Sapa, Tam Đảo, Bạch Mã, Bà Nà và Đà Lạt vốn có khí hậu ôn hòa, mát lành và khác biệt ở Việt Nam. Chính vì vậy, từ Pháp thuộc, các nơi này đã được người Pháp xây dựng thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Châu Âu.
Gần đây, các địa điểm này được các doanh nghiệp trong nước, chính quyền các địa phương tái đầu tư để khai thác du lịch dịch vụ. Tuy vậy, sự "đánh thức" ở nhiều nơi tỏ ra thái quá, dẫn đến mất kiểm soát trong quy hoạch, xây dựng, khiến không ít địa điểm du lịch bị quá tải. Sapa là một trong những nơi như vậy.
Ông Trần Khánh Vân, một du khách ở Đà Nẵng cho biết: Tôi rất thích không khí ở Sapa, nên nhiều lần đặt chân tới. Nhưng lần gần nhất, nhiều người cùng đi đã thống nhất quan điểm: “Chưa đi chưa biết Sapa, đi rồi mới thấy ở nhà hay hơn”.
Ông Vân nói, sự quá tải lượng du khách, xuống cấp về dịch vụ hoặc phá vỡ quy hoạch của Sapa thì báo chí, các diễn đàn trên mạng xã hội đã nói kỹ, nhiều rồi, nhưng với con mắt của khách du lịch thì ông Vân đã chỉ ra các điều cần làm ngay để giữ Sapa. ViVu 247 xin giới thiệu ý kiến của ông Vân.
1. Lập lại trật tự giao thông. Không mở rộng thêm đoạn cửa ngõ mà xây dựng một hoặc nhiều bãi để xe sau ngã ba đường tránh Sapa. Cần cấm tất cả các phương tiện cá nhân và xe khách vào khu trung tâm. Với xe của người địa phương và xe phục vụ công cộng thì gắn chip và cũng cấp số lượng trong giới hạn phù hợp. Dùng xe trung chuyển đưa khách vào.
Làm được điều này, lập tức Sapa trở nên thanh bình như trên dưới 15 năm trước.
Thực trạng tắc đường thường xuyên từ TP.Lào Cai lên Sapa chủ yếu là do các lái xe đi trái luật, vô ý thức, thậm chí chen vào phần đường ngược chiều. Tại hai đầu và các ngã ba cần đặt camera phạt nguội và các biển cảnh báo “có camera phạt nguội”... Quan trọng là cảnh sát giao thông phải phạt thật nặng.
2. Về quy hoạch, không nên cấp phép xây dựng thêm ở khu lõi trong 5 đến 10 năm tới để chỉnh trang. Sự lô nhô, chen chúc, xây chồng lên nhau với mật độ quá dày như hiện nay khiến mật độ cư trú quá lớn, tập trung trong một khu vực hẹp, trong khi hạ tầng chưa đồng bộ, tạo ra không gian ngột ngạt cho cả du khách lẫn người bản địa.
3. Riêng về dịch vụ du lịch, cần có biện pháp đào tạo hoặc bắt buộc có chứng chỉ ngắn hạn về kỹ năng phục vụ cho mọi nhân viên khách sạn, nhà hàng, các điểm phục vụ khách du lịch. Ngoài những điểm đến có thương hiệu, nhiều cơ sở dịch vụ dân doanh tại Sapa rất kém từ hình thức, thái độ phục vụ, ứng xử với du khách.
Một phần vì quá tải, song thái độ gằn giọng, bất cần với khách… như hiện nay tạo ấn tượng xấu, khó quên. Đừng nghĩ khách đến đông là đông mãi.
Chính quyền, ngành du lịch cần nghiên cứu cách quản lý để hạn chế chặt chém du khách, công bố đường dây nóng, làm các app hỗ trợ, cho khách chấm điểm (sao) các dịch vụ du lịch. Thậm chí dùng dữ liệu này làm cơ sở xử lý.
(Nguồn: Vi Vu 247)