Để văn hóa đủ sức soi đường...

Bát Nhã |

1. Mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng, nhưng không có gì hân hoan, rực rỡ và mê say như mùa xuân. Cũng như một đời người, sau tất cả những vui - buồn, hơn - thua, được - mất, thành - bại... khép lại, người ta nhớ đến nhau nhiều nhất ở sự tử tế.

Tử tế đó là khi dám chấp nhận phần thiệt để trao cho người khác phần hơn; là khi có thể bước qua nhưng ta chọn dừng lại; là khi cho đi chứ không phải nhận về; là chia sẻ mà không cần báo đáp... Khi con người còn tử tế với nhau thì cái xấu, cái ác khó lên ngôi được. Chính vì thế mà tử tế trở thành một nét đẹp văn hóa đặc biệt.

Như Thiên Sơn tuyết liên* chỉ mọc ở những khe núi đá cao, từ mảnh đất cằn cỗi, ít ỏi, địa hình hiểm trở, cheo leo giữa mây và tuyết, chỉ nở hoa trong cái giá lạnh không dành cho sự sống; càng trong những thử thách nghiệt ngã của cuộc đời sự tử tế càng đẹp. Nhất là đối với vùng đất từng đi qua nhiều khổ hạnh như Quảng Trị, sự tử tế trở thành những điểm sáng lấp lánh, trở thành nguồn động lực và sức mạnh lớn lao!

Thế nên không phải ngẫu nhiên mà phần lớn nội dung mừng năm mới 2024 của Tạp chí Cửa Việt lại chia sẻ về sự tử tế: Qua những học bổng trao cơ hội cho người khốn khó, những tấm lòng sẻ chia giúp nhau hoạn nạn, hay chỉ là một sự vỗ về, chăm chút cho một mầm non tương lai... Sự tử tế của mỗi cá nhân rất quan trọng nhưng sự lan tỏa còn quan trọng gấp bội phần. Sự tử tế được lan tỏa và nhân lên sẽ có một xã hội tử tế. Muốn làm được điều này thì văn hóa luôn phải là nền tảng vững chắc!

Niềm vui của học sinh Bản Cheng (Hướng Hóa) khi được quan tâm, chăm sóc từ cộng đồng - Ảnh: Cẩm Nhung
Niềm vui của học sinh Bản Cheng (Hướng Hóa) khi được quan tâm, chăm sóc từ cộng đồng - Ảnh: Cẩm Nhung

2. Một điều không thể không bàn đến trong năm 2024 đó chính là văn hóa số. Theo Cẩm nang Chuyển đổi số - Bộ Thông tin và Truyền thông, văn hóa trong xã hội thực hình thành qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm. Còn xã hội số mới chỉ đang hình thành trong vài chục năm trở lại đây. Vì vậy, văn hóa số cũng mới chỉ đang hình thành, đó là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số.

“Cuộc sống số” ngày càng chi phối đến chúng ta nhiều hơn. Bạn có thể chẳng cần bước chân ra khỏi nhà, chẳng cần một đồng tiền mặt... nhưng chỉ cần có internet thì mọi thứ đều có thể cung cấp cho bạn đầy đủ. Một bài thơ, một truyện ngắn, một bức tranh... chỉ sau 1 giây đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được hàng ngàn thậm chí hàng triệu độc giả từ khắp mọi vùng địa lý vào like, share hoặc bình luận. Những like/share/bình luận đó có là ảo khi nó vẫn đánh vào cảm xúc của người sáng tác như khi tương tác thật trên đời. Và liệu là có ảo, khi có người đã phải trốn chạy sự thóa mạ, chỉ trích, chửi bới... trên không gian mạng? Nếu chúng ta không có văn hóa trong đời thường thì có thể hiện được “văn hóa” trên môi trường số không?

“Giấy không thể gói được lửa”. Muốn có văn hóa trên môi trường số thì con người cũng phải tử tế ở chính “không gian thật” bởi, cái gì thuộc về bản chất sẽ lộ rõ theo thời gian.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2024 là năm phát triển AI, nhất là AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực, các AI công nghiệp. Theo phác thảo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Tôi xin nói một chút về AI hẹp. AI hoạt động được là khi con người chỉ ra cho nó một mục đích, một số rules nhất định. Nếu không có hai cái này thì AI sẽ đứng yên. Con người thì lại có thể chỉ ra các mục đích khác nhau, ra các rules khác nhau, trong các bối cảnh khác nhau, để giải quyết những vấn đề khác nhau. Đó là chưa nói đến việc con người còn quyết định đưa cho AI những dữ liệu gì, thuật toán gì và cách mà chúng ta dạy nó. Vậy là công việc của con người sẽ tập trung đúng vào việc của con người hơn, đó là nuôi dạy đứa con AI, rồi hướng nó vào đâu, mục tiêu gì, định hướng nào, để nó giúp việc cho chúng ta”.

Điều này đặt ra rất nhiều suy ngẫm cho những người quan tâm đến văn hóa và làm công tác văn hóa. Nếu con người không có văn hóa, không có sự tử tế thì “đứa con AI” sẽ được “dạy” trở thành như thế nào? “Đứa con AI” đó sẽ thành “người giúp việc” hay là “người hủy diệt” chúng ta?

Có phải càng sáng tạo, càng tiến bộ thì càng phải cần có sự dẫn dắt, soi đường từ văn hóa?

3. Từ kết quả thực hiện của năm 2023, cho thấy qua 3 năm nỗ lực phấn đấu (2021 - 2023), đến thời điểm này, trong số 26 chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết HĐND tỉnh về Kế hoạch 5 năm, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện được 8 chỉ tiêu vượt và đạt kế hoạch đề ra. Có 10 chỉ tiêu đã thực hiện đạt trên 92% và có 8 chỉ tiêu thực hiện đạt từ 65 - 85% kế hoạch. Đây là những tín hiệu tích cực, tạo tiền đề và niềm tin để tỉnh nhà nỗ lực phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Trong những con số này, chúng ta đã có định lượng được bao nhiêu % để dành chăm lo cho sự nghiệp văn hóa? Và sự tác động của văn hóa đến các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường... như thế nào?

Sự sẻ chia luôn đem lại những năng lượng tích cực trong cuộc sống. - Ảnh: PV
Sự sẻ chia luôn đem lại những năng lượng tích cực trong cuộc sống. - Ảnh: PV

Quảng Trị đất hẹp, nhỏ, nhiều thiên tai, người ít, còn nhiều khó khăn nên vấn đề phát triển kinh tế luôn được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, yếu tố quyết định cho sự phát triển là trí tuệ, là thông tin, là sáng tạo và đổi mới không ngừng. Nếu muốn đi thật xa và có hiệu quả lâu dài, muốn ngày càng trở nên bền vững hơn đều phải nằm trong quỹ đạo của văn hóa, phải có văn hóa lành mạnh và tiến bộ dẫn đường.

Tuy nhiên, văn hóa không là có sẵn, cứ thừa hưởng mà không cần đắp bồi. Đầu tư văn hóa cần đến tiền nhưng yếu tố kinh tế không phải là lực kéo để kéo văn hóa. Cởi trói cho văn hóa, đầu tư cho văn hóa là rất cần thiết. Điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm thật đến văn hóa, mà còn giúp văn hóa có thêm điều kiện để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện quả dưa hấu của Mai An Tiêm. Dù bị đày ra hoang đảo, nhưng khi thu hoạch được mùa dưa ngọt lành, ông đã thả xuống bể, hy vọng nó sẽ trôi dạt tới quê hương! Mai An Tiêm gieo quả quả dưa xuống biển, nhận về “chuyến thuyền giải cứu” bởi chắc chắn vua hiểu được rằng, một người tử tế như thế, không thể nào là người cướp ngôi, người dám làm chuyện ác! Nhờ có văn hóa mà con người không lầm lạc, dù trong khổ ải thế nào!

...Năm mới, chúng ta mong rằng “Cội rễ văn hóa Quảng Trị có từ thời đá - thời đại mới là thời đại cách mạng nông nghiệp, và bởi vậy văn hóa Quảng Trị “gốc rất sâu, rễ rất bền”, các bão tố của thiên nhiên khắc nghiệt và phong ba của xã hội loạn ly không dễ gì “đào tận gốc, trốc tận rễ” được cây văn hóa Quảng Trị”**! Và hơn thế nữa, “cây văn hóa Quảng Trị” sẽ tỏa xanh bóng mát trong kỷ nguyên số của nhân loại!

Niềm vui trẻ nhỏ - Ảnh: Nguyễn Bôn
Niềm vui trẻ nhỏ - Ảnh: Nguyễn Bôn

———

* Loài hoa này được mệnh danh là bách thảo chi vương (vua của trăm loài dược bảo), thuộc dòng rất hiếm, chỉ sinh trưởng ở độ cao trên 2.500 m so với mực nước biển. Khoảng thời gian từ khi nảy mầm tới lúc nở hoa mất tới 5 - 7 năm. Hạt Thiên Sơn tuyết liên nảy mầm ở 0 độ C, tăng trưởng trong vùng 3 - 5 độ C và chịu được hạn mức lạnh 21 độ C. Ngoài ra, chỉ 5% số hạt Thiên Sơn tuyết liên nảy mầm thành công.

** Cây văn hóa Quảng Trị trong rừng văn hóa Việt Nam - GS Trần Quốc Vượng.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Hồ Văn Lý - Người đam mê bảo tồn văn hóa dân tộc

Minh Long |

Trước nguy cơ dân ca và các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình bị mai một dần và có thể mất hẳn, ông Hồ Văn Lý, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) dành nhiều thời gian học hỏi, nghiên cứu, chế tác nhạc cụ cho đến thực hành và truyền dạy cách sử dụng các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống, góp phần vào việc bảo tồn văn hóa dân tộc Vân Kiều ở địa phương.

Ấn tượng từ những lễ hội và hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống đầu xuân ở Gio Linh

Hoài An |

Những ngày đầu xuân Giáp Thìn, trong toàn huyện Gio Linh (Quảng Trị) diễn ra sôi nổi nhiều lễ hội và các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.

Nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Đakrông

Minh Long |

Là huyện miền núi có trên 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nên huyện Đakrông (Quảng Trị) có những nét đặc trưng riêng về văn hóa. Chính vì vậy, huyện đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện công tác bảo tồn, duy trì, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, khơi dậy ý thức đoàn kết cộng đồng trong từng khu dân cư.

Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc tại Lễ hội Hoa Anh Đào - Điện Biên Phủ

Xuân Tư |

Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Anh Đào - Điện Biên Phủ năm 2024, ngày 13/1, tại Đảo hoa, xã Pá Khoang (thành phố Điện Biên Phủ), Giải đua thuyền Kayak mở rộng, Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc đã diễn ra.