Không khó để một vài nhà hảo tâm khuây khoả lương tâm bằng cách viết một vài dòng trên mạng xã hội kêu gọi đóng góp giúp một học trò nghèo. Nhưng liệu điều đó có làm thay đổi tâm thế của chúng ta, về quyền lợi được đến trường của thế hệ kế cận.
Đầu năm học mới, trên Facebook xôn xao với câu chuyện 1 bà mẹ bức xúc vì chậm đóng học phí 19 triệu (đã đóng 50 triệu) nên con có nguy cơ không được dự khai giảng cùng các bạn. Trường con chị đang theo học là tư thục, nằm trong top các trường có chất lượng cao và cũng là top trường học phí cao. Vốn bình thường học phí không thành vấn đề, nhưng năm nay làm ăn khó khăn, dịch Covid khiến kinh tế gia đình chị ảnh hưởng nặng, trước mắt lo trăm triệu đóng học phí cho cả 2 con là nan giải. Sau khi chị đưa câu chuyện này tới nhóm trao đổi của các phụ huynh cùng trường (rồi bị chia sẻ rộng rãi ra ngoài nhóm), đã gây ra cuộc tranh cãi gay gắt.
Một bên đứng về phía nhà trường, cho rằng việc đóng học phí đã được thông báo từ hồi tháng 6, gia đình có không ít thời gian để chuẩn bị. Hơn nữa xét từ căn nguyên, việc cho con đi học trường đóng nhiều tiền là lựa chọn của phụ huynh. Đây là một dịch vụ giáo dục, và 1 bên không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì bên kia có quyền chấm dứt hợp đồng.
Một bên dư luận thì đứng về phía phụ huynh, mà nói cho đúng là đứng về quyền lợi của em học sinh, cho rằng dù vấn đề tài chính vướng mắc thế nào thì đứa trẻ phải có quyền dự khai giảng với chúng bạn. Đó là sự nhân văn của giáo dục, đó là quyền lợi của trẻ em.
Cuối cùng thì dĩ nhiên em học trò nhỏ vẫn được dự khai giảng, cùng vào năm học mới với các bạn. Nhà trường hoãn thu học phí và có phương án tài chính ổn thoả với phụ huynh. Chuyện qua đi.
Đọng lại trong tôi sau chuyện này, là có nhiều người ngỏ lời với vị phụ huynh kia, sẵn sàng cho gia đình ấy vay 19 triệu để đứa trẻ được dự khai giảng cùng các bạn (tuy nhiên mẹ cháu từ chối). Đấy là lòng tốt của những người có điều kiện, của những thị dân có thể chi hàng trăm triệu mỗi năm dù con em mới chỉ học i tờ. Tôi không dám suy luận cái ý nghĩa của việc sẵn sàng cho ai đó không quen biết vay 19 triệu sau khi đọc 1 câu chuyện của họ trên mạng – rất có thể nhiều người thừa khả năng làm thế hoặc hơn thế. Nhưng tôi tự hỏi vì sao những câu chuyện đầy mâu thuẫn như thế lại có thể trở thành đề tài tranh luận sôi nổi của thị dân, và dẫn đến hành vi mở ví rất hào phóng của họ.
Bởi vì, cứ vào đầu năm học mới, tôi luôn đọc được những câu chuyện về hoàn cảnh rất khó khăn của các tân sinh viên vừa trải qua kỳ xét tuyển đại học. Một đồng nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh đang chia sẻ chuyện em nữ sinh ở Ninh Thuận, có điểm xét học bạ là 29,3; điểm thi 3 môn đại học là 26,3. Với số điểm này, cô học trò dân tộc Chăm đủ điểm vào ngành Y Đa khoa, Đại học Y Dược Tây Nguyên. Thế nhưng gia cảnh quá khó khăn, mẹ em vừa mổ tim hết 60 triệu, mà đó cũng là khoản quyên góp từ lòng hảo tâm của cộng đồng.
Mỗi ngày em và mẹ đổ bánh căn bán được chừng 100 ngàn tiền lãi. Đỗ đại học, họ hàng chú bác mỗi người cho em mấy trăm ngàn đi xe. Còn học phí thì chịu, không ai cho vay cả, lẽ đơn giản là vay rồi lấy gì trả? Quả thật là không nhìn vào đâu, vào cái gì để trả. Một người mẹ Chăm nghèo rách lại bị bệnh tim thì trả bằng gì? Hành trang cô bé không có tiền, chỉ có kết quả học tập giỏi đủ điều kiện tuyển thẳng vào ngành Y Đa khoa; là giấc mơ làm bác sĩ để giúp người nghèo và đồng bào Chăm quê mình; là sự nỗ lực suốt 12 năm đã qua và sắp tới...
Tôi sẽ không so sánh 2 trường hợp này, dù rằng khi viết liền nhau thì rõ ràng có một chủ ý nào đó. Nhưng không, đó không phải chủ ý so sánh. Sẽ là rất bất công cả với em trò nhỏ sống trong khu chung cư cao cấp giữa Thủ đô, lẫn em nữ sinh học giỏi nhà nghèo ở vùng quê xa xôi kia, nếu so sánh điều kiện của 2 em, rồi lại nói về sự công bằng. Xã hội là thế. Thế này, và thế khác. Và sự xoá nhoà ranh giới thành thị - nông thôn, ranh giới giàu – nghèo… không chỉ là trách nhiệm của những phụ huynh hay ngành giáo dục.
Nhưng sự lặp đi lặp lại những vấn đề của thị dân ở đây, và nông dân ở kia, trên những vạch xuất phát giống nhau thì lại cần phải suy nghĩ. Cũng như mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thì mọi đứa trẻ đều bình đẳng trước tri thức, trước bảng đen phấn trắng thày cô bạn bè. Sự bình đẳng không chỉ đến từ điều kiện của cha mẹ chúng, mà còn cả từ cách xã hội nhìn nhận, tạo điều kiện, giúp đỡ và đấu tranh cho quyền lợi ấy.
Sẽ rất dễ để một vài đại gia rút điện thoại ra bấm lệnh chuyển khoản, và thoả mãn cảm xúc của một hiệp sĩ. Vẫn không khó để một vài nhà hảo tâm khuây khoả lương tâm bằng cách viết một vài dòng trên mạng xã hội kêu gọi đóng góp giúp một học trò nghèo. Nhưng liệu điều đó có làm thay đổi tâm thế của chúng ta, về quyền lợi được đến trường của thế hệ kế cận.
Những người tự đặt lên vai trách nhiệm đó, họ không sa vào những cuộc tranh cãi online. Họ đi gây quỹ, xây trường, làm cầu làm đường, cấp học bổng cho học trò nghèo, hoặc họ dành rất nhiều thời gian cho việc tìm ra những hoàn cảnh khó khăn thực sự cần hỗ trợ, thay vì ùa theo những tin nóng để rồi có những trường hợp cần vài triệu thì nhận được vài trăm triệu.
Và vì thế, trong bài viết này, tôi xin không đưa thông tin cụ thể về cô bé đang thiếu tiền học phí để vào Đại học Y Dược Tây Nguyên. Bạn đọc yên tâm, cháu đã được giúp đỡ đủ rồi.
(Nguồn: Ngày Nay)