“Hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong việc khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội (KTXH) đáng kể, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng tích cực”, Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Trị Nguyễn Thanh Hiếu cho biết.
Trong giai đoạn 2012-2022, từ nguồn vốn của chương trình khuyến công quốc gia đã triển khai thực hiện 3 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; 21 đề án với 35 đơn vị thụ hưởng ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường hoặc tạo ra sản phẩm mới trên địa bàn tỉnh.
Đây là chương trình trọng tâm trong hoạt động khuyến công, mang lại hiệu quả thiết thực và đã thu hút nhiều cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh cho các cơ sở CNNT.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chương trình khuyến công quốc gia đã hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, từ nguồn của chương trình khuyến công quốc gia đã hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết 1 CCN và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho 3 CCN gồm Cam Thành (huyện Cam Lộ), Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) và Krông Klang (huyện Đakrông).
Hoạt động này đã góp phần hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng các CCN, tạo mặt bằng sản xuất, khuyến khích và thu hút các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào CCN sản xuất tập trung.
Ngoài ra, tranh thủ từ nguồn vốn khuyến công quốc gia đã thực hiện 2 đề án đào tạo nghề (trong đó 1 đề án may công nghiệp, 1 đề án chế biến hấp sấy cá, mực) cho 420 lao động. Các đề án đào tạo nghề đều gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở nên hầu hết lao động đều có việc làm ổn định sau đào tạo.
Cùng với đó, chương trình khuyến công tỉnh đã tổ chức 4 đề án đào tạo nghề (gồm nghề may công nghiệp, ván ghép thanh và sản xuất chổi đót, nón lá) cho 310 lao động. Nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT đã được tổ chức.
Việc hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) được chú trọng.
Trong giai đoạn từ năm 2012-2022, từ nguồn vốn khuyến công tỉnh đã hỗ trợ, xây dựng 15 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ 217 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời cơ sở vào CCN. Đồng thời, hỗ trợ 2 doanh nghiệp, cơ sở CNNT áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp vào hoạt động sản xuất...
Song song với đó, chương trình khuyến công tỉnh đã thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; hỗ trợ cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công; hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác phát triển sản xuất; hỗ trợ quy hoạch các CCN; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công cho các huyện, thị xã, thành phố.
Ở cấp huyện, hoạt động khuyến công cũng được triển khai tích cực, nhất là sau khi có Nghị quyết số 38/2020/NQ-HĐND ngày 23/7/2020 của HĐND tỉnh quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh.
Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều bố trí ngân sách để thực hiện các hoạt động khuyến công, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển các ngành nghề nông thôn.
Hoạt động khuyến công cấp huyện chủ yếu hướng vào các nội dung như khôi phục, phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, chế biến; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu; hỗ trợ tham gia hội chợ trong tỉnh...
Theo thống kê của các địa phương, tổng ngân sách cấp huyện bố trí cho hoạt động khuyến công từ năm 2012-2022 đạt trên 13,5 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ chính trị tại địa phương và hỗ trợ phát triển CN - TTCN, làng nghề tại các huyện. Nhờ vậy, nhiều làng nghề, ngành nghề TTCN được củng cố, khôi phục, phát triển và được công nhận; nhiều mô hình khuyến công đã phát huy được hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của địa phương.
Theo ông Nguyễn Thanh Hiếu, các hoạt động khuyến công đã khuyến khích các cơ sở CNNT đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực quản lý, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp.
Hoạt động khuyến công đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển CNNT tiêu biểu, làm điển hình nhân rộng và có sức lan tỏa trong phát triển công nghiệp địa phương. Các doanh nghiệp, cơ sở CNNT quan tâm đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo môi trường sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, đăng ký bảo hộ logo, nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm và chú trọng tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm hợp tác và mở rộng thị trường tiêu thụ.
"Để đạt mục tiêu đề ra, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến nhằm giúp các cơ sở CNNT tạo ra được những sản phẩm tiêu biểu, có chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường. Tập trung nâng cao chất lượng khảo sát, xây dựng đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm.
Cùng với đó sẽ nghiên cứu, lồng ghép nhiều hoạt động nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công, tìm kiếm các nguồn lực hợp pháp khác bên ngoài ngân sách để phối hợp tổ chức các hoạt động khuyến công. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, cơ sở CNNT nắm bắt và tiếp cận được với các nội dung hoạt động khuyến công”, ông Nguyễn Thanh Hiếu thông tin thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)