Điện thoại trong lớp học

PV |

Trường tôi từng nghiêm cấm sử dụng điện thoại trong lớp, nhưng nhiều học sinh vẫn lén mang vào.

Trường tôi từng nghiêm cấm sử dụng điện thoại trong lớp, nhưng nhiều học sinh vẫn lén mang vào.

Khi giáo viên không để ý, các em mở điện thoại ra xem. Có lần, trong giờ Hóa của mình, tôi tịch thu vài điện thoại nộp cho giám thị. Một em vô cùng lo lắng, tìm mọi cách để xin lại. Hôm sau, em hăng hái xung phong lên trả bài lấy điểm, tôi thấy lạ nên hỏi. "Thầy giám thị bảo nếu tuần này trả bài 5 lần từ 8 điểm trở lên sẽ được nhận lại điện thoại", em nói. Thế nên cậu về nhà học ngày đêm để cố lấy điểm cao các môn.

 

Tuy nhiên, sau khi có lại điện thoại, tinh thần học tập của em quay lại trạng thái ban đầu. Tôi cảm thấy buồn. Điện thoại đã tạo nên ý thức học tập tạm thời của học sinh chứ không làm thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc học từ bên trong các em.

Có lần, tôi hỏi các em thường sử dụng điện thoại vào việc gì, đa phần đều trả lời để chơi game, lướt "phây", chat với bạn bè, xem Youtube , không thấy em nào nói để phục vụ việc học. Có những em tiêu tốn 7-8 giờ mỗi ngày trên điện thoại.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban thành Thông tư 32, học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp với sự cho phép của giáo viên. Từ ngày Thông tư hiệu lực, 1/11, tôi thấy nhiều học sinh mang điện thoại tới trường nhưng vẫn chủ yếu dùng để chơi game, chụp hình, lên mạng xã hội. Một, hai giáo viên bắt đầu thay đổi phương pháp dạy để học sinh kết hợp điện thoại, song chưa mang lại hiệu quả.

Học sinh ngày nay có thể dễ dàng tiếp cận bài học và phương pháp giải bài tập hay trên kho tài nguyên Internet khi được giáo viên hướng dẫn. Nhiều video đã mô phỏng kiến thức bằng hình ảnh 3D làm bài học trở nên sinh động, dễ hiểu hơn. Điện thoại thông minh được sử dụng đúng cách sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong học tập.

Nhưng vì chưa thấy được hiệu quả ấy, tôi khá lo ngại khi nhiều học sinh đang đem theo điện thoại vào lớp "hợp pháp" và lén sử dụng. Một lớp học với hơn 40 em và một giáo viên, liệu chúng ta có quản lý được việc sử dụng điện thoại của các em? Mở điện thoại trong giờ học có phải là giải pháp tối ưu cho việc tìm kiếm kiến thức khi mà bản thân giáo viên còn bối rối? Có lần tôi cho học trò sử dụng điện thoại tìm kiếm thông tin trên mạng để bổ sung kiến thức của bài học. Lớp học đông nên tôi không thể quan sát hết, một số em đã dùng điện thoại chơi game, một số tìm sai thông tin cần thiết nên hoàn thành sai bài học.

Điện thoại thông minh là công cụ không thể đảo ngược trong cuộc sống. Nhưng những khoảng hở trong việc quản lý một phương tiện hiện đại ở trường học còn đó, nhất là khi ngay cả thầy cô cũng chưa sử dụng tốt điện thoại như một công cụ hỗ trợ giáo dục. Người lớn còn bị "nghiện" điện thoại cho giải trí thì những người tuổi ăn, tuổi học chắc gì không bị chiếc điện thoại dẫn dắt?

Năm 2018, làm giám khảo cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp trường, tôi chấm đề tài "Hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh" của em Trần Thị Hà My và Huỳnh Tấn Phát thực hiện dưới sự hướng dẫn của thầy Thông Minh Tèo. Hai em đã khảo sát hàng trăm học sinh trong trường. Khoảng 35,5% học sinh "cảm thấy hoang mang, lo sợ khi không có điện thoại bên cạnh", 28,8% em trả lời "không thể chịu đựng được", 18,9% câu trả lời thấy "khó chịu", 14,2% "hơi bứt rứt", chỉ 6,4% câu trả lời "thấy bình thường thoải mái".

Học sinh chúng tôi ngày trước không có điện thoại nên ngoài giờ học được trò chuyện, chơi nhiều trò tương tác và vận động. Sự kết nối người - người còn là kỷ niệm đẹp thời đi học. Hôm nay, nhìn nhiều em chăm chăm vào điện thoại giờ ra chơi, tôi rất tiếc vì giá trị của sự giao tiếp đã vơi đi nhiều.

Đề tài trên đã đạt giải nhì cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp thành phố, nhưng tôi lo nhất là việc lạm dụng điện thoại của học trò trong trường học. Nếu không quản lý tốt, việc các em lạm dụng điện thoại không chỉ ảnh hưởng sự tập trung khi học hành mà tác động không nhỏ đến tinh thần, sức khoẻ cũng như trí tuệ giới trẻ. Tôi tin ai là thầy cô giáo đều cảm nhận rất rõ tác động của điện thoại đến chất lượng buổi học và tiếp thu của học trò.

Giáo viên chúng tôi chờ đợi những nghiên cứu sâu hơn trên diện rộng về tác động tích cực cùng hệ lụy của điện thoại thông minh với chất lượng giáo dục trong trường học. Việc đem theo điện thoại tới lớp, mở nó trong giờ học dù giáo viên cho phép có cấp thiết không? Nếu không có điện thoại, chất lượng thời gian ở trường của thầy và trò tốt hơn không? Từ đó, ta mới tránh được những quy định tưởng tốt mà có thể ngược lại.

(Nguồn: VnExpress)

TAGS

‘Văn hóa đọc’ trong gia đình thời nay

Phan Thị An Phú |

Đọc sách là cách gián tiếp để mỗi người tiếp cận các nguồn tri thức của nhân loại. Đây là cách thức mở rộng kiến thức , nâng cao hiểu biết , củng cố tư duy trên nhiều lĩnh vực cũng như góp phần h oàn thiện nhân cách mỗi người. Vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển “văn hóa đọc” ở mỗi gia đình có vai trò tạo nền tảng quan trọng góp phần hình thành nên tư duy mỗi cá nhân cũng như là một nét đẹp riêng ở từng gia đình.

Làm gì để ngăn học sinh bỏ học sau Tết?

Nguyễn Văn Lực |

Sau kỳ nghỉ Tết, tình trạng học sinh bỏ học là vấn đề thường xuyên diễn ra, nhất là đối với các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hủ tục và thói xấu, nghĩ từ ngày 23 tháng Chạp

Lê Thanh Phong |

Ngày 23 tháng Chạp, nhiều gia đình chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo và thả cá chép với mong muốn một năm mới bình an, may mắn.

Ước hẹn 10 ngày

Phạm Gia Hiền |

Từ ngày mai, Tết coi như đã bắt đầu, người Việt Nam bắt đầu tính ngày bằng lịch âm, hăm ba, hăm tư, hăm lăm tháng Chạp… Và chắc chắn trong mỗi người chúng ta, đều âm thầm mong đợi một điều kỳ diệu, một chiến dịch ngăn bệnh hiệu quả như năm 2020, để còn ăn Tết.