Thời gian qua, nhiều phong trào được phát động, triển khai thực hiện thu hút sự hưởng ứng tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức và người dân, qua đó tạo bước chuyển biến tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, vẫn có phong trào sau bước khởi đầu sôi nổi, mang lại hiệu quả cao chưa được bao lâu đã có biểu hiện “đánh trống bỏ dùi”, thực hiện không đến nơi đến chốn.
Sau khởi đầu rất ấn tượng của phong trào “Chống rác thải nhựa” với hàng loạt cuộc phát động, ra quân hưởng ứng cùng rất nhiều hoạt động thiết thực được triển khai rộng rãi ở các địa phương thì đến nay, dường như phong trào mang nhiều ý nghĩa này đang lắng xuống.
Ngoài các cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội coi trọng thực hiện, nhất là qua việc dùng chai thủy tinh đựng nước thay thế cho chai nhựa sử dụng một lần thì vấn đề chống rác thải nhựa ở những nơi khác chưa được quan tâm đúng mức. Điều này thể hiện rõ là túi ni lông vẫn được rất nhiều người sử dụng khi đi chợ, siêu thị hay hộp đựng đồ ăn, thức uống, ống hút… bằng nhựa đang là những vật dụng phổ biến.
Thực tế này khiến rác thải nhựa vẫn đang chiếm tỉ lệ cao trong tổng lượng rác phát sinh hằng ngày ở các địa phương. Ở thành phố Đông Hà, đến bất kỳ một cơ sở kinh doanh nào, đặc biệt là kinh doanh đồ ăn, thức uống, khách hàng đều nhận được thứ mình cần được bao gói hay chứa trong túi ni lông, hộp nhựa, ly nhựa kèm theo đó là thìa, nĩa, ống hút cũng được làm bằng nhựa.
Đồ dùng bằng nhựa nhiều đi cùng với ý thức kém không chỉ làm phát sinh rác thải nhựa mà còn làm mất mỹ quan đô thị. Tại Công viên Fidel, một không gian xanh và đẹp, điểm đến yêu thích của cư dân thành phố vào mỗi sáng sớm, nhiều người ngao ngán trước tình trạng rác thải là túi ni lông, hộp nhựa đựng đồ ăn, ly nhựa, ống hút nhựa được bỏ lại ngổn ngang trên ghế đá, thảm cỏ…
Vì sao phong trào “Chống rác thải nhựa” chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng? Có thể thấy rằng, nguyên nhân sâu xa là ở chỗ phong trào này được phát động rộng khắp nhưng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội chưa duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động; việc kiểm tra, đánh giá quá trình triển khai thực hiện chưa được quan tâm đúng mức; chưa có hình thức động viên, biểu dương những nhân tố có nhiều việc làm thiết thực, có sức lan tỏa cao trong chống rác thải nhựa cũng như phê bình hay xử lý những trường hợp thiếu ý thức trong thực hiện. Thực tiễn cũng cho thấy, có không ít phong trào được phát động nhưng hiệu quả chưa cao do tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.
Việc tổ chức các phong trào là cần thiết, nhất là khi nó khởi đầu cho một chuỗi các hoạt động để hướng tới một xã hội ngày càng văn minh và tiến bộ hơn. Để các phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo các giai tầng xã hội hưởng ứng tham gia, mang lại hiệu quả tích cực và lâu dài hơn thì cần phải khắc phục được tính hình thức, thực hiện không đến nơi đến chốn; khi phong trào phát huy được hiệu quả cần phải duy trì, nhân rộng. Cùng với đó, cần xây dựng hoàn thiện, thống nhất hệ thống pháp luật để bảo đảm cho xã hội luôn vận động, phát triển trong trạng thái ổn định và được kiểm soát tốt.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)