Cha ông thường nói “đồng tiền liền ruột” để chỉ tiền bạc quý như thân thể, phải tự mình giữ gìn lấy và không nên tin bất kỳ ai. Vậy nhưng trong vụ án này, 165 bị hại là nông dân lại quá tin tưởng vào một cán bộ tín dụng ngân hàng nên đã đưa tiền hoặc nhờ người này hoàn tất các thủ tục vay mượn, rút tiền, gửi tiền ở ngân hàng mà không chút đắn đo, nghi ngờ. Dẫn đến, họ đã bị chiếm đoạt với số tiền lên đến gần 14 tỉ đồng.
Phiên tòa buổi sáng đã kết thúc, bà L. là bị hại duy nhất ở lại trụ sở của tòa án để chờ phiên xét xử buổi chiều. Cái nắng chao chát của một ngày tháng Bảy khiến người phụ nữ đã ngoài 70 tuổi như bà càng thêm héo hon. Từ sáng sớm, bà L. tất tả đạp xe từ huyện Triệu Phong ra TP. Đông Hà (Quảng Trị) để tham dự phiên tòa. Nay bà phần không đủ sức để đạp về nhà, phần vì muốn có mặt thật sớm ngay khi phiên tòa buổi chiều bắt đầu nên đã ở lại.
Nhờ thư ký tòa đặt mua suất cơm bụi, người phụ nữ này thẫn thờ nhìn ra ngoài trời, nói: “Đặt rứa chơ bụng dạ mô mà nuốt nổi”. Bà lo lắng không biết phiên tòa diễn ra vào buổi chiều, H. (tên bị cáo) có thay mình trả khoản nợ 100 triệu đồng mà bị cáo đã chiếm đoạt cho ngân hàng hay không?
Bà L. kể, vợ chồng bà tuy nghèo nhưng nuôi 6 người con khôn lớn mà không hề vay mượn một đồng nào. Bà L. buôn bán hàng ăn còn chồng làm nghề bán kẹo kéo dạo. Cuộc sống không khỏi chật vật nhưng nhờ khéo co kéo nên vợ chồng bà không lâm vào cảnh nợ nần. Khi con út hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự, muốn đi xuất khẩu lao động nên ông bà mới tìm đến ngân hàng vay 200 triệu đồng.
Qua H., bà nhờ hoàn tất các thủ tục vay ở ngân hàng và đã được nhận 100 triệu đồng tiền mặt từ khoản vay 200 triệu đồng đó. Còn lại 100 triệu đồng, H. nói với vợ chồng bà cứ để sẵn trong tài khoản, lúc nào con trai bà học xong sẽ rút ra để lo các thủ tục khác.
Thực chất, 100 triệu đồng đó đã được H. “phù phép” để trở thành số tiền của mình. Sự việc vỡ lở, chồng bà L. ngã bệnh, vì chuyện nợ nần đó càng thêm đau buồn rồi qua đời. Con trai út thì dở dang ước mơ đi xuất khẩu lao động. “100 triệu đồng là cả gia tài của nhà tui, nay H. không trả thì tui biết đòi ai đây?”, bà L. buồn rầu nói.
Để khuyến khích sản xuất nông lâm ngư nghiệp, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (NĐ số 55) ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, được hỗ trợ lãi suất vay và không cần thế chấp tài sản, cho vay tín chấp.
Bị cáo là người được đơn vị phân công làm cán bộ tín dụng quản lý hồ sơ vay, trực tiếp làm việc và hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay, xử lý các trường hợp liên quan đến khách hàng theo NĐ số 55.
Tuy nhiên, H. đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của các khách hàng vay vốn tại ngân hàng bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau như đưa ra thông tin gian dối sẽ giúp người bị hại thanh toán nợ gốc, nợ lãi khi đến hạn; lập giấy nhận tiền hoặc chứng từ giao dịch đưa cho bị hại để bị hại tin tưởng giao tiền cho mình.
Theo quy định, H. là người tiếp nhận nhu cầu vay vốn, hướng dẫn khách hàng hoàn tất hồ sơ vay, có trách nhiệm quản lý khoản vay của khách hàng có được sử dụng đúng mục đích vay đã được thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng hay không nhưng bị cáo đã bỏ qua trách nhiệm này.
Dù trước tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, thừa nhận tất cả các khoản chiếm đoạt của bị hại (trong đó có những khoản tiền không có giấy tờ xác nhận) nhưng với số tiền hơn 14 tỉ và mức án 23 năm tù, liệu lúc nào bị cáo mới trả hết số tiền trên?
Ông Đ. ở xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, là một trong những người bị chiếm đoạt số tiền nhiều nhất trong vụ án này. Vào năm 2019, ông vay ngân hàng 1 tỉ đồng. Đến tháng 3/2020, ông còn nợ ngân hàng số tiền gốc 600 triệu đồng. Thời điểm đó, biết được chính sách ưu đãi của NĐ số 55, ông Đ. nhờ H. làm hồ sơ vay 300 triệu đồng với lãi suất thấp để trả khoản vay cũ. Với khoản tiền vay này, ông Đ. nhờ H tất toán khoản nợ cũ.
Tuy nhiên, H. chỉ trả 100 triệu đồng, còn 200 triệu đồng thì chiếm đoạt. Đến tháng 5/2020, ông Đ. vay tiếp 200 triệu đồng để nhờ H. tất toán khoản vay trước sắp đến hạn nhưng H. cũng chiếm đoạt luôn.
Trước tòa, ông Đ. cũng như nhiều bị hại khác khai rằng vì quá tin tưởng nên H. nói gì đều làm theo. Một bị hại còn nói: “H. vẻ tui ký là tui ký chứ không đọc kỹ, phần vì hồ sơ dày quá, phần vì sợ lần sau có nhu cầu vay sẽ không được tạo điều kiện. Với lại, tui cứ nghĩ cán bộ được giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, ai có ngờ…”.
Nhiều bị hại khi được mời ra trước tòa đều có chung quan điểm đề nghị tòa buộc H. phải trả cho ngân hàng khoản tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt của họ. Mặc dù được giải thích rằng bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường cho bị hại khoản tiền mà mình chiếm đoạt chứ không thể thay các bị hại thanh toán khoản tiền mà họ đã vay ngân hàng theo hợp đồng tín dụng đã ký trước đó nhưng nhiều người vẫn không chấp nhận sự thật này.
Đây là vụ án có số bị hại đông nhất từ trước đến nay tại Quảng Trị. Các bị hại đa phần đều là nông dân nên số tiền bị chiếm đoạt, dù ít dù nhiều đều khiến họ lâm vào cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, đây cũng là bài học về lòng tin mà người dân cần rút kinh nghiệm để chặt chẽ hơn trong việc quản lý tiền bạc cũng như các loại giấy tờ liên quan đến thủ tục vay mượn.
Vị đại diện Viện kiểm soát giữ quyền công tố tại tòa chia sẻ rằng, trong vụ việc này, người dân cũng có một phần lỗi khi quá tin tưởng vào người khác.
Quá trình giải quyết vụ án, có nhiều khoản giao nhận tiền giữa các bên không hề có giấy tờ hoặc người chứng kiến. Có trường hợp bị hại sau khi ký chứng từ giải ngân xong ra về và nhờ giao dịch viên đưa tiền cho H. để bị cáo chuyển cho mình.
Việc “được tin” một cách dễ dàng như vậy chính là một trong những nguyên nhân khiến bị cáo nảy sinh lòng tham, từ đó chiếm đoạt tiền của khách hàng nhiều lần.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)