấn đề không dễ dàng với học sinh, phụ huynh và các trường THPT.
Ở cấp THPT, ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương), học sinh được lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học, bao gồm: Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật).
Chuyên đề học tập: Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập. Học sinh được chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Trường THPT xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên, để vừa đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Ngoài ra, học sinh học môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số hoặc Ngoại ngữ 2.
Để thực hiện tốt quyền lựa chọn môn học của học sinh, có 3 vấn đề cần giải quyết, đó là: Làm sao học sinh biết nhận biết được năng lực, khả năng của mình để chọn tổ hợp môn học phù hợp; đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị nhà trường đáp ứng yêu cầu học sinh và công tác quản lý dạy, học phải khoa học, linh hoạt để vừa đáp ứng yêu cầu học sinh (có thể thay đổi theo từng năm học), vừa đảm bảo việc làm của tất cả giáo viên. Theo các chuyên gia giáo dục sẽ có 108 tổ hợp môn học để học sinh lựa chọn. Điều này đã gây ra lo lắng, băn khoăn cho học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà trường.
Trước hết là làm thế nào để học sinh biết được năng lực, sở thích, năng khiếu và định hướng nghề nghiệp của mình, từ đó chọn tổ hợp môn học phù hợp nhất. Nếu lựa chọn không phù hợp, các em học không hiệu quả, cảm thấy chán chường và lên lớp 11 phải chọn lại, lúc đó không chỉ khó khăn cho bản thân học sinh, phải học môn mới và kiểm tra trong hè. Kế đến có thể xảy ra tình trạng, có môn học được học sinh lựa chọn quá nhiều dẫn đến không đủ giáo viên để giảng dạy, ngược lại có môn học sinh ít lựa chọn sẽ dẫn đến nguy cơ thừa giáo viên. Tình trạng thiếu và thừa giáo viên cục bộ xảy ra không giống nhau trong từng năm học, gây nên sự xáo trộn trong dạy và học. Thêm nữa, học sinh lựa chọn môn học mới (Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ 2) mà trường chưa có giáo viên viên thì sẽ giải quyết như thế nào. Ngoài ra, việc bố trí, phân công giảng dạy, sắp xếp thời khóa biểu sẽ khó khăn, học sinh học theo biên chế lớp cố định hay theo môn học. Bên cạnh đó, còn có Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Nội dung giáo dục địa phương. Rồi việc kiểm tra, đánh giá học sinh và thi tốt nghiệp THPT như thế nào? Giáo dục nước ta vẫn mang nặng tư duy “thi gì, học nấy”. Chẳng hạn, chương trình hiện hành có 3 ban, nhưng đề thi theo ban Cơ bản, nên 100% học sinh cả nước học ban Cơ bản.
Đổi mới việc dạy và học ở cấp THPT cho thấy vai trò của tất cả môn học ở cấp THCS rất quan trọng. Kiến thức, kỹ năng môn học nào đó có thể là hành trang vào đời của học sinh (vì lên THPT các em có thể không học môn đó). Việc đánh giá đúng năng lực và phát hiện năng khiếu, sở thích, xu hướng nghề nghiệp của từng học sinh thông qua kết quả học tập và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp THCS là rất quan trọng với sự phát triển của học sinh.
Hai năm lớp 8 và lớp 9 nên là 2 năm dự hướng, nhà trường, giáo viên và phụ huynh cần tạo điều kiện cho học sinh bộc lộ năng lực, năng khiếu và sở thích của từng cá nhân. Nhà trường có thể thực hiện trắc nghiệm hướng nghiệp để học sinh nhận biết khả năng của mình và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tư vấn chọn môn khi lên THPT cho các em. Bên cạnh đó, trường THCS cần thông báo đầy đủ những đổi mới ở cấp THPT cho học sinh biết, tư vấn hướng nghiệp để học sinh chọn lên THPT, học ở GDNN-GDTX hay học nghề.
Thi tuyển sinh THPT là bước chuyển cấp và là ngã rẽ quan trọng của đời người. Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần phải thay đổi để phù hợp với chương trình GDPT 2018. Theo chúng tôi, ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, học sinh có quyền lựa chọn thêm 3 môn tự chọn trong các môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật) theo xu hướng nghề nghiệp của mình. Giai đoạn 2022 - 2024, Bộ GDĐT nên công bố phương án thi tốt nghiệp THPT để trường THPT và học sinh chủ động. Tuyển sinh đại học giao cho các trường đại học tự chủ hoàn toàn, sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh đa dạng như thi đánh giá năng lực, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng hay xét tuyển theo học bạ...
Để việc tự chọn môn học phù hợp với học sinh, vai trò của trường THPT rất quan trọng, mang tính quyết định. Các trường cần thống kê tỉ lệ đăng ký thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học nhiều năm trước để nắm được xu hướng nghề nghiệp của học sinh học tại trường. Trên cơ sở đó, nhà trường xây dựng các tổ hợp môn học phù hợp với các nghề nghiệp liên quan đến khối thi đại học.
Sau một năm học, nếu học sinh phát hiện ra việc chọn môn của mình không phù hợp, đến lớp 11 cho học sinh được chọn lại, nhà trường phối hợp với gia đình bổ túc kiến thức cho các em trong hè, có kiểm tra, đánh giá như trường hợp học sinh thi lại.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)