Nhiều giáo viên cho rằng, đề thi Ngữ văn đang đi vào lối mòn, công thức, cần được thay đổi theo hướng cởi mở, sáng tạo.
Đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2021 bên cạnh những ý kiến ghi nhận và khen ngợi, vẫn còn nhiều giáo viên bày tỏ băn khoăn, trăn trở, mong muốn có sự thay đổi, thoát khỏi lối mòn.
Thầy Trần Ngọc Hà – giáo viên Ngữ văn tại Hà Tĩnh phân tích: “Từ năm 2015 đến nay, đề thi môn Ngữ văn THPT quốc gia đã thiết lập một mô hình mới, nhưng lặp lại qua các năm nên trở thành công thức, sáo mòn”.
Theo thầy Trần Ngọc Hà, “công thức” của đề Ngữ văn mới là được cấu trúc thành 2 phần cố định: Đọc-hiểu và phần Làm văn. Phần Đọc hiểu, đề đưa ra một đoạn trích và 4 yêu cầu đọc hiểu, trong đó yêu cầu thí sinh giải thích một vài ý trong đoạn trích, rồi bình luận về một vấn đề đạo đức, lối sống liên quan đến nội dung đoạn trích.
Phần Làm văn gồm có 2 câu, một câu nghị luận xã hội về chủ đề liên quan đến nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, và một câu nghị luận văn học.
Phân tích đề thi Ngữ văn tốt nghiệp năm nay, thầy Nguyễn Văn Đức (Nghệ An) nói: “Về cấu trúc, đề trung thành với cấu trúc đã hình thành 5 năm qua. Phần Đọc-hiểu có những yêu cầu quá thô sơ, thí sinh chỉ cần chép lại câu văn trong đoạn trích là có điểm. Yêu cầu “đọc-hiểu” thô sơ đối với học sinh bản ngữ 18 tuổi là không hợp lý. Còn câu 4 của phần Đọc-hiểu đã lạc sang yêu cầu nghị luận”.
Thầy Nguyễn Văn Đức cũng băn khoăn khi câu 1 của phần Làm văn yêu cầu thí sinh bình luận về nội dung liên quan đoạn trích ở phần Đọc-hiểu, khó tránh khỏi trùng lặp ý với câu 4 của phần Đọc-hiểu.
“Mặt khác, lẽ sống cống hiến là vấn đề cần phải có tri thức và trải nghiệm mới thấu hiểu, nhưng lại yêu cầu thí sinh tuổi 18 trình bày trong phạm vi 200 chữ là quá khó. Chủ yếu thí sinh chỉ nói được vài ý, kiểu liệt kê, gạch đầu dòng” – thầy Đức khẳng định.
Về câu 2 phần Làm văn là nghị luận văn học với cơ cấu 5 điểm, yêu cầu thí sinh trình bày cảm nhận về một đoạn trích trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh, từ đó nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ của thi sĩ, thầy Nguyễn Văn Đức nhận xét:
“Đây là dạng đề, dạng câu hỏi và nội dung đã trở thành lối mòn, quá quen thuộc và nhàm chán hàng chục năm qua. Đề yêu cầu như thế, thí sinh chỉ cần nhớ lại, chép lại những nội dung đã được các thầy cô truyền thụ, và các bài văn mẫu viết rất bài bản sẽ có điểm gần như tối đa. Đây là một dạng đề rất cũ, khuyến khích lối dạy học đọc-chép, thuộc lòng. Thí sinh không thể trình bày khác các nội dung đã được mặc định trong bài giảng của giáo viên, nếu nói khác sẽ không có điểm”.
Thầy Lê Đình Hà (Quảng Trị) cũng băn khoăn về yêu cầu chỉ ra vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh, một vấn đề có tính khái quát, trừu tượng cao, trong khi căn cứ chỉ là đoạn trích hơn chục câu thơ.
Thầy Lê Văn Vỵ - nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) tỏ ra thất vọng về đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm nay.
“Cuộc sống đã đi vào kỉ nguyên mới với các yêu cầu mới, trong khi đề văn đang loay hoay với những vấn đề rất cũ, tầm chương trích cú, yêu cầu học thuộc lòng, nhận thức, tình cảm hời hợt. Cần có sự đổi mới, đột phá, cởi mở trong đề thi, để tạo động lực thay đổi phương pháp dạy học môn Ngữ văn, nếu không sẽ rất lãng phí và để lại hệ lụy rất lớn” – thầy Lê Văn Vỵ chia sẻ.
(Nguồn: Báo Lao Động)